Khúc bi tráng sông Con (tiếp theo và hết)

Phạm Thông 23/10/2019 11:31

Có một đám mấy chục người chui xuống đám đất thấp sát khe Con cạnh bụi tre tránh đạn, một ông già mặc áo trắng trong đám người đang ẩn náu, đột nhiên đứng lên: “Tui có con đi lính quốc gia, các ông đừng bắn chúng tôi!”. Lập tức chúng tập trung quét đạn về phía bụi tre, ông già ngã gục, tiếp đến là tiếng la ré vang trời rồi im bặt.

Thanh Hải bị thương ở chân, mình bê bết máu; quần áo mặt mũi bà Cúc cũng nhuộm đầy máu của những người bên cạnh...

Tiếng nổ đột ngột dừng, Thanh Hải mở mắt thấy chao ôi người nằm la liệt, trên một đám ruộng nhỏ tại nơi hắn nằm đã có mấy chục người, và kia một bãi rộng ước hàng trăm người. Một cảnh tượng vô cùng rùng rợn, tang thương đang ập vào mắt Thanh Hải. Mẹ! Hải bỗng nghĩ đến mẹ, mẹ đã cản không cho mình đi, nếu chết nơi đây là tại mình không nghe mẹ, nước mắt bỗng tuôn trào! Thương mình, thương mẹ, thương cô Châu cùng xóm, thương bà con mình chết thảm và trong phút giây tiếp đến mình sẽ ra sao. Ý nghĩ quay cuồng bấn loạn, Thanh Hải bỗng nghe tiếng thì thầm bên tai: “Chân con chảy máu, con bị thương rồi, cố nằm yên, động đậy là nó bắn chết ngay”. Hải nghe chân tê cứng mà không dám quay lại nhìn, đâu biết mình đang bị chảy máu.

Tiếng súng dứt, không gian như chết lặng, một tiếng động nhỏ chung quanh, một bước chân của ai đó cũng có thể nghe được. Hải nghe tiếng tri hô, khẽ liếc nhìn về phía xa xa thấy còn người lom khom lách chạy. Một toán lính Mỹ từ Cấm Dơi kéo ra đứng xếp hàng kín trước mặt, người đang chạy bỗng ngồi bệt hết xuống đất. Lính Mỹ vẫn đứng yên rất khó hiểu, nhưng đám dân thất thế kia không một người dám bỏ chạy.

Được thế, bọn nghĩa quân Quế Sơn vây lùa cả trăm người trở lại cầu sông Con, ngược lên dốc, nơi bọn nghĩa quân đặt đại liên giết chết đồng bào của họ. Thấy Thanh Hải còn bé tí, bị thương ở chân không đi được, một tên lính trẻ bế xốc chạy kêu người băng bó.

Đám nghĩa quân Quế Sơn gằm mặt lùa cả trăm người dân vào bãi đất vừa cày ủi trên đầu dốc, dùng báng súng, gậy gộc phang tới tấp, loạn xạ. Một tên, có thể đó là chỉ huy cao nhất, hô lớn: “Dừng tay! Ai có con em, người thân trong gia đình đi lính quốc gia, đứng sang một bên!”. Một ông già biết trong đám lính kia có con mình, xướng ngay: “Tôi!”. Ông liền tách riêng lẻ, cả đám người cùng nhào theo: “Tôi! Tôi!...”.

Từ trong đám lính có một tên mang súng rulo, nhiều người biết hắn đích thực là con của ông già kia, bỏ bụng mừng. Chao ôi, không phải thế. Hắn cầm gậy đánh tuốt, đánh tất mọi người, kể cả cha hắn. Hắn vừa đánh vừa chửi: “Tất cả bọn bây là Việt cộng, đứa nào cầm đầu, chỉ ra không tau cho chết sạch”.

Không một ai lên tiếng. Hắn lại ra lệnh bọn lính xông vào đánh đập quay cuồng. Trong đám dân chúng bị đánh loạn xạ kia có ai đó mách bảo. Chúng liền tách người, xông tới nắm tóc một phụ nữ mảnh mai, da trắng, mặc chiếc áo xanh kéo xệch ra: “Đây rồi! con Trần Thị Tân, một tên cán bộ Việt cộng cầm đầu đây rồi!”.

Chúng đánh người phụ nữ mảnh mai kia tàn bạo. Đúng là: “Lũ bán nước lột da dâng nước/ Tan mồ cha cũng rước voi dày/ Máu đà nhuộm đỏ bàn tay/ Biết chi đau đớn cỏ cây đồng bào”.

Sau đó chúng cho xe nhà binh tới đẩy các nhóm dân vào trại giam quận lỵ. Tiếp đến máy bay trực thăng của Mỹ hạ xuống xúc hết người bị thương bay mất tích.

Bây giờ, sau bốn mươi bốn năm chiến tranh đã trôi qua, tôi về Quế Sơn, Hiệp Đức sưu tầm nhằm tái hiện câu chuyện bi tráng sông Con năm xưa. Được sự chỉ bảo của những người kháng chiến, tôi gặp Trần Thị Thanh Hải và Cao Văn Ngũ thoát tù, sống sót trong cuộc chiến. Họ rưng rưng kể lại cái ngày Mùng hai Tết Mậu Thân vô cùng thảm khốc trên mảnh đất quê hương: “Chiến tranh sống chết khôn lường. Nếu rúc hầm bí mật, anh em ruột, cha con thường không ẩn chung, để nếu địch phát hiện sẽ không chết cả nhà. Đằng này đi biểu tình nổi dậy, đấu tranh bằng phương thức ôn hòa trong niềm tin tất thắng. Nhân dân phấn khởi kéo nhau cả nhà đi tranh đấu và cùng chết cả nhà trong đấu tranh. Ba cha con ông Trần Bồ - Chủ tịch Sơn Lãnh đã cùng một lúc ngã xuống trước nòng súng bạo tàn của giặc và nhiều gia đình trên đất Quế Sơn này đã chết như thế trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân”.

Hai người gia nhập đoàn quân nổi dậy ở tuổi trẻ thơ, nay đã trở thành người già ở tuổi sáu lăm, sáu bảy. Từng trải bao thăng trầm của đất nước, họ đã trở thành những đảng viên kiên trung, những cán bộ yêu nước thương dân. Bằng thực tế cuộc đời, họ kể lại câu chuyện bi tráng sông Con năm xưa trong uất nghẹn tỏ bày: “Chúng tôi là những người chứng kiến trực tiếp sự kiện vô cùng bi tráng đó, chỉ mong rằng Đảng, Nhà nước có tưởng niệm về chiến thắng Xuân Mậu Thân thì hãy dựng tượng đài tưởng niệm ngay trên bờ sông Con, bên cạnh đâu đó những hố chôn thi hài tập thể hàng trăm người nông dân chân đất tại các làng quê vùng trung du Quế Sơn, Hiệp Đức đã vì nước quên thân trong mùa xuân nổi dậy năm xưa!”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khúc bi tráng sông Con (tiếp theo và hết)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO