Kinh tế suy giảm vì dịch Covid-19

TRỊNH DŨNG 10/03/2020 13:33

Sản xuất, dịch vụ đình trệ, thu ngân sách không đạt tiến độ... Tình trạng suy giảm của nền kinh tế hiện thời vẫn chưa biết khi nào có thể tăng trưởng trở lại.

Các khách sạn vắng khách, sản xuất đình trệ. Ngành sản xuất ô tô giảm đến 38%... là hiện trạng của nền kinh tế Quảng Nam trước tác động dịch bệnh. Ảnh: T.D
Các khách sạn vắng khách, sản xuất đình trệ. Ngành sản xuất ô tô giảm đến 38%... là hiện trạng của nền kinh tế Quảng Nam trước tác động dịch bệnh. Ảnh: T.D

Đình đốn

Chỉ nhận khoản lương ít ỏi tháng 2 được chuyển vào ngày 8.3, Nguyễn Trần Gia Hân – nhân viên khách sạn ven sông Hội An thoáng chút thất vọng. Hân cho biết cô và các đồng nghiệp còn may mắn khi nhiều lao động khác đã được khuyến khích nghỉ không lương hoặc có người buộc phải nghỉ việc vì khách sạn hay nhà hàng ít khách, có thể sẽ đóng cửa trong nay mai.

Ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay ngành du lịch, dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề. Lượng khách du lịch đến giảm (70% khách nội địa và 50% khách quốc tế), các tour du lịch bị hủy..., kéo theo doanh thu giảm, dẫn đến nguy cơ thất nghiệp gia tăng. Hầu như các hãng du lịch, khách sạn, nhà hàng đều cho nhân viên nghỉ dần vì thiếu nguồn trả lương. Các dự án có kế hoạch khánh thành nhưng dự báo sẽ không tìm ra khách cũng buộc phải lùi ngày hoạt động, không muốn mất chi phí nhân công, vật tư, điện nước...

Không chỉ riêng du lịch, hầu như ngành sản xuất nào cũng lâm vào tình trạng đình đốn. Thống kê của Sở KH&ĐT cho thấy, hai tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm đến 18,4% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu ở nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (giảm 18%, riêng sản xuất kim loại giảm 37,5% và sản xuất xe có động cơ giảm 38%). Ngành sản xuất và phân phối điện giảm 36%.

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương cho biết dệt may, da giày, ô tô bị ảnh hưởng nặng nề. Nguyên vật liệu sản xuất thiếu nguồn hàng nhập khẩu. Theo kiểm tra của ngành thì sản xuất chỉ có thể ổn định trong quý I.2020, còn quý II trở đi thì không thể trả lời được. Các doanh nghiệp lớn cho biết hiện gặp nhiều khó khăn, vẫn chưa biết tính toán thế nào trong những ngày tới.

Một thống kê khác, chỉ trong vòng 2 tháng qua, 26 doanh nghiệp buộc phải giải thể, thêm 224 doanh nghiệp gửi thông báo tạm ngừng hoạt động. Sản xuất đình trệ đã khiến việc huy động của giới ngân hàng liên tục giảm (giảm 1,08% so với tháng trước và 1,33% so đầu năm) và nợ xấu tăng 0,29% so với đầu tháng 2.2020.

Thu ngân sách nhà nước đã giảm đến 27,2% so với cùng kỳ (đạt 3.995 tỷ đồng). Thu nội địa chỉ bằng 15% dự toán (3.090 tỷ đồng), giảm đến 26,2% so với cùng kỳ... Trong khi đó, vốn đầu tư dù có tăng 5% so cùng kỳ, nhưng khối lượng thực hiện chủ yếu vẫn là các công trình chuyển tiếp, không đóng góp được bao nhiêu vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế địa phương.

Khó dự báo

Dịch bệnh Covid-19 kéo theo sự suy giảm nền kinh tế chưa biết khi nào mới khởi sắc. Các cơ quan quản lý cho biết đã đưa ra nhiều giải pháp, nhưng sức sản xuất, kinh doanh phụ thuộc vào doanh nghiệp, song diễn biến của thị trường hay kế hoạch ứng phó, vượt khó của doanh nghiệp thì không đủ cơ sở để dự đoán.

Ông Nguyễn Quang Thử thừa nhận hầu hết doanh nghiệp lớn đều báo cáo đang gặp khó khăn, nhưng họ không cho biết lượng nguyên vật liệu nhập phụ thuộc vào thị trường nào. Tất cả đều dự báo nếu tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp thì sản xuất tiếp tục bị đình trệ.

Giới ngân hàng đã “tiên phong” trong việc tính toán chuyện miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn thời hạn trả nợ, không tính lãi suất phạt quá hạn, giảm lãi suất cho vay theo các kỳ hạn cụ thể..., song vẫn chưa thể có một nhận định về thời điểm nền kinh tế địa phương vận hành ổn định trở lại.

Ông Đặng Phong – Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết không phải không có giải pháp nhưng chưa giải pháp nào hữu hiệu để vực dậy sự khả quan của nền kinh tế. Sự suy giảm sản xuất, kinh doanh sẽ kéo theo số lượng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp, dịch vụ sẽ tiếp tục suy giảm. Cần xúc tiến đầu tư mạnh mẽ để bù đắp vào nền kinh tế đang bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Thanh Hồng cho biết, ngành đã truyền thông, quảng bá Quảng Nam là điểm đến an toàn, thân thiện. Các doanh nghiệp cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch kích cầu trọn gói giá giảm hơn so với bình thường 10 - 20% nhằm thu hút khách quay lại trong và sau dịch bệnh. Tuy nhiên, theo ông Hồng, dịch SARS mấy năm trước nhẹ hơn, nhưng ngành du lịch phải mất đến 3 năm mới hồi phục như thời điểm ban đầu. Nếu khả năng quý I mà không khống chế được dịch Covid-19 thì ảnh hưởng nền kinh tế sẽ còn nặng nề hơn nữa.

Nông nghiệp Quảng Nam được xem là điểm sáng hiếm hoi trong hiện tại nhưng dù dịch tả lợn châu Phi có xu hướng giảm vẫn đầy nguy cơ tiềm ẩn tái phát, và dịch lở mồm long móng vẫn xảy ra trên đàn gia súc... Đứng trước khó khăn hiện hữu trước mắt, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng nhiệm vụ hàng đầu là phòng chống dịch bệnh, không chống được dịch thì mọi ngành kinh tế sẽ bị đình trệ. Các ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng từ nguồn vốn tư nhân, FDI, bảo đảm chỉ tiêu thu ngân sách đúng như dự toán dù biết sẽ rất khó.

“Cục Thuế xây dựng đề án vừa bảo đảm chống thất thu, nhưng không gây khó khăn cho người nộp thuế. Các ngành phải chủ động nắm bắt tình hình doanh nghiệp về khó khăn, vướng mắc gì cần chính quyền hỗ trợ trong lúc này để có kế hoạch giải quyết hoặc đề xuất trung ương. Hơn lúc nào hết cần phát huy trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, địa phương, chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp” – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kinh tế suy giảm vì dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO