Nỗ lực gỡ “thẻ vàng” thủy sản

VIỆT NGUYỄN 08/01/2020 14:02

Việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU), đã có chế tài mạnh. Đây được xem là khung pháp lý quan trọng để nghề cá Quảng Nam nói riêng, cả nước nói chung có thể gỡ “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC).

Quảng Nam vẫn chưa truy xuất được nguồn gốc cá nục, cá ngừ. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Quảng Nam vẫn chưa truy xuất được nguồn gốc cá nục, cá ngừ. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Tín hiệu vui

Kết thúc chuyến thanh tra mới đây, đoàn công tác của EC đánh giá cao nghề cá nước ta đã tiếp thu, vận dụng tốt những khuyến nghị trên nhiều lĩnh vực. Đó là các vấn đề về khung pháp lý; quản lý, thanh tra, giám sát tàu cá; chứng nhận hải sản khai thác; chế tài, thực thi pháp luật. Tín hiệu rất đáng mừng trong gỡ “thẻ vàng” thủy sản của nước ta là EC ghi nhận cam kết, quyết tâm chính trị, nỗ lực của Việt Nam trong quản lý theo IUU. EC cho rằng, sự quản lý, phối hợp của các cơ quan chức năng như Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Cục Thú y... trong gỡ “thẻ vàng” là tốt. 

Tuy nhiên, công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác trên phạm vi cả nước nói chung, Quảng Nam nói riêng còn nhiều bất cập. Tiến độ xây dựng cảng cá Tam Quang (Núi Thành) vẫn hết sức ì ạch. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, khi nào cảng cá Tam Quang còn chưa hoàn thành thì xác nhận truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm xuất khẩu quan trọng như cá nục, cá ngừ, các loại mực và hải sản khác còn chưa thể thực hiện được. Bởi, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chỉ có cảng cá An Hòa (xã Tam Giang) được Bộ NN&PTNT công nhận đủ điều kiện truy xuất nguồn gốc hải sản nhưng nơi đây chỉ tập kết các tàu cá hành nghề câu mực. 

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), nguyên nhân cơ bản khiến nước ta chưa thể gỡ “thẻ vàng” thủy sản là các địa phương chưa thực sự vào cuộc quyết liệt. Ở một số địa phương, lãnh đạo tỉnh chưa quan tâm đến công tác tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát tại cảng cá và hệ thống giám sát tàu cá. Không ít địa phương chưa nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp, các ngành, lực lượng chức năng trong triển khai gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Dự kiến vào tháng 6 tới đây, đoàn công tác của EC sẽ quay trở lại Việt Nam, tiếp tục thanh tra, kiểm tra lần thứ 3 để có thể gỡ “thẻ vàng” thủy sản hoặc nâng mức phạt thành “thẻ đỏ”. 

Chế tài đủ mạnh

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, tín hiệu vui là đến nay, Quảng Nam không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản. Ngoài tuyên truyền, vận động ngư dân thực hiện đúng các khuyến cáo của EC, ngành chức năng sẽ xử lý nặng nếu các tàu cá vi phạm IUU.

Theo đó, căn cứ vào khung pháp ý của Trung ương, Quảng Nam sẽ phạt tiền 300 - 500 triệu đồng đối với chủ tàu cá không trang bị thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m theo quy định; phạt tiền 500 - 700 triệu đồng trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần, hoặc không ghi nhật ký khai thác thủy sản, nhật ký thu mua vận chuyển hải sản. Mức phạt sẽ rất cao, 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng nếu ngư dân không có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn khi sản xuất với tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên. Mức phạt là 1 tỷ đồng và tước giấy phép khai thác hải sản nếu ngư dân khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

“Các quy định về trang bị, sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá, quản lý IUU là rất nghiêm ngặt. Chi cục Thủy sản Quảng Nam đề nghị các địa phương tiếp tục tuyên truyền đến chủ tàu cá phải chấp hành đúng các quy định để không trở ngại trong sản xuất và thiệt hại nặng về kinh tế khi vi phạm” - bà Tâm nói.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã giao trách nhiệm Bộ NN&PTNT tiếp tục nghiên cứu kỹ, tiếp thu đầy đủ khuyến nghị của EC, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có nghề cá đẩy nhanh tiến độ thực hiện các giải pháp chống IUU. Đặc biệt, tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung khung pháp lý phù hợp để có thể gỡ “thẻ vàng” trong thời gian đến. Ngành nông nghiệp cần chú trọng đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu ngành, nghề thủy sản, trong đó chuyển đổi một cách hợp lý từ khai thác hải sản ven bờ sang nuôi hải sản ở biển với các đối tượng cá dìa, cá cam, cá bớp...

Ông Ngô Tấn cho rằng, ngành nông nghiệp đang tập trung các nguồn lực, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thủy sản, nhất là các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Luật Thủy sản 2017. Theo đó, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, các địa phương để thực hiện nhiệm vụ chống IUU, xử lý vi phạm về IUU, qua đó cùng với cả nước nhanh chóng thực hiện triệt để các khuyến nghị của EC để có thể gỡ “thẻ vàng” sớm trong thời gian đến, đồng thời đưa nghề cá Quảng Nam phát triển thành nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗ lực gỡ “thẻ vàng” thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO