Lên đường từ tuổi trẻ thơ

PHẠM THÔNG 26/03/2020 10:48

(Tiếp theo kỳ trước)Sau Mậu Thân 1968, Tư Đặng được điều về Ban Tài mậu tỉnh, tiếp tục làm công tác mậu dịch ở các huyện cánh Nam. Sau thời gian, Tỉnh ủy lại quyết định chuyển anh về huyện Nam Tam Kỳ, bổ sung vào Ban Thường vụ Huyện ủy, phụ trách Trưởng ban Tổ chức kiêm Trưởng ban Tuyên huấn. Đây là giai đoạn chuyển hướng hoạt động của Tư Đặng, anh trở thành một cán bộ chính trị mang tính “chuyên nghiệp” hơn trước.

Thời kỳ này phong trào cách mạng ở một số nơi tại Nam Tam Kỳ lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn. Kỳ Xuân, một nơi có truyền thống cách mạng kiên cường, trong những năm đen tối nhất (1954 - 1960), tại đây các chi bộ mật vẫn tồn tại, là nơi có cán bộ, thanh niên thoát ly lên chiến khu sớm nhất, đông nhất so với toàn huyện Tam Kỳ. Nhưng đến năm 1970 phong trào cách mạng gặp những khó khăn không tưởng nổi. Có thể nói đây là thời kỳ thoái trào tại Kỳ Xuân. Đội công tác chỉ còn một mình đồng chí Võ Tấn Long tiếp cận được cơ sở. Tất cả về làng đều bị địch giết chết. Có thể địch đã lộn sòng trong ta. Một số cơ sở cách mạng bị an ninh ta nghi ngờ, bắt đưa lên chiến khu giam giữ nhưng tình hình Kỳ Xuân vẫn rất khó. Ta về là lộ, là chết, chết liên tiếp...

Những người ta bắt vừa rồi là sa bẫy bôi đen, ly gián của địch. Huyện ủy phân công Lê Tư Đặng về Kỳ Xuân điều tra xác minh tình hình thực tế. Đây là cửa tử, nhưng phải vào, bởi chỉ có cách nắm chắc được tình hình, bóc tách kẻ giấu mặt trong nội bộ, trừ khử nội gián mới cứu được phong trào Kỳ Xuân. Trước khi lên đường về vùng địch hậu, Tư Đặng tranh thủ gặp những đồng chí đã từng hoạt động tại Kỳ Xuân. Qua tâm sự, điều nghiên anh có thông tin về một anh chàng người Kỳ Xuân, đội viên Đội công tác Lý Tín bỏ chạy về quê chiêu hồi. Một điều rất đặc biệt, anh ta chạy chiêu hồi đã gần một năm mà căn cứ của ta rất ít bị đánh phá, không thiệt hại gì lớn, đường hành lang công tác không lộ, các cơ sở mật ở Kỳ Xuân đều còn nguyên, không bị địch bắt. Anh ta vẫn sống bình thường ở quê, xung quanh có rất nhiều người là cơ sở mật của ta nhưng vẫn bình yên, không bị bà con làng xóm né tránh, bài xích... Qua kinh nghiệm công tác mấy chục năm, Tư Đặng đặt dấu chấm hỏi về anh ta.

Anh Long thông thạo địa hình, am hiểu Kỳ Xuân, tự nguyện cùng đi với Tư Đặng. Hai anh xuất phát từ căn cứ xuống xóm Cà Lơ, thôn Tám, Kỳ Sanh đạp xéo qua Khương Nhơn, vượt đường 1 đến Khương Đại đã hơn 10 giờ đêm; bơi qua quãng sông rộng ngay ở bến Đá Cồng Cộc. Hai anh cho đồ đạt, súng đạn vào bao ny lon đã chuẩn bị trước làm phao, lần dò xuống nước. Tất cả phải nhẹ nhàng, len lén, đề phòng người đi nơm, đi rập hoặc chèo ghe hành nghề ban đêm. Tình hình quá căng, biết ai tốt ai xấu...

Tấn Long là dân Kỳ Xuân, trai tráng khỏe mạnh, bơi lặn như rái nước, thế mà mất nửa tiếng đồng hồ hai người mới dìu nhau qua được bờ bên kia. Qua khỏi sông, Tấn Long bám đường đưa Tư Đặng đến nhà chị Mai Thị Cường - Bí thư Chi bộ hợp pháp để tìm hiểu tình hình. Nhưng khi nghe anh đề nghị bố trí chỗ ở lại đôi ba ngày, chị ngần ngừ: “Hai anh quay lên lại căn cứ trong đêm nay. Ngày mai gia đình tôi có đám giỗ, người đến đông, dễ bị lộ. Tình hình căng lắm anh ơi”. Tư Đặng tha thiết mà dứt khoát: “Tôi rất cần ở lại. Nếu đồng chí không bố trí được thì giới thiệu đến nơi khác, cơ sở mình nhiều, Kỳ Xuân là dân cách mạng, quần chúng rất tốt mà chị”. Chị Cường liền khẳng định: “Hiện nay, ngoài tôi, chưa có ai dám chứa các anh đâu”.

Nghe chị Cường nói vậy, Tư Đặng hiểu. Dân không chỉ sợ địch mà còn sợ ta. Có lần, ở một nơi khác anh có nghe dân ca thán: “Nuôi các ổng mà địch bắt các ổng khai sạch trọi thì ai mà dám...”. Những lời nói đơn giản ấy khiến Tư Đặng càng thấm thía yếu tố nhân dân. Đúng là chọn một nơi làm căn cứ, dù là nhỏ hay lớn, dù là tạm hay lâu dài thì yếu tố đầu tiên vẫn là “dân hòa”, thứ hai mới tới “địa lợi”.

Anh Long người địa phương, công tác trên đất này lâu, nghe chị Cường nói vậy liền buột miệng: “Chị nói vậy thì mình phải nghe theo thôi anh”. Hai người từ biệt chị Cường. Ra đường, Long nói với Tư Đặng: “Anh ra sông ở đi, nấp dưới ghe rong nhà ông Huỳnh Kỉnh. Ông ấy là cơ sở trung kiên. Mà rủi có lộ thì cũng chẳng liên lụy chi ai. Thấy ghe trống, đậu chỗ vắng thì mình nấp thôi. Ông Kỉnh cũng có cách để chối bọn địch. Ở gần đó có chị Danh tốt bụng, nhờ chỉ che chắn, ngụy trang, canh chừng”... Giao được Tư Đặng cho ông Kỉnh, chị Danh, Long bảo “anh cứ ở đó em tìm chỗ khác, hai anh em không nên ở một chỗ”...

Chao ôi! cả ngày hôm sau, nằm dưới lòng ghe rong, không có mui, trống hoác, nắng chói chang, mặt trời càng lên cao càng nóng. Chị Danh biết, vác miếng phên qua che. Chẳng ăn nhằm gì cả, vẫn cứ nóng. Đứng bóng thì da của Tư Đặng đỏ rực, bỏng rát. Cô Danh sợ ông Đặng chịu không thấu, vác chiếc chiếu ra sông nhúng nước, đập đập, chao chao rồi đem đắp trên miếng phên. Ban đầu nước nhỏ xuống nghe mát, một lát sau thấm vào lớp da đang nóng đỏ nổi phồng dộp, bong ra chảy nước... Chai nước chị Danh bỏ xuống ghe hồi sáng Tư Đặng đã uống sạch, từ 2 giờ chiều trở đi miệng khô đắng, khát cháy cổ, bụng đói cồn cào. Nhưng nóng, khát, đói không bằng chết. Tư Đặng ráng chịu đến tối. Mặt trời vừa sập, Long mò đến, hai anh bò vô bãi mắm, lần tiếp lên nhà chị Cường. Trước tiên là kiếm cái chi để ăn, may đâu còn miếng bánh, miếng thịt đám giỗ trí lại...

Quả nhiên vào nhà, chị Cường có trí lại một phần của đám giỗ. Chị biết ông Tư Đặng đã quyết ở lại thì Long - đội viên Đội công tác Kỳ Xuân ăn dầm nằm dề ở đất này sẽ không chịu thua đâu. Các anh sẽ tìm chỗ đâu đó. Lúc này chị Cường hoàn toàn tin tưởng cán bộ trên về, không nỡ để hai người chịu nóng nữa. Chị bố trí họ trú lại trong nhà ông Huỳnh Nhân, sát vách nhà chị. Vào lúc 8 giờ sáng, người yêu của kẻ chiêu hồi đến nhà Huỳnh Nhân, xáp mặt Tư Đặng và Long. Cô đang là chi ủy hợp pháp của chi bộ do chị Cường làm Bí thư. Chị Cường vội kéo chị cùng các anh vào nấp sau buồng nhà. Một lát sau kẻ chiêu hồi cũng lần tới, hắn ta đi thẳng vào nhà bên cạnh. Long chĩa súng theo tên chiêu hồi, Tư Đặng ngăn lại. Tên chiêu hồi không qua nhà ông Huỳnh Nhân mà lui ra đi thẳng. Không rõ hắn có đánh hơi được gì không, nhưng hai anh phải sẵn sàng phương án đối phó. Và biết đâu hắn ta không phải là tên gián điệp giấu mặt như các anh nghĩ. Tất cả mọi khả năng đều rất mong manh, nhưng không có cách nào khác ngoài sự chờ đợi và hy vọng. Nếu các anh hành sự non thì lộ cả, cơ sở chết hết, xóm làng tan hoang mà chắc chi đã đúng tên gián điệp cần tìm.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lên đường từ tuổi trẻ thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO