Hợp tác quốc tế bảo tồn di sản Hội An

KHÁNH LINH 20/08/2019 10:33

(QNO) - Hợp tác quốc tế được xem là yếu tố không thể thiếu trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Hội An nhiều năm qua, đặc biệt kể từ khi Khu đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Hợp tác giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản. Ảnh: KHÁNH LINH
Hợp tác giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản. Ảnh: KHÁNH LINH

Hợp tác toàn diện

Đã gần 2 năm kể từ ngày Tanaka Saki (Nhật Bản) đến TP.Hội An làm việc, nhiệm vụ của chị là nghiên cứu, hỗ trợ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An thiết kế trưng bày hiện vật tại các bảo tàng; thu thập thông tin về lịch sử giao lưu giữa Hội An và Nhật Bản; giới thiệu bảo tàng bằng tiếng Nhật…

“Chuyên ngành của tôi là bảo tồn văn hóa, nên trong thời gian 2 năm ở đây tôi sẽ tham gia đề xuất các phương án nâng cấp, cải thiện hệ thống trưng bày tại các bảo tàng Hội An. Ngoài ra, tôi cũng tham gia các buổi hội thảo, sinh hoạt chuyên đề về công tác phát huy bảo tàng” - Tanaka Saki chia sẻ. Tanaka Saki chỉ là một trong số hàng chục tình nguyện viên đã đến làm việc tại Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An thông qua chương trình hợp tác với tổ chức JICA (Nhật Bản) kể từ khi Khu đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Thông qua sự hợp tác, hỗ trợ, nhiều di tích kiến trúc Hội An đã được bảo tồn hiệu quả. Ảnh: KHÁNH LINH
Thông qua sự hợp tác, hỗ trợ, nhiều di tích kiến trúc Hội An đã được bảo tồn hiệu quả. Ảnh: KHÁNH LINH

Báo cáo của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, mỗi năm đơn vị đã đón tiếp, hỗ trợ hàng chục tình nguyện viên và đoàn khách nước ngoài đến tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm về quản lý, bảo tồn di sản. Đặc biệt, đã tiếp nhận, hợp tác với khá nhiều dự án, chương trình từ các chính phủ và tổ chức quốc tế như Quỹ Đại sứ Canada, Quỹ Đại sứ Hoa kỳ, Quỹ Công chúa Hà Lan, Quỹ JICA Nhật Bản, tổ chức DED và GIZ của Đức, Hội châu Á Hoa Kỳ, UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội…

Theo ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, trong nhiều sự hợp tác trên, đáng ghi nhận nhất chính là sự hợp tác, giúp đỡ rất sớm và to lớn của Chính phủ và các tổ chức quốc tế Nhật Bản, thể hiện qua các chương trình hợp tác nghiên cứu về lịch sử, khảo cổ, kiến trúc, tu bổ di tích, quảng bá, nâng cao năng lực đội ngũ chuyên môn địa phương… 

“Hội An luôn tranh thủ sự hỗ trợ về tinh thần, vật chất của các tổ chức quốc tế, các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việc hợp tác quốc tế đem lại hiệu quả tích cực trong đào tạo cán bộ chuyên môn, giúp chúng ta học tập được nhiều kinh nghiệm hay của các nước, tạo điều kiện nâng cao năng lực, nhận thức và kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật” - ông Trung nhìn nhận.

Chưa tương xứng

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định, hợp tác quốc tế đóng vai trò rất quan trọng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hội An. Bởi, quá trình hợp tác không chỉ thể hiện ở hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật mà còn rất hiệu quả trong trao đổi chuyên môn, hỗ trợ đào tạo, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân… “Hợp tác quốc tế diễn ra rất sớm ở Hội An, trong đó việc phố cổ Hội An trở thành Di sản văn hóa thế giới cũng có sự hợp tác hỗ trợ rất lớn từ các cá nhân, tổ chức quốc tế. Nên có thể nói, duy trì hợp tác quốc tế vừa là nhu cầu cần thiết vừa là trách nhiệm của chúng ta trong bảo tồn di sản” - ông Sơn nói.

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Chí Trung, quá trình hợp tác quốc tế thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, chủ yếu do năng lực của cán bộ chưa tương xứng, nhất là trình độ ngoại ngữ. Việc thiếu thốn phương tiện kỹ thuật áp dụng, triển khai những công việc sau hợp tác cũng dẫn đến khó khăn, Chưa kể, đầu tư kinh phí hạn chế, điển hình như cơ chế về hợp tác đối ngoại, cán bộ hoặc các cơ quan chuyên môn muốn tham gia hội nghị, hội thảo các diễn đàn khoa học hợp tác quốc tế nếu không được tài trợ về kinh phí thì hầu như không đi được, hoặc muốn đi công tác nước ngoài phải có kế hoạch. “Hợp tác đối ngoại của chúng ta thường ở trong thế bị động, ảnh hưởng nhiều đến kết quả, hiệu quả, nên chủ yếu là nhận tài trợ, giúp đỡ về kinh phí, hàng hóa vật tư thiết bị…” - ông Trung dẫn chứng.

Du lịch Hội An hưởng lợi rất nhiều từ quá trình hợp tác quốc tế. Ảnh: KHÁNH LINH
Du lịch Hội An hưởng lợi rất nhiều từ quá trình hợp tác quốc tế. Ảnh: KHÁNH LINH

Ông Trung cho rằng, để giao lưu hợp tác quốc tế đạt hiệu quả cao, cần tăng cường chủ động hơn nữa các hoạt động giao lưu quốc tế về di sản văn hóa và thiên nhiên, vật thể và phi vật thể. Song song với giới thiệu di sản ra nước ngoài, cũng cần chủ động mời các nước đưa di sản của họ đến trưng bày, giới thiệu tại Hội An. Tăng cường tranh thủ các nguồn lực quốc tế để bảo tồn và phát huy giá trị di sản bằng nhiều hình thức, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nghiên cứu, giúp đỡ Hội An, qua đó giới thiệu di sản ra nước ngoài, thúc đẩy du lịch phát triển.

Đặc biệt, cần phải có cơ chế phù hợp, hoàn thiện bộ máy, nâng cao chất lượng và số lượng nguồn nhân lực, bổ sung đầy đủ phương tiện làm việc, tăng đầu tư kinh phí cho các hoạt động; đẩy mạnh xã hội hóa trong những sự kiện giao lưu, hợp tác quốc tế. “Chúng ta phải đặt vấn đề về tính bền vững, hiệu quả trong giao lưu, hợp tác quốc tế. Đây chính là nhu cầu tất yếu, không thể thiếu trong quá trình hội nhập văn hóa và phát triển kinh tế ngày nay” - ông Trung khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hợp tác quốc tế bảo tồn di sản Hội An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO