Nhìn cây lớn lên

CHÂU NỮ 13/06/2020 09:25

Lúc đầu thấy chồng mình sáng chiều lọ mọ, bận rộn chăm bón mấy chậu cây be bé ngoài vườn - thực ra chỉ là khoảnh đất mươi mét vuông, tôi gạt đi, hoa kiểng giờ người ta bán đầy, muốn cái gì có cái đó, anh mua cây người ta trồng sẵn về chăm và ngắm cho tiện, lại đỡ nhọc công. Nhưng anh vẫn cứ trồng cây theo cách của anh, hoặc gieo từ hạt, hoặc chăm từ khi cây còn tí tẹo. Dần dà, tôi hiểu đó không chỉ là sở thích, mà còn là cách thư giãn, gửi hồn vào thiên nhiên của người yêu cây cỏ.

Chăm cây. Ảnh: CHÂU NỮ
Chăm cây. Ảnh: CHÂU NỮ

Đặc điểm của kiểu người yêu thiên nhiên là nơi ở hay nơi làm việc, dù chật chội, cũng cố trồng và dành chỗ nào đấy cho cây. Khoảng sân thay vì lát gạch men sẽ được tận dụng để trồng vạt cây xanh cùng mấy chậu cảnh chen chúc. Bàn làm việc, bệ cửa… cũng có cây xanh hiện diện. Sau những giờ căng thẳng với công việc, người yêu cây trở về thư giãn ở khu vườn của mình. Để ý kỹ, tôi thấy đa số họ xuất thân từ nông dân, vườn tược, cây cối “lặm” vào người, khó dứt.

Trong khu vườn nhỏ nhà mình, tôi đếm được vài chục loại hoa lá cỏ cây. Chồng tôi trồng nhiều loại để vườn mùa nào cũng có hoa. Lan tiêu, sử quân tử tới hè là rực rỡ. Nguyệt quế thơm ngát trong ngày sóc vọng. Thanh tú, dừa cạn, mắt nai… cho hoa quanh năm. Anh rành rẽ tính nết từng loại nên quy hoạch đâu ra đó. Thứ nào ưa rợp đặt trong mát, dây leo trồng dọc hàng rào, bầu bí mướp khổ qua trên giàn, có thứ phải đưa vào nhà, lâu lâu đem ra cho cây hít thở khí trời, tắm chút nắng chút gió. Có khi một cây cỏ dại cũng nâng niu, vì theo anh, cỏ cũng có đời sống và triết lý của cỏ. Mà con người, nhiều khi rất cần học triết lý cỏ cây để lớn lên, trưởng thành. Đó là triết lý thích nghi. Những giống cây hoa xứ lạ, những tưởng chỉ hợp với “tiểu đảo” ôn đới, nhiều sương mù như Tam Đảo hay Đà Lạt…, về miền Trung nắng nóng tưởng khó thuần chủng nhưng dần dà vẫn thích nghi. Có cây bám chút đất ít ỏi ở kẽ đá mà vươn mình trổ hoa cho trái. Và triết lý nhường nhịn để cùng tồn tại. Và nhẫn nại. Người nhẫn nại chăm bẵm, hoa nhẫn nại giữa nắng hè bỏng rát hay mưa lạnh dầm dề để tận hiến sắc hương.

Con trai tôi học những bài học đầu tiên về thực vật từ khu vườn bé nhỏ này. Con biết phân biệt lá cỏ với lá hẹ, rau húng với bạc hà, dây mướp và dây bí đao. Không chỉ phân biệt bằng cách quan sát hình dáng màu sắc lá hoa, mà là nhờ mùi đặc trưng của từng loại. Trong khu vườn nhỏ nhà mình, chúng tôi chơi trò “nhắm mắt đoán hoa”, để con cảm nhận tình yêu cây lá tự trong tâm hồn kiểu như “vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” (Nguyễn Ngọc Thuần). Có lần con trai lên sáu tuổi của tôi hỏi: Mẹ ơi, cây có tâm hồn như người không? Tôi hỏi lại (đúng kiểu người Quảng): Vậy con nghĩ là có không? Con ngẫm ngợi rồi trả lời là có, vì mỗi khi người ta chặt cây, con thấy có nước chảy ra, giống như nước mắt hay máu của cây đó mẹ.

Người thích làm vườn dành thời gian cho cây, không hẳn để chăm cây, mà là nhìn cây lớn lên. Dường như còn dành tấm lòng, đặt cả tâm hồn mình vào cỏ cây hoa lá. Nhìn cây lớn lên từng ngày với ngắm một chậu cây kiểng mua mấy chục triệu đồng, cảm giác đương nhiên khác nhau. Một bên là gắn bó tâm hồn, một bên là gắn với tài sản. Những ngày làm việc online ở nhà trong đợt cách ly, cũng nhờ khu vườn mà gia đình đỡ ngột ngạt. Có cây xanh để ngắm nghía và hít thở không khí trong lành, tâm hồn cũng thư thái hơn. Dần dà, tôi cũng trở thành người thích nhìn - cây - lớn - lên lúc nào chẳng hay.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhìn cây lớn lên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO