Về hai món quốc bảo của nhà Nguyễn

PHẠM ĐƯƠNG 06/09/2020 06:47

75 năm đã trôi qua kể từ hôm 30.8.1945, cặp ấn kiếm, biểu tượng vương quyền của chế độ phong kiến đã được vua Bảo Đại trao cho cách mạng, cũng là trao quyền lại cho nhân dân.

Ấn Hoàng Đế Chi Bảo bằng vàng nặng 10,534kg vua Bảo Đại trao lại tại lễ thoái vị chiều 30.8.1945.
Ấn Hoàng Đế Chi Bảo bằng vàng nặng 10,534kg vua Bảo Đại trao lại tại lễ thoái vị chiều 30.8.1945.

Rất tiếc là sau ngày ấy, dân tộc ta một lần nữa đã phải đứng lên bảo vệ thành quả của mình kéo dài đến 30 năm sau đó. Những gì thuộc về lịch sử, kể cả những báu vật trên cũng đã bị khói lửa chiến tranh làm thất lạc. Nhưng người dân Huế cũng như cả nước sẽ không thể nào quên cái ngày lịch sử ấy - ngày mà vương quyền được trao lại trọn vẹn cho nhân dân mà hai bảo vật ấy là tượng trưng cho việc trao trả.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9 (1945 - 2020) đã xuất bản hai cuốn sách “Cố vấn Vĩnh Thụy (1945 - 1947) qua hồi ức từ nhiều phía” và “Hỏi chuyện đời bà “thứ phi” Mộng Điệp với Cựu hoàng Bảo Đại”. Nhiều tư liệu đã được xới lại để làm rõ những tồn nghi của lịch sử đồng thời tác giả cũng cung cấp một số sử liệu mới từ các cuộc sưu tầm tận bên Pháp, gặp gỡ một số nhân chứng và cuộc phỏng vấn khá công phu với bà Mộng Điệp ngay tại Paris.

Đôi kiếm vàng triều Nguyễn đúc vào thế kỷ XIX, nặng 1,25kg tượng trưng cho quyền lực của vua. Ảnh: Nguyễn Đắc Xuân sưu tầm
Đôi kiếm vàng triều Nguyễn đúc vào thế kỷ XIX, nặng 1,25kg tượng trưng cho quyền lực của vua. Ảnh: Nguyễn Đắc Xuân sưu tầm

Trong rất nhiều tư liệu đó, đáng chú ý là phần kể lại cặp ấn kiếm của nhà Nguyễn được vua Bảo Đại trao cho chính quyền Cách mạng mà đại diện là các ông Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận vào ngày 30.8.1945 tại lầu Ngũ Phụng cửa Ngọ Môn (Huế) sau khi nhà vua đọc Chiếu thoái vị. Nguyễn Đắc Xuân dẫn lại lời ông Trần Huy Liệu kể rằng, đọc Chiếu thoái vị xong, nhà vua giơ hai tay dâng lên chiếc kiếm dài nạm ngọc và sau đó là chiếc ấn vàng hình vuông. Thay mặt Chính phủ lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông Trần Huy Liệu tiếp nhận hai vật tượng trưng của chế độ phong kiến.

Ngay ngày hôm sau, phái đoàn phải cấp tốc quay ra Hà Nội để kịp dự lễ Độc lập 2.9.1945. Những tưởng hai món quốc bảo này đã được những người có trách nhiệm của chế độ mới giữ gìn cẩn thận nhưng số phận của nó long đong như chính dân tộc này suốt mấy chục năm sau đó. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân dẫn lại lời kể của bà Mộng Điệp - thứ phi của vua Bảo Đại: Năm 1952, bà Mộng Điệp đang ở Ban Mê Thuột thì bất ngờ nhận được lời đề nghị của phía Pháp là họ sẽ trả lại ấn kiếm cho nhà vua. Bấy giờ, ông Bảo Đại đang ở Pháp nên cuộc bàn giao hai vật quốc bảo này chỉ diễn ra giữa đại diện phía Pháp và bà Mộng Điệp cùng Đức Từ Cung - mẹ vua Bảo Đại ngay tại sân bay Ban Mê Thuột. Vì sợ “đồ giả” nên bà Mộng Điệp phải gọi về Huế mời Hoàng Thái hậu Từ Cung lên để giám định và chứng kiến lễ bàn giao này.

Sau khi nhà vua từ Pháp trở về, bà Mộng Điệp có thuật lại việc trao trả nói trên và phân vân không biết đó có phải là ấn kiếm “chính hiệu” mà nhà vua đã trao cho ông Trần Huy Liệu năm 1945 hay không. Sau khi xem kỹ hai bảo vật quốc gia này, ông Bảo Đại khẳng định đó là “đồ thật” và cho người đóng một cái cốp sắt, bỏ hai bảo vật này vào, định mang về Huế. Tuy nhiên, chiến tranh bấy giờ rất ác liệt, sợ thất lạc một lần nữa, ông Bảo Đại giao cho bà Mộng Điệp mang sang Paris rồi giao cho hoàng hậu Nam Phương quản lý. Sau khi bà Nam Phương qua đời (1963), cặp ấn kiếm được giao cho hoàng tử Bảo Long.

Năm 1982, ông Bảo Đại đâm đơn kiện con mình, đòi lại cặp ấn kiếm. Tòa án đã xử vụ này, kết quả là hoàng tử Bảo Long được phần kiếm còn vua Bảo Đại được phần ấn. Trong một số tài liệu khác, kể cả wikipedia đều nói rằng, tòa đã xử Bảo Long thắng kiện và hai bảo vật trên được ông tiếp tục sở hữu. Sau ngày Bảo Đại qua đời (1997), chiếc ấn lại rơi vào tay người vợ của ông, tên Monique Baudot. Hiện không biết số phận chiếc ấn ra sao. Còn chiếc kiếm thì ông Bảo Long đã từng đem ra bán đấu giá.

Trong cả hai cuốn sách nói trên, tác giả Nguyễn Đắc Xuân đã nhiều lần nhắc lại lý do vì sao hai vật quốc bảo ấy lại thất lạc ngay sau khi mang về Hà Nội. Theo tác giả thì, sau ngày toàn quốc kháng chiến, cả Hà Nội đã “tiêu thổ”, phần lớn các tài liệu kể các các báu vật triều Nguyễn đều được chôn giấu. Trong một lần đào đất xây đồn, lính Pháp thấy một cái thùng dầu hỏa bằng sắt Tây, bên trong đựng một cái ấn và một cái kiếm bị bẻ gãy làm đôi, sơn màu đen. Về thời gian và địa điểm lính Pháp bắt gặp ấn kiếm, bác sĩ - luật gia Nguyễn Hữu Nhơn cho biết đã xảy ra vào ngày 28.2.1952 tại làng Nghĩa Đô (ngoại thành Hà Nội). Cây kiếm bị gãy “do lúc đào xới chạm vào”. Sau đó người Pháp đã trao lại cặp ấn kiếm cho Bảo Đại vào ngày 8.3.1952 ngay tại sân bay Buôn Mê Thuột nhưng Bảo Đại không có mặt như đã đề cập trên đây. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, trong một chuyến công tác tại Paris có sưu tầm một số tờ báo Pháp thời bấy giờ có tường thuật khá chi tiết về cuộc bàn giao hai bảo vật trên.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Về hai món quốc bảo của nhà Nguyễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO