Tiếp sức cho sân khấu không chuyên

BẢO ANH 29/11/2020 06:38

Thời gian qua, việc hỗ trợ, tìm kiếm, tạo “đất diễn” cho các nghệ sĩ sân khấu không chuyên chính là một cách bảo tồn, phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống trong cộng đồng...

Lần đầu tiên, kịch bản sân khấu của một tác giả không chuyên đã được Đoàn Ca kịch Quảng Nam dàn dựng. Trong ảnh: Một cảnh trong vở kịch ngắn “Hai người cha”. Ảnh: Đ.C.K
Lần đầu tiên, kịch bản sân khấu của một tác giả không chuyên đã được Đoàn Ca kịch Quảng Nam dàn dựng. Trong ảnh: Một cảnh trong vở kịch ngắn “Hai người cha”. Ảnh: Đ.C.K

Một quyết định “lịch sử”

Hôm 9.11 vừa rồi, Đoàn Ca kịch tỉnh phối hợp với Chi hội Sân khấu tổ chức diễn báo cáo vở kịch ngắn mang tên “Hai người cha”, được dàn dựng từ nguồn Quỹ hỗ trợ sáng tạo tác phẩm của Thủ tướng Chính phủ, do Hội VHNT tỉnh điều phối và phân bổ. Nhờ được dàn dựng kỹ lưỡng và có nghề, chất lượng nội dung và nghệ thuật tốt, nên vở diễn đã được nghiệm thu ngay và chính thức đưa vào kịch mục. Tuy nhiên, điều đặc biệt của vở diễn này không chỉ ở những “chi tiết” nêu trên mà ở chỗ, đây là lần đầu tiên đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh tổ chức dàn dựng vở diễn của một tác giả không chuyên: Trịnh Ký Đức, một nghệ sĩ “chân đất” ở Hiệp Đức...

Theo đại diện lãnh đạo Đoàn Ca kịch tỉnh, nguồn kịch bản của đoàn hiện nay không thiếu. Tuy nhiên, lần này đoàn vẫn quyết định phối hợp với Chi hội Sân khấu đưa kịch bản của tác giả Trịnh Ký Đức vào dàn dựng, xem như đó là một cách hỗ trợ phát triển sân khấu không chuyên ở địa phương. Tất nhiên, để được chọn, kịch bản phải đáp ứng các tiêu chí cơ bản nhất của nghệ thuật sân khấu dân ca kịch. Thêm nữa, để có thể đi đến một quyết định, một việc làm mang tính “lịch sử” như thế, từ nhiều năm trước đó những người làm sân khấu chuyên nghiệp đã vào cuộc với kế hoạch dài hơi, bài bản và những việc làm cụ thể.

Kích hoạt phong trào

Hiện nay, lực lượng nghệ sĩ của sân khấu không chuyên thuộc loại “có nghề” ở Quảng Nam khá ít, chỉ đủ đếm trên đầu ngón tay. Trong đó, có thể kể đến những Lê Trung Thùy, Lê Công Danh (Duy Xuyên), Trịnh Ký Đức (Hiệp Đức), Lý Như Sanh (Núi Thành), Nguyễn Hải Triều, Nguyễn Sáu (Đại Lộc), Phùng Tấn Đông (Hội An), Mai Thọ (Tam Kỳ)... Nếu không hỗ trợ những người này giữ ngọn lửa nghề, và nếu không tiếp tục tìm kiếm, bồi dưỡng những người có năng khiếu, không bao lâu nữa nghệ thuật sân khấu dân ca kịch bài chòi không chuyên sẽ biến mất. Khi ấy, việc tìm người kế tục cho đơn vị sân khấu chuyên nghiệp của tỉnh cũng ắt sẽ khó khăn hơn nhiều...

Ngoài việc tập dượt, tham gia dựng vở và theo đoàn đi biểu diễn đó đây, những năm gần đây nhiều nghệ sĩ của Đoàn Ca kịch tỉnh còn dành thời gian xuống cơ sở gầy dựng, hỗ trợ phát triển phong trào. Với những người có năng khiếu sáng tác và dàn dựng tiểu phẩm, kịch ngắn, các nghệ sĩ của đoàn giúp chỉnh sửa kịch bản, truyền thụ thêm ngón nghề, kỹ năng cơ bản về dựng vở.

Đặc biệt là trong các kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu không chuyên các cấp, các nghệ sĩ chuyên nghiệp còn giúp các nghệ sĩ không chuyên chọn vở, hỗ trợ dàn dựng, giúp tuyển lựa diễn viên và phân vai... Trong 3 năm trở lại đây, những tấm huy chương các loại tại các kỳ liên hoan sân khấu không chuyên cấp ngành, cấp khu vực và toàn quốc của các nghệ sĩ không chuyên như Mai Thọ, Công Danh, Nguyễn Sáu... đều có một phần công sức hỗ trợ của những nghệ sĩ chuyên nghiệp đến từ Đoàn Ca kịch tỉnh.

Trong khi đó, với những người mê hát dân ca và có khả năng biểu diễn, ngoài truyền thụ kiến thức về các làn điệu dân ca, các nghệ sĩ chuyên nghiệp còn hỗ trợ họ về kỹ thuật thanh nhạc, sửa giọng, điều hơi và các kỹ năng tiếp cận, làm chủ sân khấu...

Ngoài việc hỗ trợ trực tiếp cho những trường hợp cụ thể ấy, nhiều nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của Đoàn Ca kịch tỉnh như Ngọc Thủy, Minh Bá, Mạnh Thìn, Quốc Hộ, Quang Việt, Phương Tính... còn tham gia giúp một số đơn vị văn hóa và địa phương trong tỉnh mở các lớp tập huấn về đàn, hát dân ca. Thông qua các lớp này, nhiều người có năng khiếu được phát hiện, bồi dưỡng, trở thành hạt nhân phong trào cho các địa phương. Một số trường hợp có triển vọng, có năng khiếu tốt được tuyển chọn để đào tạo thành diễn viên chuyên nghiệp.

Diễn viên - nghệ sĩ Mạnh Thìn cho biết, bình quân mỗi năm anh về cơ sở 2 - 3 đợt để tham gia gầy dựng phong trào. Riêng năm nay, anh đã có tới 5 chuyến về cơ sở để dạy hát và biểu diễn dân ca bài chòi. “Hầu hết hạt nhân văn nghệ không chuyên ở cơ sở mà chúng tôi tiếp cận, hỗ trợ đều rất yêu và say mê dân ca bài chòi. Vấn đề còn lại là mình phải chịu khó và biết cách tiếp cận, động viên, hỗ trợ để khơi lên ngọn lửa đam mê trong lòng họ...” - nghệ sĩ Mạnh Thìn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếp sức cho sân khấu không chuyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO