Hiệu quả từ những tuyến kè sinh thái

TRẦN NGUYỄN 10/01/2020 14:43

Không “vung tiền” kè cứng bằng bê tông cốt thép, gần đây ở hạ du sông Thu Bồn, chính quyền một số địa phương đã đầu tư trồng cây xanh làm lá chắn sinh thái bảo vệ làng mạc, đất đai rất hiệu quả.

Rừng bần ở xã Cẩm Kim sinh trưởng phát triển tốt. Ảnh: N.T.H
Rừng bần ở xã Cẩm Kim sinh trưởng phát triển tốt. Ảnh: N.T.H

Một đoạn bờ sông Thu Bồn thuộc thôn Triêm Tây, xã Điện Phương (thị xã Điện Bàn) bây giờ lởm chởm gốc tre và cây đang xanh mơn mởn. Trước đây, vào mùa mưa lũ, tình trạng sạt lở bờ sông, uy hiếp đất canh tác như nỗi lo thường nhật với người dân. Tuy nhiên, nhiều năm qua, làng mạc Triêm Tây  được che chắn an toàn bởi công trình kè sinh thái bằng tre và các loại cây trồng bản địa. Công trình kè sông hoàn toàn không xây dựng bằng bê tông, đá, cốt thép mà sử dụng vật liệu tự nhiên và cây trồng bản địa rất thân thiện với môi trường.

Theo Sở Tài nguyên – môi trường, trong điều kiện nguồn lực eo hẹp, thay vì dùng kè cứng, tốn nhiều chi phí mà vẫn có nguy cơ nứt gãy, phá hủy cảnh quan thì dự án kè sông Thu Bồn, đoạn qua thôn Triêm Tây  sử dụng kè sinh thái với nhiều lợi ích, cần được nhân rộng trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến khó lường như hiện nay.

Cũng ở hạ lưu sông Thu Bồn, năm 2018, tại thôn Phước Trung (xã Cẩm Kim), chính quyền TP.Hội An thử nghiệm kè sinh thái bằng cây xanh kéo dài 437m, tạo thành lá chắn xanh giữ đất rất hiệu quả. Một hành lang xanh gồm rừng bần, dương liễu, cỏ bói hiện nay đang phát triển, sinh trưởng tốt. Thấy hiệu quả ban đầu, năm 2019, địa phương quyết định đầu tư thêm 900m kè sinh thái nối với tuyến kè thí điểm. Công trình được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm áp lực về dòng chảy ven bờ, giảm tình trạng xâm thực đất canh tác của “ốc đảo” Cẩm Kim.

Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An quả quyết, đoạn sông Thu Bồn qua xã Cẩm Kim trước cũng trồng thử cây dừa nước nhưng không sống được do vùng này là vùng đất cát. Nhiều sông của tỉnh có thể trồng theo mô hình xen kẽ rừng bần, dương liễu, cỏ bói này để giữ đất, giữ mạch nước ngầm, chống xói lở hiệu quả mà suất đầu tư không cao. Trong khi đầu tư kè cứng bằng bê tông mỗi mét tốn kém từ 45 - 50 triệu đồng, thì kè sinh thái như TP.Hội An đang thử nghiệm ở thôn Phước Trung (xã Cẩm Kim) chỉ tốn mỗi mét 10 triệu đồng. Lãnh đạo chính quyền TP.Hội An cho biết, thành phố có kế hoạch thiết lập nhiều đoạn kè sinh thái để bảo vệ các khu vực dễ bị sạt lở nhất ở các làng Cẩm Kim và Cẩm Nam dọc theo sông Thu Bồn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiệu quả từ những tuyến kè sinh thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO