"Lấy nước đường xa" - câu chuyện chạm trái tim độc giả

NAM VIỆT 10/04/2021 06:34

“Lấy nước đường xa” - cuốn tiểu thuyết bán chạy số 1 của Thời báo New York và Top 1 sách viết về trẻ em châu Phi tại Amazon là câu chuyện có thật về khát vọng và hành trình vượt lên số phận của những đứa trẻ tại Sudan.

Bìa cuốn sách A Long Walk To Water (Lấy nước đường xa) của Linda Sue Park.
Bìa cuốn sách A Long Walk To Water (Lấy nước đường xa) của Linda Sue Park.

Trong bối cảnh đất nước từng đối mặt với các cuộc nội chiến kéo dài, khí hậu vô cùng khắc nghiệt, trẻ em Sudan là những người dễ bị tổn thương nhất. Bên cạnh việc không có cơ hội đến trường, nhiều đứa trẻ phải phụ giúp gia đình, vất vả lội bộ đến những khu vực xa xôi mới lấy được nước về phục vụ sinh hoạt.

“Lấy nước đường xa” (tạm dịch từ nguyên văn tiếng Anh: A Long Walk To Water) của nữ văn sĩ người Mỹ gốc Hàn Linda Sue Park được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2010. Cuốn tiểu thuyết kể hai câu chuyện giao thoa đầy cảm xúc và đan xen nhau trong mạch truyện chính. Đó là cuộc sống của hai đứa trẻ cũng 11 tuổi nhưng ở hai bộ tộc khác nhau, hai thời kỳ khác nhau: năm 2008 và năm 1995.

Cậu bé Salva Dut là một trong những đứa trẻ thất lạc gia đình trong một cuộc nội chiến ở Sudan. Sau nhiều tuần liền đi bộ với hy vọng một ngày nào đó sẽ tìm lại được gia đình của mình, Salva vật lộn để tìm kiếm thức ăn và nước uống để sinh tồn, đồng thời tránh nhiều mối nguy từ những phiến quân nổi loạn và thú rừng.

Salva cùng hơn 1.500 đứa trẻ Sudan thất lạc trong hoàn cảnh tương tự đến trại tị nạn gần sông Gilo để có chỗ ở an toàn hơn. 7 năm sau, Salva đến Mỹ, sống cùng cha mẹ nuôi và cũng tìm thấy gia đình mình đang ở xứ cờ hoa. Đau đáu về quê hương, Salva tham gia nhóm tình nguyện có tên Water for Sudan để lắp đặt nhiều giếng sâu, mang nước sạch về cho người dân Sudan. Từ năm 2005 đến nay, dự án Water for Sudan lắp đặt khoảng 500 giếng nước tại khu vực.

Còn cô bé Nya mỗi ngày đi bộ 8 tiếng đến ao nước gần nhà nhất để mang nước về nhưng nguồn nước ở đó cũng bị ô nhiễm. Sau đó, một ngôi trường và giếng nước được xây dựng trong làng nên Nya không còn phải lấy nước ở đường xa, lại có cơ hội đến trường. Điều đó khiến Nya vô cùng hạnh phúc.

Trong khi Salva vẫn tiếp tục hành trình mang nước sạch đến cho người dân Sudan, Nya cũng kết thúc hành trình lấy nước vô cùng gian nan. Tác giả Linda Sue Park thừa nhận, Nya là một nhân vật hư cấu, nhưng cô ấy là đại diện cho nhiều trẻ em sống ở Sudan và mọi thứ xảy ra với Nya đều là sự thật ở vùng đất này. Còn nhân vật Salva Dut hiện sống gần nơi ở của nhà văn.

“Lấy nước đường xa” từng nhận Huân chương Newbery (giải thưởng thường niên được trao cho tác giả của cuốn sách thiếu nhi Mỹ xuất sắc nhất). Nói về đứa con tinh thần của mình, tác giả Linda Sue Park cho biết: “Chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng toàn cầu hơn. Điều quan trọng đối với những người trẻ là phải biết câu chuyện của họ, của cộng đồng, của đất nước họ và của thế giới. Tôi nghĩ đó là điều tạo nên một con người giác ngộ”.

Câu chuyện ý nghĩa sâu sắc và cảm động về cuộc đời của Salva và Nya như thúc giục tất cả hãy tiếp tục bước đi, ngay cả khi đối mặt với những thách thức lớn nhất của cuộc đời để cải thiện cuộc sống của chính mình và giúp đỡ cộng đồng.

Linda Sue Park bắt đầu viết thơ và truyện vào năm 4 tuổi. Niềm đam mê đọc sách thúc đẩy việc viết lách của nữ văn sĩ này. “Lấy nước đường xa” do dịch giả Nguyễn Thanh Tùng chuyển ngữ, vừa có mặt trong thị trường sách Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Lấy nước đường xa" - câu chuyện chạm trái tim độc giả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO