Lần cuối

HOÀNG MY 24/05/2020 04:30

Những ngày “giãn cách xã hội” vừa rồi, ba tôi bị kẹt lại một mình ở quê, không có xe để về lại ngôi nhà trên phố với con cái. Liên lạc với nhau chỉ qua điện thoại, mỗi cuộc gọi hay nhắn tin đều kết thúc bằng lời dặn dò “cẩn thận”. Không nói ra, nhưng lòng tôi ngập tràn nỗi bất an. Nhớ hôm ba tôi về quê, tôi đã ngủ quên không kịp dậy chở ông ra bến xe được. Nên thậm chí, một lần gặp nhau sau chót với ba, tôi cũng không có. Gở miệng, lỡ như có gì, chắc tôi hối hận lắm. Đang mùa dịch bệnh thế này cơ mà, ai dám nói trước điều gì…

Chẳng biết có phải khi đã không còn trẻ nữa, người ta hay nghĩ ngợi linh tinh nhiều hơn không? Nên tôi thường xuyên đặt mình ở cảm xúc: Hãy trân quý từng giây phút, từng cuộc gặp, từng cơ hội đối đãi tốt với nhau. Bởi biết đâu, đó chẳng là lần cuối được gần gũi, trò chuyện, ăn với nhau bữa cơm, chẳng hạn?

Tôi có một nỗi tiếc nuối be bé thầm kín, chẳng hiểu sao sau bao năm mà vẫn đeo đẳng mãi. Là hồi học sinh, tôi vốn thích mặc áo dài. Cuối năm lớp mười hai, lần đó mặc áo dài, bạn bè tíu tít chụp hình kỷ niệm, bảo rằng sợ mai này chẳng có dịp, nhưng tôi lại ỏng eo giận dỗi gì đó, không thèm. Để rồi đâu thể ngờ, khi mình rời khỏi bộ áo dài nữ sinh đó, là không khi nào còn cơ hội để khoác vào. Có miễn cưỡng, cố gắng, cưa sừng để may một bộ, thì cảm xúc đã khác hẳn, chẳng bao giờ còn là cô nữ sinh mười chín tuổi nữa rồi…

Mới đây thôi, sếp phó phòng tôi mất đột ngột vì bạo bệnh. Từ lúc anh lác đác nghỉ phép rồi chuyển qua nghỉ không lương, cho tới khi vĩnh viễn rời xa nhân gian, chỉ vỏn vẹn vài tháng. Khỏi phải nói, cả đơn vị tôi đều sốc. Cảm giác rằng, người mới hôm qua đây còn thân thiện tếu táo, ra vào nhắc nhở hoặc mắng mỏ, nay đã thành thiên cổ, quả là không dễ chịu gì. Lần cuối anh đi làm mà tôi gặp mặt, là bữa nào? Thật tôi không nhớ nữa. Ngay cả nếu có dăm nỗi trách móc giận hờn ấm ức này nọ về anh, tôi hẳn là cũng quên rồi. Nghĩ làm gì, khi cuộc sống vốn vô thường, và người ta có sân si hơn thua tranh giành gì, thì rồi hai bàn tay cũng chỉ nắm vừa một vốc đất lúc tiễn nhau thôi…

Những năm vừa rồi, bố chồng tôi đau ốm lẫn lãng. Khi ông mất, gia đình đưa ông về quê, nằm bên mẹ chồng tôi. Tôi được phân công ở lại để dọn dẹp, xử lý các việc còn lại. Lúc theo người ta đưa bố chồng ra đầu đường, lên xe để đi chuyến cuối cùng ấy, chẳng hiểu sao tôi cứ đau đáu mãi. Hiểu rằng, từ rày về sau, trong nhà tôi sẽ không còn bố nữa, các con tôi sẽ biết, không còn có ông nội. Dù đã lâu lắm, ông không còn có thể giao tiếp, nói năng, nhớ quên gì con cháu nữa. Nhưng trước cái lần cuối chia xa ấy, tôi bỗng nhớ lại những năm tháng mình làm dâu, có vui có buồn, có trách móc có xúc động, có những phiền toái mà bản thân nhiều lần cố gắng. Và có cả những rưng rưng của một cô con dâu thẳng tính nóng nảy đã từng…

Đọc báo, thấy y bác sĩ chống dịch ở tuyến đầu giống như ra trận. Bước ra khỏi cửa nhà, tạm biệt người thân lần nào cũng ở tâm thế “lần cuối”. Biết mình có dịp quay trở lại thăm gia đình… Em gái tôi sợ hãi nhắn tin kể, em đang hết sức ngoan ngoãn ở yên trong nhà. Chấp nhận giảm thu nhập, mất đối tác, khi hình dung tới viễn cảnh “lỡ như bị nhiễm bệnh”. Thui thủi một mình không người thân. Và nếu như lần rời khỏi nhà đó là sau cuối, thì thậm chí cuộc sinh ly tử biệt cũng chỉ có riêng mình…

Nếu như hôm nay là ngày cuối ta được sống? Bạn đã bao giờ nghĩ thế chưa, để “cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy”? Để ngủ ngắn thôi, bớt cằn nhằn tức tối, dịu dàng với chồng con, vui mừng là mình còn được làm nọ kia, nâng niu từng phút giây tồn tại trong đời. Bao dung với nhau nhiều hơn, nhận ra các hiềm khích ghét bỏ chỉ là “muỗi”. Để ta hiểu rằng, mình vẫn may mắn hơn bao người, những khó khăn vất vả ta đang đối mặt ấy, lắm khi là ao ước của kẻ khác. Biết đâu, ai đó đang bị bệnh tật nợ nần vây bủa trong tuyệt vọng, chỉ mong cái sự bình thường mà ta đang trải và chán ngắt.

Bởi ta chưa phải là đang đối mặt với lần cuối, như họ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lần cuối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO