Hiệu quả từ hệ thống điện mặt trời

GIANG TRUNG 23/12/2019 10:15

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Thăng Bình đã chuyển sang lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái nhà. Với hệ thống này, các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất, kinh doanh không chỉ giảm chi phí tiền điện hàng tháng, mà sản lượng điện sử dụng dôi dư còn được tích lũy để bán lại cho Điện lực Thăng Bình.

Gia đình anh Trương Thanh Tuấn (thôn Hà Bình, xã Bình Minh) đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Ảnh: BIÊN THỰC
Gia đình anh Trương Thanh Tuấn (thôn Hà Bình, xã Bình Minh) đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Ảnh: BIÊN THỰC

Khoảng 12 năm trước, nghề làm đá viên của gia đình ông Trần Công Sâm (thôn Hà Bình, xã Bình Minh) chỉ được thực hiện từ giữa khuya đến gần sáng. Vì khoảng thời gian này, điện năng mạnh hơn. Để thuận tiện sản xuất, ông Sâm đã đầu tư hơn 100 triệu đồng lắp đặt hệ thống điện mặt trời, tạo ra sản lượng điện bình quân mỗi ngày khoảng 6kWh.

Ông Sâm cho hay, ngoài việc làm đá, gia đình ông còn kinh doanh thêm karaoke, do vậy lượng điện tiêu thụ khá cao. Mỗi tháng, gia đình ông phải chi trả tiền điện khoảng 10 triệu đồng. Bây giờ, chi phí tiền điện mỗi tháng còn chưa đầy một nửa. Tương tự ông Sâm, trước kia, mỗi tháng gia đình anh Trương Thanh Tuấn (thôn Hà Bình, xã Bình Minh) phải trả từ 7 đến 9 triệu đồng tiền điện để kinh doanh nhà nghỉ. Khi chuyển sang hệ thống điện mặt trời, trong tháng 10 và tháng 11, hóa đơn tiền điện của anh chỉ từ 3,5 đến 4 triệu đồng mỗi tháng.

Thời gian gần đây, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Dịch vụ thương mại Phúc Hưng Thịnh (TP.Hồ Chí Minh) có chi nhánh tại Thăng Bình đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho các hộ dân tại huyện Thăng Bình, khu vực TP.Đà Nẵng. Ông Hồ Xuân Trung - đại diện công ty cho rằng, quy luật hoạt động của hệ thống năng lượng điện mặt trời là các tấm pin hấp thụ ánh sáng mặt trời biến đổi thành dòng điện 1 chiều theo hiệu ứng quang điện. Dòng điện 1 chiều tiếp tục được thiết bị inverter chuyển thành dòng điện xoay chiều, với điện áp và tần suất đúng chuẩn để hòa vào lưới điện quốc gia.  Chi phí đầu tư ban đầu tương đối cao, nhưng trung bình trong khoảng từ 4 - 5 năm, các hộ gia đình có thể lấy lại vốn, còn những năm sau đó có thể dùng điện miễn phí.

Theo thống kê của Điện lực Thăng Bình, hiện nay toàn huyện có hơn 20 khách hàng đã chuyển sang lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà. Các hộ này sử dụng công suất lắp đặt từ 1 đến 10 kWh. Riêng có một khách hàng tại xã Bình Nam lắp đặt hệ thống có công suất 150 kWh. Theo ông Trần Minh Lập - Giám đốc Điện lực Thăng Bình, ngành điện luôn khuyến khích khách hàng chuyển sang dùng hệ thống điện mặt trời, bởi hiện nay hệ thống điện lưới quốc gia thiếu nghiêm trọng. Trong quá trình lắp đặt hệ thống điện mặt trời, ngành điện hỗ trợ khách hàng về mọi mặt.

“Cụ thể, từ lúc khách hàng có nhu cầu, ngành điện sẽ chủ động liên hệ về kỹ thuật lắp đặt công tơ điện 2 chiều. Sau khi lắp đặt xong trong 3 ngày, ngành điện sẽ tiến hành ký kết hợp đồng mua bán điện. Đối với khách hàng đã lắp hệ thống điện mặt trời trước ngày 30.6.2019, sản lượng điện dôi dư, ngành điện chốt chỉ số, thu mua trở lại theo giá quy định bằng hình thức chuyển khoản, còn với khách hàng sử dụng sau ngày 30.6 năm nay, ngành điện đã xác nhận và chốt chỉ số, chờ khi biểu giá điện mới chính thức được ban hành sẽ trả tiền cho khách hàng” -  ông Trần Minh Lập nói thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiệu quả từ hệ thống điện mặt trời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO