Biến dạng nhà cổ Hội An

KHÁNH LINH 29/10/2019 12:47

Qua khảo sát của Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã đưa ra những con số báo động về sự biến dạng của các di tích nhà cổ trong phố cổ Hội An.

Nhiều ngôi nhà cổ đã bị biến đổi công năng nhằm phục vụ mục đích kinh doanh. Ảnh: K.L
Nhiều ngôi nhà cổ đã bị biến đổi công năng nhằm phục vụ mục đích kinh doanh. Ảnh: K.L
Thay đổi chủ sở hữu

Theo số liệu khảo sát của Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An năm 2018 đối với 100 di tích loại đặc biệt và loại I cho thấy, có đến 98 di tích được tu bổ không đúng với nguyên tắc hoặc tự ý tháo bỏ các cấu kiện bộ phận bên trong, vốn tạo nên cái “hồn” nhà cổ như sân trời, giếng nước, sân vườn, bếp, không gian thờ tự… nhằm mục đích kinh doanh. Cụ thể, trong 100 di tích được khảo sát, số nhà không có hoặc có sân trời bị biến dạng là 40 cái. Chủ yếu được lắp đặt mái che di động bên trên hoặc dùng vật liệu tôn, kính lấy sáng che kín hoàn toàn sân trời… Với các giếng nước, phần lớn bị bịt kín không gian bên trên, hoặc bịt kín một phần. Riêng các sân vườn sự thay đổi thể hiện ở việc xây dựng nới rộng không gian sinh hoạt, các công trình phụ, lắp dựng mái che, lắp đặt các ván sàn nhựa, làm quầy bar phục vụ khách…

KTS.Võ Duy Trung - Trưởng phòng Quản lý khu phố cổ (Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An) nhìn nhận, tính chân xác trong tu bổ di tích hiện nay chỉ dừng lại ở hình thức, kiểu dáng, màu sắc bên ngoài, chưa chú trọng đến tính chân xác vật liệu và phương pháp xây dựng truyền thống. “Sự chuyển hóa không gian sống trong từng di tích đã dẫn đến sự thay đổi nếp sống, giá trị văn hóa ứng xử trong từng ngôi nhà phố cổ. Thay vì trước đây các ngôi nhà tồn tại một hoặc vài thế hệ sống, có không gian thờ tự, sinh hoạt, bếp…, dành một phần không gian phía trước để buôn bán nhỏ, thì nay toàn bộ không gian chỉ để phục vụ cho mục đích kinh doanh, các không gian truyền thống bị tháo dỡ hoặc thu nhỏ, các vật dụng trang trí, trưng bày theo kiểu truyền thống được thay thế bằng các loại vật liệu hiện đại” - ông Trung nói.

Theo ông Trung, nguyên nhân chính là do sự phát triển thương mại du lịch. Ngoài ra, một nguyên nhân không kém quan trọng chính là sự thay đổi chủ sở hữu. “Chủ cũ rời đi, mang theo hoành phi, liễn đối, bàn thờ… Người chủ mới thường cải tạo nội thất di tích cho phù hợp với mục đích sử dụng kinh doanh khiến kiến trúc ngôi nhà thay đổi, chưa kể yếu tố phi vật thể của di tích cũng đã mất đi” - ông Trung phân tích thêm.

Khó có giải pháp khả thi

Báo cáo khảo sát cho thấy, trong 784 di tích thuộc khu vực I phố cổ, có đến 780 di tích được chủ hộ tự kinh doanh buôn bán hoặc cho thuê kinh doanh buôn bán, con số này tăng lên đáng kể trong vài năm qua. Nếu như năm 2005 chỉ 492 di tích thì năm 2014 là 663 di tích; năm 2017 là 753 di tích. Việc chuyển hóa chức năng của các di tích sang phục vụ kinh doanh, nhất là với các căn nhà cho thuê hoặc chuyển nhượng cho người từ nơi khác dẫn đến di sản bị khai thác quá tải. Từ năm 2000 – 2018 có 114 di tích nhà cổ đã được chuyển nhượng, mua bán. Theo quy định, các di tích loại đặc biệt, loại 1, loại 2 hầu như được bảo tồn nguyên vẹn về kiểu dáng kiến trúc bên ngoài, nội thất, không gian bên trong nên những vi phạm trong cơi nới đều bị xử lý. Tùy mức độ vi phạm, số tiền xử phạt có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An thừa nhận, việc cho thuê, chuyển nhượng các ngôi nhà trong phố cổ thuộc quyền dân sự, thành phố khó thể can thiệp. Cách duy nhất hiện nay là Nhà nước mua lại những ngôi nhà đó, nhưng điều này khó khả thi vì số tiền quá lớn, có thể lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Do đó, chỉ còn cách kiểm tra quản lý chặt các trường hợp cơi nới, nhất là với những người thuê nhà buôn bán kinh doanh ảnh hưởng đến cảnh quan di tích. “Sắp đến thành phố sẽ mời những người nơi khác đã mua nhà phố cổ cho thuê kinh doanh yêu cầu phải bố trí người ở ban đêm để trực, vừa rồi có mấy trường hợp nhà cháy do không có người ngủ lại đêm. Những hộ không có người ngủ lại thành phố sẽ không cho kinh doanh” - ông Sơn quả quyết.

Hiện tại, có đến 538/780 di tích được sử dụng kinh doanh các mặt hàng dễ cháy; phần lớn các di tích kiến trúc trong khu phố cổ được xây dựng từ vật liệu gỗ, là loại vật liệu rất dễ cháy, kèm theo việc kinh doanh và trưng bày các mặt hàng dễ cháy quá nhiều và không ngăn nắp, các thiết bị và hệ thống điện chiếu sáng, sinh hoạt trong các di tích quá cũ, quá tải, hết hạn sử dụng, việc đốt nhang, hàng mã khi cúng tại các di tích... là những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ cao về hỏa hoạn. Thống kê trong vòng 7 năm qua có đến 9 vụ cháy lớn nhỏ trong phố cổ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Biến dạng nhà cổ Hội An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO