Khôi phục nghề truyền thống

BÍCH HẠNH 30/01/2020 10:04

(Xuân Canh Tý) - Vùng cao dần thoát khỏi sự lệ thuộc vào rừng, bằng cách khôi phục các làng nghề truyền thống, phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Đồng bào Cơ Tu với nghề dệt truyền thống.  Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Đồng bào Cơ Tu với nghề dệt truyền thống. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Tạo sinh kế

Dưới bàn tay khéo léo của người Cơ Tu, các nguyên liệu như mây, tre, lồ ô... biến thành các đồ trang sức, vật dụng, đồ dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Sản phẩm thủ công mây tre đan, dệt thổ cẩm rất tinh xảo, chất chứa cả bề dày văn hóa tinh thần của đồng bào vùng cao. Ở “vựa” mây tre xã Tư, Sông Kôn (Đông Giang), hay xã Cà Dy, Tà Bhing (Nam Giang) từ lâu nổi tiếng với nghề đan đát thủ công, dệt thổ cẩm trải qua nhiều thăng trầm, giờ có cơ hội khôi phục.

Ông Bíu Thiện (thôn Bhơ Hôồng, xã Sông Kôn) vui vẻ nói, nghề đan lát do ông bà truyền lại, theo kiểu xưa bày nay bắt chước. Hai tháng nay, người dân làng Bhờ Hôồng phấn khởi vì được hỗ trợ trồng mây dưới tán rừng và hướng dẫn làm các sản phẩm mới. Lâu nay, người Cơ Tu thường chỉ sản xuất các vật dụng quen thuộc trong gia đình, phổ biến như gùi vận chuyển lúa (zôống), gùi mang trẻ em (p’reng), gùi 3 ngăn của đàn ông (tàlét)…

Ông Lê Bá Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho rằng, việc sản xuất loại sản phẩm gì phù hợp với bản sắc văn hóa đồng bào đều do người Cơ Tu tự quyết định. Phần việc của hiệp hội là “cầm tay chỉ việc”, giúp người dân thành thạo các thao tác đan đát, đáp ứng yêu cầu của thị trường. “Đơn vị đã thuê chuyên gia thiết kế, phát triển 64 bộ sản phẩm mây tre lá mới. Sản phẩm do đồng bào dân tộc thiểu số làm ra sẽ được bán ngay tại chỗ cho khách du lịch ở Sông Kôn và vùng phụ cận” – ông Ngọc nói. Theo đánh giá của chính quyền các huyện Đông Giang, Tây Giang, khi hàng thủ công sản xuất từ nguyên liệu mây tre lá tìm được đường tiêu thụ ổn định, thì áp lực lên rừng giảm đi.

Mở rộng thị trường

“Kho thuốc” bào chế từ các loại cây dược liệu quý hiếm của tỉnh tập trung nhiều ở các huyện vùng cao. Ngoại trừ “quốc bảo” sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My mang tầm thương hiệu quốc gia, thì gần như nhiều loại cây dược liệu quý hiếm khác vẫn còn… ngủ quên trong rừng. Nguyên do là sản phẩm chế biến đơn điệu, chưa quảng bá rộng rãi ra thị trường.

Làm gì để biến các loài cây dược liệu thành những vị thuốc, thực phẩm chức năng tìm được đường tiêu thụ? Ông Đỗ Đăng Tèo - Phó Giám đốc dự án Trường Sơn Xanh cho rằng, phải tiếp cận được phương án quản lý rừng hiện đại để bảo tồn dược liệu quý và các lâm sản ngoài gỗ. Muốn vậy thì phải tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho đồng bào, đa dạng sản phẩm địa phương có thương hiệu. Tại các xã A Xan, Ga Ri và Ch’ Ơm (Tây Giang), xã Tư (Đông Giang), dự án Trường Sơn Xanh đang xúc tiến hỗ trợ thành lập, xây dựng năng lực cho các tổ hợp tác dược liệu. Trước mắt, hỗ trợ mua sắm thiết bị máy móc chế biến sản phẩm chè hòa tan, cao chiết xuất, đẳng sâm mật ong… Người dân đang được đào tạo, chuyển giao kỹ thuật chế biến sản phẩm hoàn thiện, tập huấn cách tiếp thị, tham gia hội chợ thương mại trong nước cũng như xây dựng mạng lưới đại lý phân phối.

Trở lực mà miền núi vấp phải là thiếu nhà đầu tư về chế biến dược liệu, cũng như liên kết tổ chức sản xuất. Mặt khác, cách tiếp cận để quảng bá sản phẩm ra thị trường hiện vẫn còn hạn chế. Từ tháng 9.2010 - 9.2020, dự án Trường Sơn Xanh hỗ trợ kinh phí 57 tỷ đồng cho người dân các huyện Đông Giang, Núi Thành, Tây Giang, Nam Giang và Phước Sơn phát triển sinh kế bền vững, bằng cách đầu tư khai thác thế mạnh lâm sản ngoài gỗ, bởi đây là nguồn nguyên liệu chủ yếu cho các làng nghề mây tre đan, các cơ sở sản xuất thuốc đông dược, tạo cơ hội để các nghề ngoài gỗ phục hưng...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khôi phục nghề truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO