Ngọt ngào mía rẫy

TẤN VỊNH 13/06/2020 12:11

Đối với đồng bào các dân tộc miền núi, cây mía là cây trồng khá phổ biến ở vườn nhà và trên nương rẫy. Mía có mặt trong sinh hoạt đời thường và cả trong lễ nghi của đồng bào.

Những gùi mía đồng bào mang đến đóng góp cho lễ hội.Ảnh: TẤN VỊNH
Những gùi mía đồng bào mang đến đóng góp cho lễ hội.Ảnh: TẤN VỊNH

Theo kinh nghiệm dân gian, dọn rẫy xong đồng bào bắt đầu trồng mía. Trồng mía cũng cần nhiều tro. Đồng bào Cơ Tu và các dân tộc khác ở miền núi trồng mía bằng khúc và ngọn, hai khúc cho vào một lỗ, khoảng cách giữa hai lỗ là hai bước chân.

Những rẫy cũ đồng bào đã trồng mía trong nhiều năm thì không cần trồng lại vì sau khi chặt cây lớn, mía thường mọc ra những mộng cây mới. Khi chặt mía, đồng bào cũng thu nhặt và trồng lại bằng ngọn. Mía rẫy của đồng bào Cơ Tu có nhiều loại khác nhau: mía tuok có vỏ màu đen và từng đoạn ngắn, lá cũng ngắn nhưng có bản rộng; mía tung có thân màu vàng; mía aroong có thân dày, không lớn và lá rất dài; mía karool có vỏ màu vàng.

Nước giải khát chế biến từ mía rẫy.
Nước giải khát chế biến từ mía rẫy.

Giống như các loại cây hoa màu khác, cây mía được trồng để có cái ăn chứ ít khi đem bán vì loại nông sản này nhà nào cũng có. Rẫy nào đồng bào cũng trồng vài vạt mía. Khi lao động nặng nhọc trên rẫy, người ta thường bẻ mía ăn tại chỗ để giải khát và tiếp thêm năng lượng để có sức lao động.

Mía là “món quà của rẫy” mà bà con thường dùng để biếu tặng. Sau chuyến đi rẫy về, trong chiếc gùi của người phụ nữ bao giờ cũng có vài lóng mía. Họ mang về cho trẻ con nhà mình “ăn dặm” và làm quà biếu cho bà con trong làng hoặc khách khứa. Ở các bản làng dân tộc, hầu như nhà nào cũng có chuối chín, mía, dưa... theo mùa. Món quà sạch, chất lượng và rất ngọt thơm này thường để dành trên gác bếp hoặc xó nhà, trẻ con lấy ăn dần. Đến thăm làng bản dân tộc, món ăn đãi khách không thể thiếu là vài khúc mía và những trái chuối chín, miếng dưa rẫy.

Đồng bào Cơ Tu còn biết làm rượu từ mía bằng cách đặt cây mía lên một cái cây và ép cho nó chảy nước ra, rồi cất nó trong ống tre hoặc trong những cái hũ sành. Có nơi, đồng bào róc mía rồi cắt thành từng đoạn nhỏ vài lóng tay, cho vào nồi đun để làm nước giải khát. Aviết là loại nước giải khát được làm từ nước mía trộn lẫn với nước vỏ cây apăng cho lên men. Cây apăng cũng được đồng bào dùng để lên men rượu tà vạt. Loại nước giải khát này có thể uống ngay hoặc để vài ba ngày, nếu để lâu dễ bị hư. Những lễ hội làng hoặc của từng gia đình thì mía là thức ăn không thể thiếu. Khi đi dự lễ hội hoặc thăm hỏi nhau, người ta cũng thường mang theo gùi mía làm quà tặng.

Cây mía thân thương, bình dị, với sức sống mạnh mẽ, vươn lên trong những khu vườn, mảnh rẫy của đồng bào. Giống như cây lau cây sậy, cây mía làm đẹp cho cảnh quan miền núi, bản làng. Vị ngọt của cây mía rẫy là một phần của văn hóa ẩm thực vùng cao, là món quà trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong lễ hội cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngọt ngào mía rẫy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO