Đóa sen hồng dâng tặng quê hương

ĐẶNG TRƯƠNG 27/03/2020 11:12

Chương trình nghệ thuật “Dấu ấn Quảng Nam” có thể xem như một đóa hoa sen hồng dành tặng người dân xứ Quảng và cả nước qua sóng truyền hình trong những ngày tháng 3 lịch sử này.

Ca sĩ Duy Dũng và Thủy Trúc trong “Đêm hội phố Hoài”. Ảnh: Đ.T
Ca sĩ Duy Dũng và Thủy Trúc trong “Đêm hội phố Hoài”. Ảnh: Đ.T

Chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam và 45 năm giải phóng quê hương, theo dự kiến sẽ có nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang, bất khuất của quân và dân Quảng Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và ngợi ca những đổi thay của quê hương sau 45 năm giải phóng. Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tất cả hoạt động đều phải dừng lại. Thay vào đó, một chương trình nghệ thuật chào mừng với chủ đề “Dấu ấn Quảng Nam” đã được ghi hình từ trước, sẽ phát sóng trên Đài PT-TH Quảng Nam vào tối 28.3. Đây được xem như điểm nhấn, góp phần thắp sáng giá trị truyền thống văn hóa - lịch sử cách mạng của xứ Quảng trong chặng đường 90 năm qua.

Lịch sử hào hùng

“Dấu ấn Quảng Nam” được xây dựng với ba chương, sẽ dẫn dắt người xem lần giở những trang sử vẻ vang của quê hương xứ Quảng qua chặng đường đấu tranh cách mạng từ khi có Đảng soi đường dẫn lối.

Bắt đầu bằng chương 1, là câu chuyện người Quảng phá gông xiềng nô lệ, vùng lên, đi theo Đảng chiến đấu hy sinh để giành độc lập tự do. Nền hình ảnh được chọn lựa là di tích Cây Thông Một ở phường Tân An, TP.Hội An (thể hiện qua màn hình led hình búp sen nằm chính diện sân khấu ) - nơi chỉ sau 2 tháng kể từ ngày Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đã được thành lập… Theo đó, những ca khúc như: “Lá cờ Đảng”, “Chào mừng Đảng cộng sản Việt Nam” và “Ngợi ca Hồ Chủ tịch” cùng những màn vũ điệu được xây dựng công phu, ngập tràn khí thế cách mạng và niềm tin tươi sáng… mở ra một chân trời mới cho người Quảng Nam và cả dân tộc Việt Nam.

Chương 1 của “Dấu ấn Quảng Nam” còn có điều đặc biệt khiến người xem bất ngờ. Đó là, ngay từ những đầu có Đảng, nhân dân Quảng Nam đã biết cách khéo léo vận dụng những làn điệu dân ca, hò vè làm vũ khí tuyên truyền cách mạng, ca ngợi Đảng và quê hương. Những lời ca trong điệu xàng xê như: “Khi đất nước còn lầm than cơ cực/Đảng đã tiên phong dẫn lối soi đường/Vượt qua biết mấy tai ương/Làm nên Tổ quốc yêu thương rạng ngời”… đã được những người thực hiện đưa vào chương trình qua giọng hát nghệ sĩ Thu Hương - Đoàn ca kịch Quảng Nam. Qua đó nhắc nhớ mỗi người dân xứ Quảng về những năm tháng đau thương mà hào hùng đã qua để càng vững tin trong hành trình đi tới.

Bám sát chủ đề tư tưởng nghệ thuật và những dấu mốc lịch sử, chương 2 của “Dấu ấn Quảng Nam” đã nêu bật lên ý nghĩa của “Quê hương cách mạng” khi Quảng Nam trở thành một trong những địa phương đầu tiên của cả nước vùng lên cướp chính quyền trong cách mạng mùa thu Tháng Tám vào đêm 17, rạng sáng 18.8.1945.

Biểu đạt cho giai đoạn lịch sử này, sân khấu chương trình tràn ngập sắc màu cờ đỏ sao vàng, búa liềm vùng lên của các tầng lớp công - nông trong âm hưởng ca khúc “19 tháng 8” đầy hào hùng của nhạc sĩ Xuân Oanh với sự trình bày của các nghệ sĩ, vũ đoàn Nhà hát Trưng Vương - Đà Nẵng. “19 tháng 8” là hào khí cả dân tộc, nhưng với Quảng Nam lại mang dấu ấn đặc biệt . Bởi sau đó chỉ ít lâu, nhân dân Quảng Nam lại phải đương đầu với những cuộc tàn sát đẫm máu kẻ thù gây ra như Hà Lam - Chợ Được, Vình Trinh, Cây Cốc, Sơn Cẩm Hà hay Chiên Đàn, Khánh Thọ… và cuộc vùng lên quyết liệt với “Ngọn lửa Trà Nô”, “Tam Kỳ nổi dậy” và với “Màu hoa đỏ” của chia ly, tiễn đưa hàng vạn người con xứ Quảng lên đường ra trận. Tất cả đã được xây dựng nối tiếp nhau trên sân khấu bằng âm thanh, ánh sáng, hình ảnh và lời ca, như là lời hiệu triệu bao lớp người xứ Quảng của một thời khói lửa chưa xa.

Vươn mình

“Dấu ấn Quảng Nam” với sự tham gia của các ca sĩ, nghệ sĩ như: Ánh Tuyết, Thanh Lam, Tân Nhàn, Phúc Tiệp, Quang Hào, Xuân Hảo, Thu Hương, Duy Dũng, Thủy Trúc, An Ngọc… cùng với các vũ đoàn đến từ Hà Nội, Đà Nẵng, Đoàn Ca kịch Quảng Nam, Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh. Chương trình có thể xem như một đóa sen hồng dành tặng người dân xứ Quảng và cả nước qua sóng truyền hình trong những ngày tháng 3 lịch sử này.

Nếu chương 1 và 2 của “Dấu ấn Quảng Nam” là câu chuyện của lịch sử nối dài từ khi có Đảng, thì chương 3 được tiếp nối và khép lại bằng ngợi ca đầy hào sảng. Những “Dấu ấn Quảng Nam” được tái hiện ở chương này giúp người xem hình dung bối cảnh vùng đất Quảng Nam từ sau ngày giải phóng.

Là một trong những tỉnh nghèo của cả nước, Quảng Nam đã từng bước vượt qua bao gian khó, đi lên với những đổi thay kỳ diệu. Những lời ca, điệu múa trong âm hưởng “Quảng Nam yêu thương”, “Quảng Nam quê hương tôi”, “Đêm hội phố Hoài” hay “Quê hương tuổi thơ tôi”… của các nhạc sĩ là người con xứ Quảng hoặc từ lâu đã nhận mảnh đất này làm quê hương thứ 2 của mình, càng làm người xem rưng một niềm tự hào xứ Quảng anh hùng bất khuất trong đấu tranh và đầy sáng tạo trong cuộc dựng xây quê hương ngày mới.

Và mặt khác, ý đồ của những người làm chương trình gói gọn trong chương 3 là thể hiện về một Quảng Nam tươi sáng, một Quảng Nam với những giá trị văn hóa - lịch sử bất biến cùng thời gian; đồng thời luôn song hành với hành trình 90 mùa xuân của Đảng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đóa sen hồng dâng tặng quê hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO