Mở hướng về nguồn

HÀ SẤU - KHÁNH LINH 24/03/2020 19:09

Quảng Nam có nhiều di tích cách mạng tiêu biểu, ghi dấu ấn một thời kháng chiến đầy hào hùng. Các di tích này đang được bảo vệ, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa để phục vụ hoạt động tham quan, du lịch và học tập truyền thống.

Khu di tích lịch sử rừng dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) là một điểm đến hấp dẫn với khách du lịch trong vài năm gần đây. Ảnh: S.L
Khu di tích lịch sử rừng dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) là một điểm đến hấp dẫn với khách du lịch trong vài năm gần đây. Ảnh: S.L

NHỮNG ĐỊA CHỈ ĐỎ

Trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, quân và dân Quảng Nam đã lập lên những kỳ tích lẫy lừng. Dấu ấn còn lại ngày nay không chỉ là vết tích những căn cứ, trận đánh mà chính là sự khắc ghi của lịch sử về tinh thần đấu tranh bất khuất của bao thế hệ tiền bối đã cống hiến, hy sinh vì độc lập tự do của quê hướng đất nước.

Giá trị thiêng liêng

Quảng Nam có 62 di tích quốc gia, trong đó có đến 21 di tích lịch sử cách mạng, thể hiện truyền thống đấu tranh qua các thời kỳ. Những địa danh gắn liền với những giai đoạn oanh liệt đã đi vào lịch sử như Bồ Bồ, Vĩnh Trinh, Cây Cốc, Nước Oa, Nước Là, Hòn Tàu, Thượng Đức… trở thành địa chỉ đỏ của các thế hệ người dân xứ Quảng.

Trong đó, các di tích như địa đạo Kỳ Anh, địa đạo Phú An – Phú Xuân… chính là minh chứng sống động cho tinh thần bất khuất, kiên cường bám đất bám dân của quân dân Quảng Nam trong suốt những năm tháng ác liệt của cuộc chiến. Nếu di tích địa đạo Kỳ Anh là điển hình cho ý chí “bám đất bám dân” thì địa đạo Phú An – Phú Xuân (xã Đại Thắng, Đại Lộc) là sự thành công của mô hình làng chiến đấu “một tấc không đi, một ly không rời”.

Được đào trong 3 năm (1965 – 1967), địa đạo Phú An – Phú Xuân có cấu trúc hình vòng cung, chiều dài khoảng 800m, 21 ngách ngõ khác nhau nằm dưới lũy tre làng, phần lớn địa đạo được bao bọc bởi triền sông Vu Gia và Thu Bồn.

Tại nơi này, trong các năm từ 1965 – 1969, Thường vụ Khu ủy, Đặc Khu ủy Quảng Đà và Huyện ủy Đại Lộc đã tổ chức hội họp, truyền đạt các nghị quyết cho lực lượng cách mạng toàn vùng.

Đây cũng là nơi đặt Sở Chỉ huy tiền phương trong chiến dịch tấn công An Hòa – Đức Dục mùa hè năm 1969. Đặc biệt, nhờ địa đạo này các lực lượng cách mạng đã chống trả nhiều đợt hành quân lấn chiếm của địch, giữ vững vùng B Đại Lộc cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Ông Phan Vân Trình – Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH huyện Đại Lộc nhìn nhận, giá trị của địa đạo Phú An – Phú Xuân chính là tinh thần quật khởi của người dân Đại Lộc nói riêng và người dân xứ Quảng. Từ năm 2017 huyện Đại Lộc đã ủy quyền cho UBND xã Đại Thắng thành lập Ban quản lý địa đạo nhằm bảo vệ, phát huy giá trị di tích, giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ. Địa phương cũng xem đây là một địa điểm để phát triển du lịch văn hóa lịch sử.

Theo ông Phan Văn Cẩm – Giám đốc Ban Quản lý Di tích danh thắng Quảng Nam, hầu hết di tích lịch sử cách mạng đều là những “địa chỉ đỏ”, bởi tất cả đều mang những giá trị thiêng liêng, thể hiện sự kiên cường, bất khuất của nhân dân Quảng Nam đi cùng lịch sử.

Những câu chuyện đi cùng năm tháng

Ông Trần Thận - Nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà kể: “Nhiều thời điểm, cuộc chiến tranh chống Mỹ ở chiến trường Quảng - Đà khốc liệt đến nỗi ông Hồ Nghinh phải ví von rằng những ai đã chiến đấu đủ 7 ngày trên mảnh đất này thì đã có thể phong anh hùng rồi”.

Bước qua cuộc chiến tranh bi hùng này, Quảng Nam để lại hàng trăm di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia gắn liền với những câu chuyện thấm đẫm tình đồng chí, tình người. Sở VH-TT&DL đã sưu tầm được hàng chục nghìn hiện vật, tư liệu có giá trị gắn liền với văn hóa, lịch sử vùng đất và quá trình đấu tranh giải phóng quê hương. 

Nhắc về địa đạo Kỳ Anh (Tam Thăng, Tam Kỳ) là nhắc về bao nhiêu ký ức khó phai trong tâm trí quân và dân từng sống và nương vào nhau qua thời gian khó. Không kẻ địch nào nghĩ giếng ông Kỳ vốn là nơi dùng lấy nước sinh hoạt cho người dân đã biến thành miệng hầm địa đạo ăn thông với kênh mương gần đó. Quanh làng Kỳ Anh lúc đó quân, dân còn rất sáng tạo trong việc chở che cách mạng khi trồng tre dày đặc kết hợp trận địa chông mìn trong khu vực chiến đấu và một hệ thống kênh mương dẫn nước quanh làng tạo thành một trận địa kín kẽ cho cả việc công và thủ.

Hiện nay, cách giếng ông Kỳ chỉ gần 500 mét là Bãi Sậy - Sông Đầm, một khu vực đang được Tam Kỳ quan tâm đầu tư để phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch về nguồn khám phá di tích lịch sử địa đạo Kỳ Anh.

Một câu chuyện khác đầy xúc động, mãi sẽ không bao giờ quên dù hơn nửa thế kỷ đã đi qua. Đó là vào năm 1967, một lần khi ông Trần Thận và ông Hồ Nghinh ra Đà Nẵng công tác về đến vùng sông Thu, Gò Nổi thì bị địch bủa vây, phục kích, nguy cơ bị sa vào tay địch.

Lúc đó chỉ có một chiến sĩ cận vệ đi cùng, buộc cả ba phải xuống hầm bí mật sát sông ẩn náu mấy ngày liền không thoát đi được do quân Mỹ cắm chốt ngay trên nắp hầm. Biết không thể kéo dài tình thế này lâu hơn, ba người, nhất là anh bảo cận vệ cố gắng dùng mười đầu ngón tay kiên trì moi cào đất đến sưng vù, rớm cả máu để mong tìm lối thoát. Sự sáng tạo và kiên trì đã được bù đắp khi trong đêm tối cả ba lần lượt thoát khỏi vòng vây an toàn dù lối thoát chỉ cách nắp hầm trước đó họ xuống náu có vài mét.

Càng kỳ diệu hơn khi chàng cận vệ Trần Văn Tư dũng cảm đã tranh thủ khoảnh khắc chủ quan của địch, mưu trí kéo được chiếc ghe nan nhỏ đưa hai cán bộ cấp cao của Đặc khu ủy Quảng Đà qua sông Thu Bồn an toàn, sau đó còn kịp dò dẫm trong đêm tối lấy cuốn tài liệu mật mà đoàn công tác trong lúc ẩn náu đã quên dưới hầm.

ĐÁNH THỨC TIỀM NĂNG DU LỊCH

Trên thực tế, đóng góp của du lịch di tích lịch sử cách mạng vào giá trị ngành du lịch địa phương nói chung vẫn còn rất khiêm tốn. Cần chọn lọc các điểm đến nổi bật để làm phong phú thêm loại hình du lịch đặc thù này.

Cửa hầm Cây Rơm ở địa đạo Kỳ Anh. Ảnh: S.L
Cửa hầm Cây Rơm ở địa đạo Kỳ Anh. Ảnh: S.L

Chưa tương xứng

Theo thống kê từ Sở VH-TT&DL, trong năm 2019, chỉ có chừng 200 nghìn lượt khách thăm viếng các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh, tức chỉ chiếm khoảng 2,5% tổng số khách đến Quảng Nam.

Theo đó, Khu quần thể tượng đài Mẹ VNAH đón khoảng 178 nghìn lượt, Nhà lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đón 7 nghìn lượt, Bảo tàng tỉnh đón khoảng 2 nghìn lượt.

Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, qua từng năm lượng khách du lịch tham quan các di tích lịch sử cách mạng tiếp tục tăng lên đáng kể. Tuy nhiên cái khó là hầu như nguồn thu từ loại hình này là không có, bởi khách chủ yếu chỉ thăm viếng và rời đi sau vài tiếng đồng hồ.

Ông Nguyễn Kim Sơn - Phó Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My cũng cho rằng, du lịch di tích lịch sử cách mạng ở địa phương hiện mới chỉ dừng ở mức khuyến khích giáo dục truyền thống, chưa đủ tính đặc sắc để bán vé và các sản phẩm khác đem lại nguồn thu. Bên cạnh đó, nhiều điểm di tích lại nằm riêng rẽ, hành trình rất xa và cách trở, nhất là ở các huyện miền núi.

Theo ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, theo đề án phát triển du lịch một số huyện, thành phố phía nam của tỉnh, hầu hết tour tuyến đều gắn với điểm đến là di tích lịch sử cách mạng. Cụ thể như: Địa đạo Kỳ Anh - Làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh (tour nửa ngày), Khu quần thể tượng đài Mẹ VHAH - Làng bích họa Tam Thanh - Hồ Phú Ninh (tour 1 ngày); hay như tour: Khu quần thể tượng đài Mẹ VNAH - địa đạo Kỳ Anh - làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh - Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng - Làng cổ Lộc Yên - Quần thể Khu di tích Nước Oa (tour 2 ngày - 1 đêm)… Tuy nhiên các tour này chưa thu hút được nhiều sự quan tâm của các đơn vị lữ hành cũng như du khách.

Cần tương tác với điểm đến khác

Theo kế hoạch của Sở VH-TT&DL, trong giai đoạn 2019 - 2021 ngành du lịch và các địa phương tập trung hoàn thiện và khai thác sản phẩm du lịch tìm hiểu văn hóa lịch sử cách mạng kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng quê, nông nghiệp để đẩy mạnh thu hút khách cũng như giãn bớt khách khỏi khu vực phía bắc của tỉnh.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (VITOURS) cho rằng, để phát triển được loại hình du lịch này nên bắt đầu từ việc đưa di tích lịch sử cách mạng trở thành điểm đến vệ tinh của chuỗi hành trình du lịch trong đó có Hội An hay Mỹ Sơn để dễ dàng lan tỏa.

Còn theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam: “Hiện nay lực lượng hướng dẫn viên du lịch am hiểu có chiều sâu về văn hóa xứ Quảng còn rất ít ỏi, cần phải sớm đào tạo, cải thiện bởi chính họ là những người dẫn dắt câu chuyện khiến du khách dễ dàng có hứng thú hơn đối với các điểm đến, nhất là điểm đến di tích lịch sử cách mạng”.

Một lối mở để loại hình du lịch di tích lịch sử cách mạng có thêm sức hút đối với du khách chính là “mềm hóa” hành trình tham quan thông qua việc kết hợp giữa du lịch lịch sử cách mạng với du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp. Rừng dừa Bảy Mẫu - nơi lưu nhiều dấu ấn qua các cuộc chiến tranh khốc liệt trước năm 1975 hiện được công nhận là di tích lích sử cấp tỉnh. Qua việc khéo léo tận dụng tài nguyên động, thực vật phong phú trong vùng di tích mà năm 2019 điểm đến này đã thu hút đến gần 1 triệu du khách, giúp đời sống cộng đồng địa phương khởi sắc rõ rệt.

Tại hội thảo “Bảo tồn và phát triển - Từ góc nhìn cộng đồng” diễn ra tại TP.Hội An vào cuối năm ngoái, bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên quốc gia chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP) cho rằng, việc phát triển du lịch ở rừng dừa Bảy Mẫu nói riêng cũng như xã Cẩm Thanh nói chung là một bài học về cách làm du lịch khi cộng đồng biết lồng ghép các câu chuyện huyền tích, lịch sử bi hùng và thú vị trong quá trình du lịch sinh thái, kích thích sự tò mò, khám phá của du khách.  

Hiện nay, Điện Bàn với bề dày văn hóa - lịch sử lâu đời là nơi có nhiều di tích lịch sử cách mạng nằm giữa vùng đệm của hai di sản thế giới nên nhiều tiềm năng phát triển loại hình du lịch này. Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, tại Bồ Bồ (Điện Tiến) và nhất là 3 xã Gò Nổi bước đầu đã khai thác du lịch, tham quan di tích lịch sử cách mạng khi kết hợp với cảnh quan sinh thái hữu tình ven sông Thu, đồi thông Bồ Bồ để thu hút du khách trải nghiệm. Hiện cũng có một số doanh nghiệp cũng quan tâm, xúc tiến đầu tư vào những địa điểm này với mong muốn nâng tầm du lịch địa phương. 

BẢO TỒN TƯƠNG XỨNG

Thời gian qua, từ nguồn lực đầu tư khác nhau, nhiều di tích lịch sử cách mạng đã được bảo tồn, trùng tu và phát huy hiệu quả, trở thành điển hình cho nhiều địa phương khác tham khảo.

Một góc khu di tích Khu ủy Khu V (huyện Hiệp Đức). Ảnh: S.L
Một góc khu di tích Khu ủy Khu V (huyện Hiệp Đức). Ảnh: S.L

Tu bổ di tích

Từ trên cao nhìn xuống, con đường bê tông rộng rãi nối tuyến ĐH8 của huyện Duy Xuyên vào Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà (di tích núi Hòn Tàu) như một vệt sáng trắng men qua đồi núi nhấp nhô thuộc 2 xã Duy Sơn (Duy Xuyên) và Quế Hiệp (Quế Sơn).

Kể từ năm 2015, khi dự án bảo tồn tôn tạo Khu di tích Căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà được thi công hoàn thành, những chuyến trở về thăm chiến trường xưa của nhiều tầng lớp nhân dân trở nên dễ dàng hơn. Một số hạng mục như nhà bia tưởng niệm; nhà đón tiếp, trưng bày; nơi ở, làm việc của các đồng chí lãnh đạo năm xưa cũng đã được phục dựng.

Ông Lê Trung Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên nhìn nhận, công trình phục dựng, bảo tồn di tích Hòn Tàu có ý nghĩa chính trị rất lớn, là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

“Từ cuối năm 2019, khi khu di tích được tỉnh bàn giao về cho huyện quản lý đón khách tham quan, chúng tôi đã giao các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu nhằm phát huy giá trị di tích đến các thế hệ, tầng lớp nhân dân. Sắp tới chúng tôi sẽ đề xuất tỉnh hỗ trợ 4 biên chế túc trực tại khu di tích để giữ gìn, đón khách tham quan, từng bước hướng đến xây dựng nơi đây trở thành một điểm du lịch lịch sử về nguồn kết nối với những điểm di tích khác trong huyện như Trà Kiệu, Bảo tàng Chăm, khu lăng mộ bà Đoàn Quý Phi” - ông Cường chia sẻ.

Tạo cơ chế thuận lợi

Từ năm 2015, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 161 về đầu tư tu bổ di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh, mục tiêu đến năm 2020 sẽ đầu tư tu bổ, dựng nhà bia cho 27 di tích và hạng mục di tích quốc gia cùng 139 di tích cấp tỉnh đã xuống cấp nghiêm trọng, tổng nguồn vốn đầu tư 80 tỷ đồng, trong đó kinh phí dành cho các di tích cấp quốc gia là 50 tỷ đồng. Đến tháng 7.2019, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐND sửa đổi, bổ sung Điều 1 Nghị quyết số 161/2015/NQ-HĐND về việc mở rộng hỗ trợ đầu tư tu bổ di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020. Cụ thể, nâng việc tu bổ và dựng nhà bia các di tích và hạng mục di tích quốc gia lên con số 32; bổ sung vào danh mục tu bổ 4 di tích quốc gia… đồng thời bổ sung các hạng mục về chống mối mọt, xuống cấp đối với các di tích quốc gia đã được đầu tư trước đó.

Theo ông Hồ Xuân Ring – Phó Giám đốc Ban Quản lý Di tích và danh thắng Quảng Nam, việc ban hành các Nghị quyết 161 và 01 rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý giúp các di tích được tu bổ cứu vãn kịp thời, thể hiện sự quan tâm sâu sát của tỉnh trong công tác bảo tồn các giá trị di sản văn hóa lịch sử dân tộc. “Không phải đến khi Bộ VH-TT&DL ngừng cấp kinh phí theo chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa cho các địa phương (năm 2015) Quảng Nam mới quan tâm đến vấn đề bảo tồn di sản, mà từ trước đó, năm 2014, tỉnh đã có đề án tu bổ di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh. Kết quả, từ năm 2015 đến nay, hầu như không còn di tích nào xuống cấp hay bị đe dọa xâm hại” - ông Ring nói.

Ông Ring cũng cho biết, sắp tới đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu Sở VH-TT&DL trình tỉnh đề án bảo tồn di tích giai đoạn 2020 – 2025 nhằm tập trung hơn nữa nguồn lực duy tu bảo dưỡng các di tích đã được đầu tư trước đây, tránh nguy cơ tái xuống cấp.  

Thực tế, trong một số trường hợp nguồn vốn bố trí của tỉnh theo phân kỳ đề án không đủ đáp ứng cho quá trình tu bổ di tích, nhưng nhiều nơi đã bố trí thêm nguồn vốn đối ứng cũng như huy động thêm các nguồn lực xã hội hóa vào bảo tồn di tích. Với một số di tích lịch sử cách mạng trọng điểm, Sở VH-TT&DL đã xin chủ trương thành lập các dự án riêng để bảo tồn duy tu tốt hơn.

Ông Trần Đức Ngọc – Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH huyện Hiệp Đức cho biết, bên cạnh các nguồn lực hỗ trợ của tỉnh, hiện nay Khu di tích Khu ủy khu V (Khu di tích Phước Trà) cũng đang chờ phân bổ từ nguồn kinh phí 200 tỷ của Trung ương về phát triển An toàn khu (đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng…) cho 2 xã Phước Trà, Sông Trà và  khu di tích.

“Mặc dù các nguồn đầu tư của tỉnh không phải quá nhiều nhưng đã phần nào giúp địa phương hoàn thiện hạ tầng, chống xuống cấp di tích, nhất là duy tu bổ dưỡng thường xuyên cũng như phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành sưu tầm, trưng bày hiện vật giúp phát huy di tích hiệu quả” - ông Ngọc nhìn nhận.

Theo ông Tôn Thất Hướng – Trưởng phòng Quản lý Văn hóa (Sở VH-TT&DL), so với nhiều địa phương trong cả nước, Quảng Nam làm rất tốt vấn đề bảo tồn, tu bổ di tích. Trong đó, việc ban hành Đề án về bảo tồn các di tích trên địa bàn tỉnh đã giúp đẩy nhanh tiến độ tu bổ các di tích, loại bỏ những nguy cơ đe dọa các di tích Quảng Nam.

“Thành công nhất là huy động được các nguồn lực. Nhiều nơi đã kết hợp tốt 3 nguồn lực từ tỉnh, đối ứng của địa phương và một phần xã hội hóa. Đặc biệt, đã tạo được nhận thức trong nhân dân và chính quyền địa phương, bởi lâu nay không ít người nghĩ rằng chuyện bảo tồn di tích là của Nhà nước. Nhưng bây giờ điều này đã thay đổi, bảo tồn di tích không thể thiếu vai trò của cộng đồng trong việc chung tay đóng góp” - ông Hướng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mở hướng về nguồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO