Đưa hàng Việt về nông thôn

VIỆT NGUYỄN 03/10/2019 12:09

Đưa hàng Việt về nông thôn là nội dung quan trọng của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, vừa giúp người dân tiếp cận hàng Việt chất lượng vừa giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, khẳng định vị thế. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không mặn mà tham gia do cơ chế, chính sách còn hạn chế, bất cập.

Người dân chọn mua hàng Việt ở hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn được Sở Công Thương tổ chức tại huyện Phước Sơn. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Người dân chọn mua hàng Việt ở hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn được Sở Công Thương tổ chức tại huyện Phước Sơn. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Tiện đôi đường

Các phiên chợ, hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn do Sở Công Thương tổ chức trong thời gian qua thu hút khá nhiều người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm. Hàng hóa được bài trí bắt mắt, phong phú chủng loại, đa dạng mẫu mã, đầy đủ thông tin, giúp người tiêu dùng nhận biết chất lượng sản phẩm.

Chị Đào Thị Khoa Yên (thị trấn Khâm Đức, Phước Sơn) chia sẻ, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, chị thường mua các loại nịt, túi xách, quần áo, giày dép trên thị trường nhưng không thể phân biệt hàng Việt Nam hay hàng Trung Quốc. Tại các hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, nhiều sản phẩm ghi rõ các thông tin cần thiết như nguồn gốc xuất xứ, nguyên liệu rõ ràng nên yên tâm mua sắm hơn. “Hàng Việt Nam có chất lượng tốt và giá cả phải chăng nên phù hợp với mặt bằng mua sắm của người dân nông thôn, nhất là miền núi” - chị Yên nói.

Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ cho biết, tích cực hưởng ứng chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, doanh nghiệp đã triển khai trung bình hơn 10 chuyến bán hàng lưu động mỗi năm để phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh. Những mặt hàng mang đi phục vụ bà con là hàng tiêu dùng, hàng thiết yếu của các doanh nghiệp trong nước sản xuất với mức giảm giá bán hấp dẫn từ 5 - 30% cùng nhiều quà tặng kèm theo. Doanh thu trung bình mỗi chuyến bán hàng từ  50 - 100 triệu đồng.

“Chúng tôi tham gia chương trình không vì doanh số bán hàng, lợi nhuận mà muốn khẳng định vai trò của Co.opMart Tam Kỳ trong bình ổn thị trường, an sinh xã hội, qua đó nâng cao vị thế, uy tín của doanh nghiệp cũng như đóng góp cho cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” - bà Lai nói.

Cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Quảng Đà (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) đã tham gia nhiều hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn thời gian qua. Ông Võ Văn Dũng - chủ cơ sở cho biết, đã có nhiều cơ hội giao lưu, trao đổi, tương tác nhiều với các doanh nghiệp khác cũng như khách hàng. Qua đó, thuận lợi để doanh nghiệp nghiên cứu nhu cầu, tập quán, khả năng tiêu dùng tại mỗi địa phương nhằm điều chỉnh sản xuất, đưa ra thị trường những sản phẩm mang thương hiệu Việt chất lượng tốt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Khuyến khích, hỗ trợ

Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Công Thương, UBND tỉnh cần tổ chức quy hoạch mạng lưới phân phối ở vùng nông thôn giúp doanh nghiệp lấy đó làm cơ sở để thiết lập các điểm bán hàng cố định, tạo liên kết vững chắc với thị trường. Các cơ quan chức năng, các địa phương tăng mức hỗ trợ doanh nghiệp về các thủ tục, giấy tờ, mặt bằng kinh doanh... trong việc phát triển hệ thống phân phối ở vùng sâu, vùng xa và cả các hội chợ, phiên chợ, các điểm bán hàng cố định và lưu động.

Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn bước đầu có hiệu quả nhưng cũng bộc lộ nhiều bất cập. Ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu (Sở Công Thương) cho biết, do mang tính mùa vụ, diễn ra trong một thời gian ngắn, kinh phí không đủ, hiệu quả kinh tế mang lại cho doanh nghiệp không cao nên mật độ giảm dần, số doanh nghiệp tham gia cũng ít ỏi dần.

“Hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn có kinh phí hỗ trợ 70 triệu đồng/lần nếu là ngân sách của tỉnh hoặc 150 triệu đồng nếu kinh phí từ Trung ương. Trong khi đó, chỉ riêng tiền thuê sân bãi làm hội chợ, phiên chợ đã chiếm đến 1/2, còn lại nhiều chi phí khác. Doanh nghiệp tham gia nhiều khi tự thân vận động, chi phí cao, không có lãi nên giảm dần nhiệt huyết” - ông Phúc nói.

Qua trao đổi với các địa phương - nơi diễn ra các hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, đại diện các huyện Phước Sơn, Nông Sơn cho rằng, có tình trạng mạnh ai nấy làm, không có chiều sâu. Các điểm bán hàng lưu động khá bị động nên hàng hóa, mẫu mã sản phẩm nhiều lúc còn thiếu bắt mắt, chưa kích thích nhu cầu mua sắm của người dân. “Thực tế cho thấy, doanh nghiệp ngày càng ít mặn mà tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Cốt lõi của hoạt động doanh nghiệp là thu lãi, nhưng đôi khi họ phải đưa hàng Việt về nông thôn vì trách nhiệm xã hội, mà việc này thì khó tự nguyện, lâu dài” - ông Đinh Văn Phúc phân tích.

Theo Sở Công Thương, để chương trình đưa hàng Việt về nông thôn liên tục, hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp, cần cơ chế hỗ trợ kinh phí vận chuyển, tổ chức, tuyên truyền, quảng bá, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh. Theo ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại - Sở Công Thương, muốn thu hút nhiều doanh nghiệp đưa hàng Việt về nông thôn, Bộ Công Thương, UBND tỉnh cần xây dựng một chiến lược phát triển dài hơi, đồng bộ, hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đưa hàng Việt về nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO