Của để dành

HỮU PHÚC 23/01/2020 05:41

(Xuân Canh Tý) - “Con chim trên trời cao cần rừng xanh bát ngát/ Con cá dưới nguồn cần dòng nước trong veo/ Con người Cơ Tu cần mẹ rừng che chở/ Cho dân làng ta sinh sôi, nảy nở/ Cho mùa màng ta luôn bội thu/ Cho người Cơ Tu khắp muôn nơi mãi mãi trường tồn...”.

Người Cơ Tu trong một lễ hội của làng. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG
Người Cơ Tu trong một lễ hội của làng. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG

Điệu hát lý đó ăn sâu vào máu thịt của đồng bào Cơ Tu khi xem “Mẹ rừng” như một ân nhân. Trong nếp nghĩ, phong tục, tập quán sinh hoạt của đồng bào Cơ Tu, rừng nguyên sinh như một khu vực bất khả xâm phạm. Chính vì vậy mà nhiều cánh rừng đã được giữ gìn và trở thành di sản.

Đại ngàn Trường Sơn qua huyện Tây Giang, xưa lưu thông bằng “con đường muối” huyền thoại, giờ đã khai mở nhiều ngả, giáp tận biên giới Việt - Lào. Những năm trước đây, trong khi mở đường, địa phương mới phát hiện di sản thiên nhiên - rừng cây cổ thụ pơmu hàng trăm năm tuổi, hay cánh rừng thiết lim cổ.

Đầu năm 2019, dưới tán rừng di sản, một lễ hội “Tạ ơn rừng” đã được huyện Tây Giang tổ chức, nhằm phát đi thông điệp con người phải yêu thương giữ gìn Mẹ thiên nhiên.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - Nguyễn Hoàng Linh chia sẻ, trước áp lực của công tác quản lý, bảo vệ rừng, chính quyền mời các già làng có uy tín, người dân, khách tham quan du lịch tham khảo ý kiến trước khi tổ chức lễ hội “Tạ ơn rừng”. Bất ngờ khi tất cả đều đồng tình hưởng ứng. Kết quả, năm 2019 lễ hội diễn ra thành công ngoài mong đợi và địa phương sẽ tiếp tục duy trì lễ hội này hàng năm.

“Phát huy, nuôi dưỡng cái đẹp của văn hóa Cơ Tu, chúng tôi mong ước mỗi người dân là một cán bộ kiểm lâm, giữ rừng bằng tình yêu thực sự và bằng ý niệm tâm linh” - ông Linh nói.

Hiện nay 92.000ha rừng tự nhiên ở huyện Tây Giang được bảo vệ gần như nguyên vẹn. Quần thể rừng cổ thụ gồm pơmu, lim xanh, đỗ quyên… trải dài tận các xã biên giới. Trong điệu hát, nói lý hay trình diễn vũ điệu tân tung da dá, phần lớn chủ đề mà người Cơ Tu thể hiện cũng hướng về sự biết ơn “Mẹ rừng”.

Ngày nay trong các lễ hội quan trọng, trang phục về áo, khố của người Cơ Tu làm từ vỏ cây được mang ra trình diễn. Đồng bào quan niệm, ở rừng có thần rừng, ở làng có yàng (trời) nên thành kính với các thần sẽ được che chở, bảo vệ. Vì sao di sản pơmu được giữ gìn gần như nguyên vẹn? Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa miền núi lý giải, ngày xưa dân làng thấy cây gỗ nào cổ thụ quý thì họ gắn vào đó một vị thần. Nếu hạ một cây sẽ bị thần bắt ốm đau triền miên, làng bị phạt rất nặng, có khi đổi bằng trâu, lúa. Chính vì ý niệm vậy nên không ai dám đụng đến thần linh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Của để dành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO