Mật khẩu về cõi thiện lương

TƯỜNG MINH 20/06/2020 09:34

Đó là một bức sơn mài rất gợi của họa sĩ Hà Minh Tuấn, kể về một “nàng Apsara” đã đi vào huyền thoại, thời Hội An còn “trong lành” về rất nhiều nghĩa. Người con gái ấy là nhân vật trong tranh, cũng là nhân vật cho một loạt phóng sự dài kỳ trên báo Lao Động của tôi gần 20 năm trước. “Minh có thích nó không?” - bắt đầu là một tin nhắn ngắt quãng vào đêm khuya. Để rồi chỉ sau một hôm, “nàng Apsara” ấy đã đi xe giường nằm hơn 1.000 cây số từ Hà Nội vào Đà Nẵng chỉ sau một lời “em thích, dĩ nhiên”.

Họa sĩ Hà Minh Tuấn và “nàng Apsara” trước khi gửi về Đà Nẵng tặng bạn.
Họa sĩ Hà Minh Tuấn và “nàng Apsara” trước khi gửi về Đà Nẵng tặng bạn.

“Nàng Apsara” trong tranh, là một phần nhân chứng cho những năm tháng thanh xuân làm báo đầy hứng khởi. Thuở ấy làm phóng viên thường trú, phạm vi hoạt động trên giấy tờ chỉ loanh quanh “nước Huế” nhưng năm nào cũng tìm mọi cách để được đôi ba chuyến ngang dọc miền Trung làm phóng sự. Thuở mà chỉ một bản tin “con ruồi” xuất hiện trên báo cũng đủ để đêm về nằm nghiêng qua nghiêng lại đọc lui đọc tới kể cả dấu chấm phẩy trong cảm giác sướng mê man.

Thuở ấy, mỗi khi đặt bút ký tên mình dưới mỗi bài báo, cảm giác như thể mình đang thắt đai ở võ đường karate với sư phụ trước mỗi buổi tập. Không giống với nhiều môn võ khác có xuất xứ từ Trung Quốc là đai mở (đai có nút kéo và thắt về bên hông để khi cần thì quân tử trả thù 10 năm chưa muộn), đai thắt của karate đến từ Nhật Bản là “đai chết” thắt chính diện, thể hiện sự quyết tử cũng như tư cách, phẩm giá của người võ sĩ.

Chả bù cho cảm giác buồn bã khi hôm nọ chứng kiến cảnh một phóng viên trẻ phàn nàn rằng bài của mình viết đã gửi cả tuần rồi mà tòa soạn không thèm đăng, dù sự thật thì bài báo ấy đã đăng trên báo giấy từ… 3 hôm trước. Giờ phần lớn người trẻ, mỗi một tin bài hay tác phẩm báo chí của mình đã kết thúc ở thao tác nhấn nút gửi đi trên hệ thống CMS còn sau đó thì mặc kệ số phận kiểu như quan niệm phổ biến của người in sách. Giờ người trẻ đồng nghiệp, lâu lắm chả gặp ai thèm đi như mình vẫn đang thèm đi. Thay vào đó là sự tị nạnh nhau ở những chuyến đi công tác hay chuyển vùng, cảm giác như họ sợ đi, sợ di chuyển, sợ luôn cả sự xa lạ và mới lạ, bí ẩn… của những đời sống xa xôi ngoài kia đang mời gọi...

Tròn 21 năm tôi mới gặp lại một “nàng Apsara” khác, không phải nhân vật trong tranh của Hà Minh Tuấn hay phóng sự của chính mình. Tôi và chị ấy khởi duyên từ mùa lũ năm 1999 ở “nước Huế”, khi tôi vừa chập chững bước chân vào nghề báo. Và hôm rồi khi bịn rịn chia tay nhau ở Đà Nẵng, tôi có cảm giác như mình đang là một cán bộ truyền thông dù được khen “chị mừng vì Minh dạo này vẫn còn viết hay lắm”. Tôi rầu rĩ nói “dạo này em toàn thắp hương khấn chữ về…”. Chị cười, đại ý mỗi một người viết đều được trời cho một tài khoản để truy cập vào cõi thiện lương. Và mỗi khi ai đó không còn viết hay được nữa, thì chắc chắn họ sẽ không còn nhớ được mật khẩu để mà quay về…

Liệu tôi sẽ nhớ được mật khẩu để quay về với chốn ấy, còn bao lâu nữa?

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mật khẩu về cõi thiện lương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO