Hội nghị cộng tác viên tiêu biểu Báo Quảng Nam năm 2019: Kết nối, đồng hành và lan tỏa

CHÂU NỮ - TÂY BÌNH - PHAN CHÍ BẢO 19/10/2019 15:40

Để có được nguồn thông tin kịp thời trên địa bàn tỉnh đến bạn đọc của Báo Quảng Nam, không thể không nhắc đến đóng góp của đội ngũ cộng tác viên - những cộng sự đắc lực.

CTV Thanh Thắng tại hiện trường một vụ phá rừng. Ảnh: N.V.C.C
CTV Thanh Thắng tại hiện trường một vụ phá rừng. Ảnh: N.V.C.C

CỘNG SỰ ĐẮC LỰC

Đội ngũ cộng tác viên (CTV) tham gia hầu hết chuyên trang, chuyên mục trên các ấn phẩm của Báo Quảng Nam. Một số chuyên trang, chuyên mục, phụ trang của báo in, báo điện tử, CTV còn giữ vai trò chủ lực. Bất cứ khi nào tòa soạn “đặt hàng”, CTV cũng đáp ứng cả về thời gian và chất lượng tác phẩm. Đó là những CTV “chuyên nghiệp”: chuyên nghiệp trong cách làm việc, chuyên nghiệp trong từng tác phẩm.

Trong từng chuyên mục

Báo Quảng Nam hiện có 47 chuyên trang định kỳ và 9 chuyên mục trên các ấn phẩm báo thường; 12 chuyên trang, chuyên mục trên báo cuối tuần; Báo Quảng Nam điện tử có 4 phụ trang và hơn 30 chuyên mục. Sự tham gia cộng tác nhiệt tình và thường xuyên của CTV đã góp phần rất quan trọng đối với sự thành công của Báo Quảng Nam.

Bạn đọc hẳn rất quen thuộc với tác giả Phú Bình với nhiều bài nghiên cứu có giá trị trên chuyên mục “Đất và người xứ Quảng”. Có lần tôi gặp một nhóm học sinh THPT đến Thư viện tỉnh tìm kiếm tư liệu về vùng đất Quảng Nam, các bạn rất vui mừng khi được tiếp cận tác phẩm của CTV Phú Bình trên báo Quảng Nam. CTV Phú Bình chia sẻ, cả đời ông gắn bó với mảnh đất phía nam Quảng Nam, luôn  đam mê sưu tầm tư liệu và rất vui khi có cơ hội giới thiệu tác phẩm trên báo Quảng Nam. Có những lúc tòa soạn “đặt hàng” gấp, ông thức đêm để lục tìm tư liệu, viết bài. Nhưng dù gấp cỡ nào, ông cũng thận trọng, chắt chiu từng con chữ, từng số liệu và ông tự đặt ra tiêu chí hàng đầu của mình là “tác phẩm phải tuyệt đối trung thực”.

CTV Hòa Tiên thiết kế e-magazine. Ảnh NVCC
CTV Hòa Tiên thiết kế e-magazine. Ảnh NVCC
CTV Hòa Tiên thiết kế e-magazine. Ảnh NVCC

Với CTV Võ Thị Như Trang, khi biên tập viên trang Từ thiện - Nhân đạo “đặt hàng”, dù bận thế nào, chị cũng tranh thủ đáp ứng. “Mỗi khi nghe tòa soạn “a lô” chuyện bài vở, là tôi cảm thấy vui. Vui vì có cơ hội thể hiện, vì cảm thấy được tòa soạn tin tưởng giao việc. Nhưng áp lực viết bài cho kịp cũng lớn: nhiều khi đang chạy trên đường phải ghé vô quán kiếm chỗ viết bài; có lúc vừa ăn vừa viết. Kiểu như trong niềm vui có áp lực, trong áp lực có niềm vui. Nghĩa là bằng mọi giá phải nộp bài đúng hạn để đáp ứng sự tin tưởng của tòa soạn” - lời CTV Như Trang.

Niềm vui người đồng hành

Trong 9 tháng đầu năm, Báo Quảng Nam đã nhận 3.367 tin, bài cùng nhiều ảnh và hơn 1.350 bài thơ, gần 600 tạp bút, hơn 200 truyện ngắn của CTV. Từ đầu năm đến ngày 30.9, Báo Quảng Nam đã đăng tải 2.227 tin, 2.235 bài, 40 phóng sự ảnh, 155 video, 318 bản tin tiếng Anh của CTV. Tỷ lệ tin, bài của CTV chiếm hơn 40% tổng số tác phẩm đăng trên báo Quảng Nam. Năm 2019, Báo Quảng Nam có hơn 430 CTV có tác phẩm được đăng trên báo; trong đó có khoảng 100 CTV thường xuyên, chủ lực.

Đối với báo điện tử, nhất là chương trình truyền hình, phụ trang Quảng Nam News và sản phẩm mới như e-magazine, infographic... luôn nhận được sự tham gia của nhiều CTV tại các sở ban ngành, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và phóng viên đài truyền thanh - truyền hình các huyện, thị xã, thành phố (nay là Trung tâm VH-TT và truyền thanh - truyền hình).

Phụ trang Tiếng Anh của Báo Quảng Nam (Quang Nam News) cập nhật thường xuyên, kịp thời thông tin đối ngoại, kinh tế, văn hóa, du lịch, biển đảo... CTV Hồ Trịnh Quỳnh Thư (tiến sĩ, giảng viên Trường Đại học Quảng Nam), người gắn bó với Quang Nam News nhiều năm qua, chia sẻ, việc được tòa soạn chọn chuyển ngữ sang tiếng Anh đã là niềm vui đối với chị và cảm thấy mình được tin tưởng. Nhưng đồng thời đặt trách nhiệm là truyền tải, chuyển ngữ chuẩn xác, đầy đủ với bản gốc và cũng hy vọng qua những bản tin tiếng Anh đăng trên Báo Quảng Nam điện tử, nhiều người nước ngoài, khách du lịch có thêm thông tin bổ ích về Quảng Nam. Từ đó góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh, các cơ chế chính sách thu hút đầu tư và thành tựu các mặt của Quảng Nam. Hơn nữa, việc dịch thuật cũng như liên tục được cập nhật thông tin đã hỗ trợ tích cực cho chuyên môn của chị Thư và ngược lại. Đối với những bản tin thời sự, chị Thư dịch “ngay và luôn” khi tòa soạn “đặt hàng”, còn các bản tin khác, chị Thư tranh thủ dịch ban đêm.

Năm 2019, từ sự góp sức quan trọng của các CTV, Báo Quảng Nam điện tử tăng cường xuất bản nhiều tác phẩm báo chí đa phương tiện như infographic, video clip phụ đề, videographic, e-magazine, được bạn đọc đánh giá cao. Tiêu biểu là CTV Phạm Phan Hòa Tiên (cử nhân tin học, công tác tại Sở Nội vụ), người gắn bó với tạp chí điện tử (e-magazine) khi từ Báo Quảng Nam bắt đầu sản xuất thể loại này cho đến nay. Vốn đam mê đồ họa, với việc thiết kế e-magazine, Hòa Tiên được thỏa sức sáng tạo và thể hiện đam mê của mình. Sau khi đọc và “thẩm thấu” tinh thần bài viết, chị mới tranh thủ bắt tay vào thiết kế ngoài giờ làm việc hành chính ở cơ quan. Những ấn phẩm của Tiên luôn chứa đựng đam mê của người làm đồ họa và rất đẹp mắt, đầy ấn tượng. Không tự hài lòng với chính mình, chị luôn suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo và học hỏi, để sản phẩm ngày càng tốt hơn, đẹp hơn trong mắt bạn đọc. Theo Hòa Tiên, trong e-magazine, hình ảnh minh họa cho bài viết rất quan trọng, nên nếu chất lượng hình ảnh được chú ý cải thiện, tác phẩm sẽ mang lại hiệu ứng tốt hơn nữa.

NỐI NHỮNG NHỊP CẦU

Những bài phản ánh của cộng tác viên (CTV) đăng trên báo Quảng Nam thời gian qua về các vấn đề “nóng” như phá rừng, môi trường ô nhiễm... đã tạo được sự lan tỏa, cơ quan chức năng vào cuộc kịp thời, góp phần tạo nên những thay đổi tích cực.

CTV Như Trang (bìa trái) trao tiền hỗ trợ trường hợp đăng trên mục Địa chỉ từ thiện của báo Quảng Nam. Ảnh: N.V.C.C
CTV Như Trang (bìa trái) trao tiền hỗ trợ trường hợp đăng trên mục Địa chỉ từ thiện của báo Quảng Nam. Ảnh: N.V.C.C

Với lợi thế ở “đầu nguồn thông tin”, CTV công tác tại các ngành, địa phương thường cung cấp kịp thời, chính xác tin tức thời sự “nóng hổi” cho Báo Quảng Nam trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhờ vậy, Báo Quảng Nam luôn có nguồn tin phong phú, đa dạng để kịp thời phục vụ bạn đọc. Báo Quảng Nam số ra ngày 27.8.2019 có bài phản ánh đường dây điện bắt chằng chịt tại một số khu vực của TP.Tam Kỳ khiến nhiều người lo lắng vì nguy hiểm; ngay sau đó, ngày 29.8, Giám đốc Điện lực Tam Kỳ có văn bản phản hồi cho biết, đơn vị đã kiểm tra thực tế hiện trường và chỉ đạo khắc phục tình trạng báo phản ánh để đảm bảo mỹ quan đô thị và an toàn cho nhân dân. CTV Nguyễn Tường Quân - tác giả bài viết tâm sự, niềm vui của người làm báo là tiếng nói của mình đã nhanh chóng được các cơ quan hữu quan tiếp thu, xử lý theo hướng tích cực. Bên cạnh đó, các bài viết về nỗi bức xúc của người dân vì dự án treo, quy hoạch treo ở phường An Phú của CTV Tường Quân, sau khi báo phát hành, Trung tâm Phát triển quỹ đất và Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng Tam Kỳ đã rà soát và tìm giải pháp tháo gỡ.

CTV Nguyễn Thanh Thắng thường xuyên tác nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, có nhiều tác phẩm về miền núi. Ngày 19.3, anh tiếp cận vụ phá rừng phòng hộ Sông Tranh (Bắc Trà My). Để có được thông tin, hình ảnh, clip chuyển đến bạn đọc, tác giả phải di chuyển bằng ghe máy trong lòng hồ thủy điện, hành trình điều tra gặp nhiều khó khăn, vất vả. Từ bài viết này, lực lượng kiểm lâm đã và cuộc rà soát, không chỉ ở khu vực này mà toàn địa bàn; UBND huyện phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường và vụ việc được điều tra, làm rõ; chủ rừng bị kiểm điểm. CTV Thanh Thắng tâm sự, tác nghiệp ở miền núi, ở những điểm nóng dễ gặp nguy hiểm, nhưng qua đó, cũng rút ra được nhiều bài học sau mỗi chuyến đi và sau mỗi tác phẩm được đăng báo. “Đôi khi được tác nghiệp chung với các anh chị phóng viên giúp tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm. Vấn đề liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ tôi cũng được tòa soạn trao đổi và hướng dẫn tận tình” - CTV Thanh Thắng nói.

Không chỉ viết bài, nhiều CTV Báo Quảng Nam còn kết nối những tấm lòng. CTV Võ Thị Như Trang là người “mát tay” với các địa chỉ từ thiện đăng trên báo Quảng Nam khi kết nối được nhiều nhà hảo tâm sẻ chia. Đơn cử, sau khi viết bài “Ước mong chiếc chân giả” trên báo Quảng Nam, Như Trang đã vận động nhà hảo tâm lắp chân giả cho nhân vật, động viên nhân vật tập đi lại rồi xin đi học nghề. Hay như hoàn cảnh của một cụ già có con bị bại liệt nhưng không có tiền điều trị, sau khi bài viết đăng báo, tác giả vận động được hơn 10 triệu đồng. Từ bài viết, cán bộ y tế chia sẻ trên mạng và kêu gọi thêm được hơn 9 triệu đồng... Những bài viết về địa chỉ từ thiện của Như Trang và các CTV khác, tuy nhỏ, chỉ nằm góc dưới của trang Nhân đạo - Từ thiện trên Báo Quảng Nam, nhưng vẫn tạo được sự lan tỏa, giúp được nhiều người.

TRÁCH NHIỆM VÀ ĐỘNG LỰC

Điểm chung đáng trân trọng của những cộng tác (CTV) viên lâu năm cũng như CTV mới, đó là niềm tin đối với Báo Quảng Nam, để rồi mỗi tác phẩm được chọn đăng tạo động lực cũng như trách nhiệm trong từng con chữ...

CTV Vân Trình: Niềm tin còn đó

Tôi “bén duyên” với báo chí cách đây gần 28 năm. Tờ báo đầu tiên tôi cộng tác là Báo Quảng Nam - Đà Nẵng. Hồi ấy, mỗi khi viết xong một tin, bài, tôi hồi hộp chờ báo phát hành để xem “đứa con tinh thần” của mình có hình hài thế nào sau khi được Ban Biên tập chỉnh sửa, nhuận sắc. Có thể nói, Báo Quảng Nam - Đà Nẵng trước đây và Báo Quảng Nam ngày nay chính là “người thầy”, là “bà đỡ” đầu tiên và tin cậy, giúp tôi trưởng thành trong nghề làm báo nghiệp dư. Bây giờ, lật lại các bài viết đã được đăng báo Quảng Nam 20 năm trước, lòng tôi lại bồi hồi xúc động bởi sự quan tâm định hướng của tòa soạn, của Ban Biên tập đối với các CTV. Quý anh, quý chị không hề phân biệt giữa phóng viên và CTV.

Thời điểm hiện nay, vì nhiều lý do, tôi không còn “xông xáo” tham gia nhiều chuyên mục như trước đây nữa mà chỉ còn “trụ” lại ở chuyên mục “Đất và người xứ Quảng”, với mong muốn nho nhỏ là được góp những câu chuyện để tôn vinh, trân quý trí tuệ, tiết tháo và máu xương của bao lớp cha ông đã đổ xuống cho sự trường tồn và phát triển mảnh đất này. Tôi cũng xem đây là cơ hội để giữ được danh xưng “cộng tác viên” mà mình vinh dự có được suốt hơn 20 năm qua.

CTV Duy Hiển: Mục Hồ sơ tư liệu là hướng đi đúng

Rời Tây Nguyên về Quảng Nam tiếp tục nghiệp làm báo, tôi trở thành CTV Báo Quảng Nam ngay từ ngày mới tái lập tỉnh. Tôi cũng là người thích viết về đề tài chiến tranh cách mạng, trước hết vì tôi thường được giao thực hiện mảng phim tài liệu này. Với tư liệu có được, tôi đã viết một loạt bài cho mục Hồ sơ tư liệu của Báo Quảng Nam; như “Khúc niệm Khánh Thọ”, nói về tội ác của Mỹ - Diệm và dũng khí của  đảng viên, người dân yêu nước vùng Tam Kỳ những năm 1954 - 1960; “Ngọn lửa Tứ Mỹ”, viết về những ngày giữ lửa và cuộc nổi dậy ở Tứ Mỹ - Kỳ Sanh, mở đầu cho phong trào đồng khởi ở đồng bằng Khu 5 sau Nghị quyết Trung ương 15; “Những năm tháng long lanh tỏa sáng” là ký sự về một nữ giao liên đặc biệt tin cẩn của ông Đỗ Thế Chấp (Mười Chấp), Bí thư Huyện ủy Tam Kỳ sau hiệp định Giơnevơ…

Dài dòng văn tự một chút cũng là để khẳng định rằng cho ra đời mục Hồ sơ tư liệu là hướng đi đúng của Báo Quảng Nam. Không phải vì chúng ta ưa “ca bài ca chiến thắng”, mà bởi còn rất những câu chuyện bi tráng, nhiều điều phi thường và kỳ lạ mà người dân yêu nước xứ Quảng đã làm nên trong cuộc kháng chiến cứu nước khốc liệt vừa qua chưa được ghi lại.

CTV Hồ Quân: Người trẻ và cách tác nghiệp đa năng

Cộng tác ở loại hình báo điện tử của Báo Quảng Nam đòi hỏi bản thân phải trau dồi các kỹ năng chụp hình, quay, dựng phim; thậm chí là các kỹ xảo, đồ họa…, tất cả phải thực hiện nhanh, chính xác và sinh động. Từ thời điểm đi theo, nghe, nhìn các anh chị phóng viên tác nghiệp ngoài thực tế, đến khi các tác phẩm được đăng tải, từng thao tác, từng góc nhìn với tôi là một trải nghiệm lớn. Bên cạnh việc lựa chọn câu chữ cô đọng, hình ảnh đúng trọng tâm, tôi thường đính kèm vào tin, bài các clip ngắn xoay quanh vấn đề thông qua ứng dụng tính năng của điện thoại thông minh và các công nghệ, phần mềm hỗ trợ. Hiệu quả là những tin tức, sự kiện thể hiện theo cách “đa phương tiện” này thời gian qua được đông đảo bạn đọc quan tâm.

CTV Kiều Ly: Động lực sau bài viết

Nhận thấy các chuyên mục như Ẩm thực, Quán quê nhà (báo Quảng Nam cuối tuần) có những bài viết nhẹ nhàng, tinh tế về món ăn, các địa điểm ăn uống thân thuộc, gần gũi với cuộc sống thường nhật, tôi bắt đầu viết bài cộng tác. Bài được đăng, có động lực tôi viết thêm những bài liên quan đến các vấn đề về kinh tế, xã hội, giáo dục, đặc biệt là khởi nghiệp. Bài “Đông trùng hạ thảo xứ Quảng” là tác phẩm tôi tâm đắc nhất từ trước cho đến nay. Ngoài nhuận bút, bài báo cũng góp phần vào việc giới thiệu mô hình nuôi cấy đông trùng hạ thảo rộng rãi hơn, được nhiều cơ quan, đơn vị biết đến và tạo điều kiện để nhân vật khởi nghiệp thành công, ổn định…

“LÀM BẠN” VỚI BÁO QUẢNG NAM

Có lẽ người ta thường hay nghĩ, làm một người viết báo tự do thì không có áp lực, hẳn rồi, bởi một sự thật hiển nhiên là họ không có “deadline” và không bị bất kỳ ai yêu cầu phải viết cả. Ấy thế mà người ta vẫn viết, và số lượng bài cộng tác gửi đến các tòa soạn vẫn rất nhiều. Vậy, người ta viết để làm gì? Để có một bài viết nho nhỏ trên trang báo rồi đem khoe với bạn bè hay để cảm thấy vui vui vì nhuận bút mình kiếm được? Điều đó đúng phần nhiều. Nhưng với tôi, quan trọng hơn hết là khi bài viết của mình xuất hiện trên mặt báo, tôi cảm thấy được... thỏa mãn!

“Báo Quảng Nam” là một cụm từ rất quen thuộc với tôi, bởi khi còn bé, lúc rảnh rỗi mẹ thường chở tôi đi dạo phố, ngang qua tòa soạn, rồi thỏ thẻ vào tai tôi: “Đó, cơ quan của mẹ đó, con thấy có hoành tráng không?”. Lúc đó, Tam Kỳ chưa phát triển như bây giờ, độ lớn của cái tòa nhà màu xanh dương khi đó được xếp vào hàng “cha chú”, luôn là thứ vô cùng “xịn sò” trong mắt tôi. Nghĩ vậy thôi, chứ tôi chẳng có ý định sẽ gắn bó với nơi này, lý do rất đơn giản bởi cái “ông” Báo Quảng Nam khi đó hay “bắt” mẹ đi làm, kể cả làm ban đêm, không để mẹ ở nhà chơi với tôi. Mà mẹ đi làm về đâu có đem về theo quà bánh hay ho gì cho cam, chỉ toàn là báo với báo, toàn giấy với chữ. Vậy mà khi đó, bà nội tôi và mấy bác hàng xóm ai cũng cắm cúi đọc, ngộ ghê.

Lớn hơn một chút, tôi mới biết được có giấy, có chữ để đọc là một điều quý. Tôi đọc nhiều hơn nhưng vẫn chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ viết cái gì đó và bài viết của mình sẽ được xuất hiện trên báo Quảng Nam. Rồi tình cờ một lần mẹ đọc được bài tập làm văn của tôi, thấy có “tiềm năng”, mẹ động viên tôi gửi đến tòa soạn, và thế là thằng nhóc tôi ngu ngơ năm cấp 2 có bài đăng báo lần đầu tiên, ngu ngơ đến mức khi được người lớn khen, tôi vẫn không biết mình được khen vì lý do gì. Đến những năm cuối cấp ba, khi thực sự suy nghĩ nghiêm túc về việc cộng tác với báo, tôi mới bắt đầu tập viết, có mục tiêu và có đầu tư hơn, và chầm chậm nhận ra, nghề viết cũng lắm... công phu. Trong hiểu biết hết sức đơn giản của mình, có vẻ như ngoài yêu cầu khả năng viết lách tốt, tư duy báo chí cũng như khả năng thu thập, phân tích, xử lý thông tin, việc nắm bắt thông tin nhanh nhạy cũng là một yêu cầu không thể thiếu.

Khi tên mình được xuất hiện dưới những bài báo với tần suất ngày một dày hơn, sự xuất hiện của những câu tự vấn trong lòng tôi cũng ngày càng nhiều. Liệu mình viết như vậy đã chuẩn chưa, thông tin hay nội dung mình thể hiện như vậy có rõ ràng với độc giả chưa? Rất may mắn là ba mẹ tôi - những cố vấn “đặc biệt” của tôi, cũng như các cô chú biên tập của Báo Quảng Nam đã giúp tôi trả lời những câu hỏi này dễ dàng hơn rất nhiều. Tự hỏi mình nhiều, và tự nhủ mình cũng nên trải nghiệm thật nhiều, để mang đến những tư liệu “thật” nhất cho bài viết, đó là cách để tôi trau dồi kỹ năng cũng như tự tạo cho mình động lực. Và để nói về trải nghiệm, thì việc cộng tác với Báo Quảng Nam luôn là một trong những trải nghiệm “đáng giá” nhất đối với tôi.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hội nghị cộng tác viên tiêu biểu Báo Quảng Nam năm 2019: Kết nối, đồng hành và lan tỏa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO