Chờ cuộc trở mình...

XUÂN HIỀN 28/01/2020 07:10

(Xuân Canh Tý) - Chỉ mới đến năm thứ 3 triển khai Chương trình OCOP, nhưng Quảng Nam đã cho thấy tiềm năng và những nỗ lực thay đổi lẫn bứt phá của mình.

Trong năm 2020, làng rau Trà Quế sẽ được quy hoạch trở lại theo hướng chuyên sâu để trở thành điểm dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng. TRONG ẢNH: Người già ở làng rau Trà Quế.Ảnh: Lê Trọng Khang
Trong năm 2020, làng rau Trà Quế sẽ được quy hoạch trở lại theo hướng chuyên sâu để trở thành điểm dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng. TRONG ẢNH: Người già ở làng rau Trà Quế.Ảnh: Lê Trọng Khang

Năm 2020, Quảng Nam là một trong 12 tỉnh, thành phố được lựa chọn chỉ đạo điểm phát triển các nhóm sản phẩm OCOP. 

Ở nhóm thảo dược, sản phẩm chế biến từ quế Trà My sẽ trở thành mô hình mẫu để các cơ sở của nhiều địa phương khác học tập. Song song đó, ở nhóm dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng, Bộ NN & PTNT lựa chọn TP.Hội An để làm dịch vụ quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với vùng du lịch.

Cũng trong năm 2020, hai làng du lịch văn hóa Lộc Yên (Tiên Phước) và làng Bhờ Hôồng (xã Sông Kôn, Đông Giang) cùng với 8 ngôi làng khác trên cả nước được lựa chọn để xây dựng thí điểm 10 mô hình Làng văn hóa du lịch gắn với xây dựng Nông thôn mới.

Không khó để tìm ra lý do các sản phẩm này nằm trong danh mục mô hình thí điểm của cả nước. Sự khác biệt mang tính đặc trưng vùng miền cũng như những nỗ lực tuyệt vời của người dân bản địa đã đem lại hiệu ứng.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, đây chính là cơ hội để Quảng Nam hiện thực hóa những tiềm năng và cũng là bước đệm để thúc đẩy Chương trình OCOP phát triển một hướng mới, hiệu quả, sáng tạo hơn.

“OCOP tại Quảng Nam hiện vẫn còn thực hiện khá cứng nhắc. Thông qua việc xây dựng các mô hình thí điểm này để chúng ta rút ra những bài học, góp phần định hình lại hướng đi cho Chương trình OCOP những năm tiếp theo” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chia sẻ. Rộng hơn, những mô hình điểm này cũng chính là thế mạnh khác biệt của sản phẩm xứ Quảng so với các địa phương khác. 

Làng cổ Lộc Yên (xã Tiên Cảnh, Tiên Phước) hiện đang hoàn thiện để kết nối với không gian du lịch từ Phú Ninh, Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Làng cổ Lộc Yên (xã Tiên Cảnh, Tiên Phước) hiện đang hoàn thiện để kết nối với không gian du lịch từ Phú Ninh, Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Tuy nhiên, dù vùng nguyên liệu có đặc sắc chăng nữa, nhưng sản phẩm không đa dạng cũng đành giậm chân tại chỗ. Điều này đã được chính các địa phương nhìn nhận.

Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, lâu nay người dân ở hai huyện Nam - Bắc Trà My vẫn chỉ bán sản phẩm quế thô là chủ yếu, trong khi OCOP đòi hỏi sản phẩm phải có tính sáng tạo nhiều hơn. Vì lẽ đó nên hiện tại, việc kết nối với doanh nghiệp đang là điều được các địa phương phối hợp và tính toán. Sẽ có những dòng sản phẩm như tinh dầu, thuốc hay các chế phẩm từ quế được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo hợp quy để giới thiệu với thị trường.

Tương tự, tại Hội An, sau khi bàn bạc và đi đến thống nhất, UBND tỉnh quyết định lựa chọn làng rau Trà Quế để phát triển nhóm dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng. Hiệp hội Du lịch tỉnh sẽ cùng ngồi lại với địa phương để tìm kiếm những sản phẩm du lịch trải nghiệm mới, chưa kể sẽ có một không gian trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP của Quảng Nam sẽ được hình thành ngay trong năm 2020. 

Người dân hoàn toàn có quyền kỳ vọng về sự phát triển trong tương lai, một khi các mô hình điểm này đi vào hoạt động. Riêng đối với hai Làng văn hóa du lịch Lộc Yên và Bhờ Hôồng, trước các điều kiện đã có sẵn, bao gồm cảnh sắc, văn hóa truyền thống địa phương sở hữu, việc hiện tại cần làm chính là sự kết nối.

Ở câu chuyện này, ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, khi OCOP gắn liền với du lịch thì lại là một bài toán khác. “Sản xuất không khó. Còn làm du lịch thì lại khác. Làm du lịch phải định vị thị trường. Cho nên Hiệp hội Du lịch đề nghị Nhà nước nên có khảo sát kỹ về thị trường bài bản hơn, ưu tiên về sản phẩm - ở đây chính là các dịch vụ trải nghiệm. Khi sản phẩm hoàn hảo, việc hút khách chỉ là vấn đề thời gian. Do vậy, cần có một quy hoạch vùng chuẩn mực cho khu du lịch, có cơ chế đi trước để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư” -  ông Thanh nói. 

Đầu tư cho các nhóm sản phẩm của OCOP một cách bài bản, cũng chính là bước khởi đầu để đi đến sự phát triển bền vững của địa phương. Điều này hẳn ai cũng biết. Nhưng để đủ hạt mầm gieo nên những hy vọng, cần lắm sự xốc vác của chính những người “đầu tàu”. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chia sẻ, khi các địa phương vào cuộc, rà soát kỹ lưỡng những tiềm năng hiện có, thì chính quyền sẽ tạo điều kiện để xem xét năng lực và kêu gọi doanh nghiệp cùng “xắn tay” để làm nên kỳ tích. Cuộc trở mình của mỗi vùng đất, bây giờ, có sự góp mặt không nhỏ của những thành công từ việc xây dựng sản phẩm OCOP.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chờ cuộc trở mình...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO