Trung tâm Đào tạo và Thi Đấu TD-TT tỉnh: Bao giờ hết khó?

ANH SẮC 27/10/2020 21:45

Thiếu huấn luyện viên (HLV), cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tập luyện lẫn cơ chế, chính sách đối với HLV, vận động viên (VĐV)… là những rào cản khiến cho Trung tâm Đào tạo và Thi đấu TD-TT tỉnh gặp không ít khó khăn trong hoạt động.

Vận động viên tập luyện tại Nhà tập luyện khá chật chội. Ảnh: A.S
Vận động viên tập luyện tại Nhà tập luyện khá chật chội. Ảnh: A.S

22 năm tăng 2 biên chế

Trung tâm Đào tạo và Thi đấu TD-TT tỉnh được thành lập vào tháng 10.2019 trên cơ sở hợp nhất Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT tỉnh và Trung tâm TD-TT tỉnh. Chức năng của trung tâm là đào tạo VĐV, tham gia thi đấu các giải khu vực, quốc gia, quốc tế; đồng thời tổ chức các giải đấu thể thao phong trào, phát triển phong trào TD-TT cơ sở.

Để tháo gỡ những khó khăn của Trung tâm Đào tạo và Thi đấu TD-TT tỉnh, mới đây Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân đã có buổi làm việc với đơn vị. Theo ông Tân, không thể bổ sung biên chế vì tỉnh đang thực hiện tinh giảm, cũng không thực hiện giao kinh phí trên chỉ tiêu đào tạo do trường chuyển sang trung tâm. Vì vậy, để đảm bảo hoạt động, thống nhất cho đơn vị hợp đồng, ngân sách bố trí chi trả. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh lộ trình xây mới, sửa chữa các công trình như nhà ăn, ký túc xá, nhà tập, mua sắm trang thiết bị; Sở VH-TT&DL bổ sung thêm chính sách thu hút vào đề án phát triển sự nghiệp VH-TT&DL

Khó khăn nhất hiện nay, theo ông Phan Văn Hạ - Giám đốc trung tâm, là thiếu biên chế đội ngũ HLV để làm công tác huấn luyện, đào tạo. Ông Hạ dẫn chứng, từ năm 1998 chỉ tiêu biên chế giao 20 HLV với quy mô đào tạo 5 môn, 90 VĐV. Đến nay, sau 22 năm quy mô đào tạo đã tăng lên 13 môn với 245 VĐV song biên chế chỉ tăng thêm 2 HLV.

Với đặc thù huấn luyện chuyên sâu, số lượng HLV phải đáp ứng theo từng nhóm đối tượng. Mỗi môn thể thao có 3 cấp độ đội tuyển và mỗi cấp độ có trình độ chuyên môn, chế độ dinh dưỡng khác nhau (đội tuyển năng khiếu, tuyển trẻ, tuyển tỉnh). Ứng với mỗi đội tuyển phải có tối thiểu 1 HLV nên mỗi môn phải có tối thiểu 3 HLV.

“Với quy mô đào tạo hiện nay nhu cầu ít nhất là 39 HLV nhưng trung tâm chỉ có 17 HLV (trong đó 11 biên chế, 6 hợp đồng) và 3 trợ lý huấn luyện” - ông Hạ nói.

Cơ chế, chính sách đãi ngộ nhằm thu hút VĐV, HLV đến nay cũng chưa có. Điều này khiến không ít tài năng thể thao không chọn cống hiến cho tỉnh mà đi đến các địa phương khác. Một số VĐV tuổi còn khá trẻ và đang ở đỉnh cao phong độ song lại xin nghỉ thi đấu đi học đại học, học nghề để lo tương lai. Đối với VĐV đạt thành tích năm 2019, trong đó có các giải quốc tế như SEA Games 30 đến giờ cũng chưa được khen thưởng.

Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Thanh Hồng tỏ ra hụt hẫng: “Trong khi các địa phương trên cả nước đều thưởng ngay sau khi SEA Games kết thúc thì VĐV của tỉnh đạt thành tích SEA Games từ năm 2019 đến nay vẫn chưa khen thưởng thì làm sao thu hút tài năng và điều này ảnh hưởng đến tâm lý VĐV”.

Nơi tập luyện tạm bợ

Không chỉ đội ngũ HLV, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tập luyện, thi đấu cũng thiếu thốn và tạm bợ, không đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Hiện nay, cơ sở phục vụ tập luyện gần như duy nhất là nhà tập luyện hơn 1.000m2 được xây dựng cách đây hơn 20 năm. Tuy nhiên, nơi đây đã mất gần một nửa diện tích để đặt 2 sàn thi đấu môn Võ cổ truyền và Wushu. Hơn 500m2 còn lại hàng ngày phải chứa đến 150 VĐV của 5 môn võ khiến VĐV có rất ít khoảng trống để di chuyển, gây nhiều khó khăn trong tập luyện.

Nhưng các bộ môn võ còn đỡ hơn một số bộ môn khác như đua thuyền Canoeing, Rowing phải lấy sông Tam Kỳ làm nơi tập luyện tạm thời (hồ Phú Ninh đảm bảo yêu cầu song không có phương tiện đưa VĐV đi lại). Môn điền kinh sử dụng đường piste sân Tam Kỳ song hiện nay hư hỏng nặng, rất dễ gây chấn thương cho VĐV chạy với tốc độ cao. Thậm chí môn bắn súng từng mang về huy chương vàng Đại hội TD-TT toàn quốc song đến nay cơ sở vật chất vẫn “tay không” nên buộc phải gửi đào tạo tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng.

Ông Phan Văn Hạ cho rằng, để đáp ứng nhu cầu tập luyện, trung tâm cần có thêm một nhà tập để giảm tải cho nhà tập luyện hiện nay và đầu tư mua sắm thêm trang thiết bị. Ngay cả chỗ ở cho VĐV cũng là điều bức xúc, khu ký túc xá hiện có chỉ bố trí được 160 chỗ ở trong khi nhu cầu lớn hơn khá nhiều. Còn theo ông Nguyễn Thanh Hồng, quy hoạch khu liên hợp TD-TT mới đã có song đó là câu chuyện của tương lai. Trước mắt, ít nhất là 5 năm tới trung tâm vẫn còn hoạt động tại đây. Vì vậy, cần thiết phải đầu tư bổ sung đáp ứng yêu cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trung tâm Đào tạo và Thi Đấu TD-TT tỉnh: Bao giờ hết khó?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO