Agribank chi nhánh Quảng Nam: Nguồn động lực cho tam nông

VIỆT NGUYỄN 03/09/2019 11:18

Trong khi hầu hết ngân hàng thương mại “bám trụ” ở khu vực đô thị thì Agribank chi nhánh Quảng Nam lại nỗ lực đưa vốn về khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, tạo thuận lợi để người dân phát triển kinh tế, thúc đẩy phát triển tam nông.

Agribank chi nhánh huyện Tiên Phước giao dịch với khách hàng. Ảnh: QUANG VIỆT
Agribank chi nhánh huyện Tiên Phước giao dịch với khách hàng. Ảnh: QUANG VIỆT

Vay vốn qua tổ

Mô hình kinh tế vườn của gia đình bà Trần Thị Hân (thôn 4, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước) khởi sắc. Với mảnh vườn hơn 1ha, gia đình bà Hân trồng 300 cây thanh trà, lòn bon, quýt. Cứ mỗi độ tháng 7, tháng 8, gia đình thu hoạch các loại trái cây, bán cho tư thương địa phương, thu về hàng trăm triệu đồng. Từ nhiều năm nay, bà Hân vay hơn 200 triệu đồng của Agribank chi nhánh huyện Tiên Phước để đầu tư mô hình kinh tế vườn nói trên.

“Cán bộ ngân hàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để gia đình chúng tôi tiếp cận nguồn vốn vay, đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả như hôm nay. Thậm chí tôi không cần phải đến ngân hàng để trả lãi định kỳ mà nhờ tổ vay vốn thu hộ” - bà Hân cho biết.

Huyện Tiên Phước hiện đã thành lập được 61 tổ vay vốn với 1.791 thành viên, dư nợ đạt xấp xỉ 137 tỷ đồng. Ông Huỳnh Văn Lân - cộng tác viên của Agribank chi nhánh huyện Tiên Phước phụ trách các tổ vay vốn trên địa bàn xã Tiên Cảnh cho biết, tham gia các tổ vay vốn, các thành viên có điều kiện thuận lợi chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau về phương thức đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát huy hiệu quả đồng vốn vay của Agribank.

Thực tế trên địa bàn, các mô hình kinh tế vườn, trồng keo lá tràm, chăn nuôi bò rất phát triển, nhiều hộ vươn lên làm giàu từ nguồn vốn vay của Agribank. Nhiều tổ trưởng tổ vay vốn như ông Lân đã được Agribank chi nhánh Quảng Nam tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, hiểu rõ các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, trở thành “cánh tay nối dài”, triển khai hiệu quả kênh phân phối sản phẩm của ngân hàng.

Ông Phạm Đức Dũng - Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Tiên Phước cho biết, tổ trưởng tổ vay vốn được lựa chọn là người có uy tín, gần gũi với các thành viên trong tổ, nhờ vậy theo sát đôn đốc, nắm bắt nhu cầu của các thành viên trong tổ, hỗ trợ các cán bộ tín dụng trong việc mở rộng tín dụng và đôn đốc trả nợ, nâng cao chất lượng tín dụng. Tổ vay vốn là một trong những kênh hiệu quả để Agribank chi nhánh huyện Tiên Phước đưa vốn đến người dân khu vực miền núi.

Ông Nguyễn Vinh - Trưởng phòng Khách hàng hộ sản xuất và cá nhân (Agribank chi nhánh Quảng Nam) cho biết, triển khai Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9.6.2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, Agribank đã phối hợp với các hội nông dân, phụ nữ, các đoàn thể triển khai mô hình tổ vay vốn. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 374 tổ vay vốn với 7.301 thành viên, tổng dư nợ đạt gần 514 tỷ đồng.

“Agribank chi nhánh Quảng Nam không ngừng đa dạng hóa các kênh dẫn vốn đến khách hàng. Ngoài việc cho vay qua tổ vay vốn, Agribank chi nhánh Quảng Nam còn triển khai dịch vụ ngân hàng lưu động đến tận địa bàn xã, thôn, vùng sâu vùng xa, giúp khách hàng có nhiều cơ hội tiếp cận vốn” - ông Vinh nói.

Ngân hàng lưu động

Agribank chi nhánh Quảng Nam hiện có dư nợ hơn 13 nghìn tỷ đồng, hơn 18 nghìn tỷ đồng vốn huy động. Các sản phẩm dịch vụ ngày càng được nâng cao với 54 máy ATM phân bố khắp cả tỉnh, thuận tiện cho khách hàng. Hiện tại Agribank chi nhánh Quảng Nam có 20 chi nhánh, 14 phòng giao dịch và giao dịch lưu động tại huyện Đông Giang.

Hiện nay, Agribank chi nhánh Quảng Nam là ngân hàng duy nhất triển khai giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng tại huyện Đông Giang, giúp người dân miền núi tiếp cận dịch vụ để phát triển kinh tế.

Theo ông Nguyễn Xuân Nghiêm - Chủ tịch UBND xã Ba (Đông Giang), nhờ tiếp cận vốn vay, nhiều mô hình kinh tế rừng đã phát triển rất mạnh như trồng keo lá tràm đem lại thu nhập cao cho nông dân. Người dân còn tiếp cận vốn vay của Agribank chi nhánh huyện Đông Giang để đầu tư các loại xe chuyên chở gỗ, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng.

Theo ông Lê Văn Nguyên - Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Đông Giang, triển khai điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng trong thời gian qua nhận được sự quan tâm, ủng hộ và đánh giá cao của các ban, ngành, các cấp chính quyền ở địa phương. Khách hàng trên địa bàn xã Ba, xã Tư, A Ting, Sông Kôn, Zơ Ngây của huyện đã quen thuộc với các phiên giao dịch, lịch trình giao dịch của xe lưu động nên số lượng khách hàng, số dư tiền gửi và tiền vay tăng trưởng. Dư nợ tại điểm lưu động đạt hơn 85 tỷ đồng. Khách hàng gửi tiết kiệm đạt gần 11 tỷ đồng. Giao dịch chuyển tiền xấp xỉ 60 tỷ đồng...

Triển khai điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng đã đáp ứng nhu cầu của đông đảo bà con nhân dân trên địa bàn ở xa trụ sở làm việc của Agribank chi nhánh huyện Đông Giang, tiết giảm chi phí đi lại cho khách hàng, tăng hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Ô tô chuyên dùng phục vụ giao dịch lưu động của Agribank chi nhánh Quảng Nam có đầy đủ tính năng hiện đại. Mọi hoạt động giao dịch được thực hiện ngay tại ô tô.

Ông Hà Thạch - Giám đốc Agribank chi nhánh Quảng Nam cho biết, Agribank luôn khẳng định vai trò của ngân hàng thương mại hàng đầu trong lĩnh vực “tam nông”. Ngoài khách hàng doanh nghiệp, Agribank luôn kiên trì, tìm ra những giải pháp mới đưa dịch vụ ngân hàng đến địa bàn nông thôn, đồng hành với nông dân trên hành trình xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ông Nguyễn Văn Diện - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho rằng, Agriank Quảng Nam đã góp phần chuyển tải những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống người dân miền núi một cách thiết thực. Đây cũng điều kiện thuận lợi tăng cường uy tín, vị thế của Agribank chi nhánh Quảng Nam để ngày càng đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của của tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Agribank chi nhánh Quảng Nam: Nguồn động lực cho tam nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO