Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Hàn Quốc: Kết nối đầu tư, hợp tác phát triển

TRỊNH DŨNG 11/11/2019 11:19

Không có dự án đầu tư nào được ký kết, chỉ có 3 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, kinh doanh, phát triển khởi nghiệp, nhưng cuộc gặp gỡ của hơn 600 đại biểu thuộc các cơ quan kinh tế, doanh nghiệp tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt – Hàn cuối tuần qua tại Khu phức hợp Chu Lai – Trường Hải đã mang lại nhiều cơ hội kết nối đầu tư, hợp tác phát triển kinh tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, liên kết kinh doanh giữa doanh nghiệp hai nước tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt - Hàn.Ảnh: T.D
Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, liên kết kinh doanh giữa doanh nghiệp hai nước tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt - Hàn.Ảnh: T.D

Hợp tác song phương

Theo Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Việt Nam đã thu hút hơn 29.000 doanh nghiệp FDI từ 130 quốc gia và vùng lãnh thổ với số vốn cam kết khoảng 357 tỷ USD. Hàn Quốc là nhà đầu tư FDI lớn nhất Việt Nam với tổng vốn đăng ký đến tháng 9.2019 hơn 65,7 tỷ USD. Các dự án FDI Hàn Quốc tại Việt Nam rất đa dạng, trải rộng từ công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, năng lượng, phát triển hạ tầng giao thông, logistics, bất động sản, bán buôn, bán lẻ, du lịch… Gần như các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đều đã có mặt tại Việt Nam (Samsung, Hyundai, LG, POSCO, SK, Lotte, Kumho-Asiana...). Hàn Quốc cũng là nhà cung cấp hàng hóa lớn thứ hai cho Việt Nam sau Trung Quốc; kim ngạch nhảy vọt từ 0,5 tỷ USD (năm 1992) đã lên hơn 65,8 tỷ USD (2019). Các hàng nhập khẩu chủ lực như điện tử, linh kiện điện tử, điện thoại, máy tính, máy móc và phụ tùng, dệt may, nông lâm thủy sản… Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1992), quan hệ Việt - Hàn đã phát triển với tốc độ nhanh hiếm thấy, trở thành tấm gương điển hình về quan hệ hợp tác song phương trong khu vực. Hàn Quốc đã trở thành một trong những đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam và Việt Nam cũng đã trở thành đối tác chiến lược hàng đầu của Hàn Quốc ở Đông Nam Á. Việt Nam là đối tác nước ngoài lớn thứ 4 của Hàn Quốc sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hồng Kông, còn Hàn Quốc là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác phát triển và hiện là nhà tài trợ song phương lớn thứ hai của Việt Nam.

Quang cảnh Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt - Hàn và lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, liên kết kinh doanh giữa doanh nghiệp hai nước. Ảnh: T.D
Quang cảnh Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt - Hàn và lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, liên kết kinh doanh giữa doanh nghiệp hai nước. Ảnh: T.D

Ở chiều ngược lại, Hàn Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản). Hiệp định thương mại tự do FTA Việt Nam - Hàn Quốc (KVFTA) đã góp phần nâng cao hiệu quả của khuôn khổ pháp lý và thực thi chính sách thương mại, cải thiện quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của hai nền kinh tế Việt Nam và Hàn Quốc, tạo động lực mới góp phần thực hiện các mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 100 tỷ USD vào năm 2020 và hướng tới sự cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước. Ông  Park Noh Wan - Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam chứng tỏ chương trình đối tác chiến lược giữa hai quốc gia đang thành hiện thực. Các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đánh giá được rủi ro, lợi thế của từng vùng miền khi quyết định đầu tư vào Việt Nam. Các tỉnh miền Bắc là điểm đến của những tập đoàn lớn trong khi miền Nam, miền Trung lại thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa từ xứ kim chi.

Kết nối phát triển kinh tế

Không có hợp đồng dự án đầu tư cụ thể nào, nhưng 3 biên bản ghi nhớ được ký kết (hỗ trợ xúc tiến đa phương, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp của Việt Nam - Hàn Quốc; phát triển khu công nghiệp và đô thị Thừa Thiên Huế; trao đổi hoạt động thương mại, kinh doanh giữa các doanh nghiệp trẻ hai nước) tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt - Hàn đã mở đường cho cơ hội hợp tác, kết nối phát triển kinh tế.  Ông Kwon Pyung Oh - Chủ tịch KOTRA cho biết, kim ngạch song phương giữa hai nước hiện đạt 68 tỷ USD. Hiện có hơn 8.000 doanh nghiệp Hàn Quốc có mặt tại Việt Nam. Ông Kwon Pyung Oh nói kim ngạch năm 2020 khoảng 120 tỷ USD có thể thực hiện được nếu hai nước bắt tay nhau. Xu thế trung tâm công nghiệp thế giới đang chuyển sang ASEAN nên Việt Nam có lợi thế rất lớn. Hội nghị này sẽ là cơ hội cho hai phía mở rộng tầm nhìn giữa hai quốc gia, mang lại lợi ích cả chất và lượng cho doanh nghiệp trong việc kết nối phát triển kinh tế song phương.

Dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ đi vào thực chất và hiệu quả hơn trong thời gian tới. Sản xuất ô tô, chế tạo máy, hóa dầu sẽ là những lĩnh vực được doanh nghiệp Hàn Quốc đẩy mạnh đầu tư sản xuất và hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, tương lai quan hệ hợp tác Việt Nam và Hàn Quốc phụ thuộc vào tầm nhìn, ý chí vươn lên và sự năng động, sáng tạo của đội ngũ doanh nhân 2 nước. Chính phủ Việt Nam tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ thương mại song phương theo hướng cân bằng. Để đạt kim ngạch thương mại với Hàn Quốc 100 tỷ USD vào năm 2020, Việt Nam mong muốn Hàn Quốc tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để hàng nông thủy sản và các sản phẩm có thế mạnh Việt Nam như hàng dệt may, đồ gỗ, cao su… tiếp cận thị trường Hàn Quốc. Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận các mặt hàng mà Hàn Quốc có thế mạnh như linh kiện sản xuất và các mặt hàng khác vào thị trường Việt Nam. Chính phủ Việt Nam luôn hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước hợp tác, kinh doanh thành công. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị phía Hàn Quốc sớm hoàn tất quy trình phân tích rủi ro, mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, góp phần giảm nhập siêu từ Hàn Quốc. Chính phủ Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn, tổ chức khoa học nước ngoài (có Hàn Quốc) đủ thế mạnh về khoa học công nghệ tham gia hoạt động nghiên cứu, hợp tác chuyển giao các công nghệ tiên tiến cho doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Joo Hyung Chul - Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt về chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc khẳng định sẽ chỉ đạo ủy ban này đẩy mạnh nghiên cứu, tham mưu các chương trình, dự án về kết nối hợp tác giữa Hàn Quốc – Việt Nam và các đối tác ở khu vực. Việt Nam luôn là người bạn tin cậy, điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế nói chung, trong đó có các nhà đầu tư Hàn Quốc. Hội nghị này là cơ hội tốt để hai phía hiểu và gắn kết nhiều hơn, mở ra cơ hội mới với nhiều doanh nghiệp Hàn - Việt mong muốn đầu tư, kinh doanh và giao thương...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Hàn Quốc: Kết nối đầu tư, hợp tác phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO