Hợp tác quốc tế trong bảo tồn Khu sinh quyển Cù Lao Chàm

KHÁNH LINH 20/06/2019 10:16

(QNO) - Qua hơn 10 năm kể từ khi Cù Lao Chàm - Hội An được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới, thông qua nhiều dự án, nghiên cứu, hàng chục cá nhân, tổ chức quốc tế đã đến hỗ trợ, giúp đỡ bảo tồn, phát huy hiệu quả Khu dự trữ sinh quyển thế giới này.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An. Ảnh: Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An. Ảnh: Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

Đồng hành

Theo bà Trần Thị Hồng Thúy - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, từ khi được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới, đơn vị có nhiều điều kiện kêu gọi, vận động các tổ chức quốc tế hỗ trợ, tư vấn về kỹ thuật, chuyên môn để thực hiện hiệu quả những đề án, dự án trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.

Có thể kể đến như dự án “Cộng đồng tham gia phục hồi tự nhiên và khai thác bền vững cua đá Cù Lao Chàm” (Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF)); phối hợp với Chương trình rừng ngập mặn cho tương lai (MFF) khởi động các dự án đánh giá sức chống chịu và khả năng thích ứng của cộng đồng với biến đổi khí hậu tại TP.Hội An. Ngoài ra hợp tác với Học viện Kinh tế môi trường - Đại học Aarhus (Đan Mạch), Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Tổ chức World Learning Inc, Trường Đại học Virije Brussel (Bỉ)...

“Trong 10 năm qua rất nhiều tổ chức quốc tế đã đến làm việc, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, kể cả tài trợ kinh phí, giúp chúng tôi triển khai nhiều công việc chuyên môn tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Điển hình có thể kể đến dự án của Chính phủ Đan Mạch hỗ trợ, giúp đỡ về bảo tồn rùa biển. Tôi cho rằng đây là một dự án rất hiệu quả” - bà Thúy cho biết.

Thông qua sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, hệ động thực vật biển Cù Lao Chàm đã được phục hồi phát triển tốt. Ảnh: Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm
Thông qua sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, hệ động thực vật biển Cù Lao Chàm đã được phục hồi phát triển tốt. Ảnh: Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

Cũng theo bà Thúy, hợp tác quốc tế không chỉ giúp đơn vị tranh thủ được sự hỗ trợ trực tiếp và hiệu quả của các đối tác nước ngoài thông qua các dự án được triển khai, mà còn góp phần quan trọng nâng cao trình độ và năng lực quản lý, năng lực chuyên môn cho cán bộ khu bảo tồn. Điều đó được minh chứng qua việc phục hồi và nuôi cấy thành công rạn san hô. Hiện tại, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm là đơn vị có khả năng trực tiếp thực hiện việc nuôi cấy nhân tạo rạn san hô, đây là vấn đề rất khó đòi hỏi trình độ kỹ thuật cũng như tính chuyên nghiệp cao.

Vai trò quan trọng

Ông Daniel Lopez - Giám đốc dự án Trường Sơn Xanh (Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ) nhìn nhận, thời gian qua sự hợp tác giữa các bên liên quan rất tích cực, kể cả đối với người dân cũng sẵn sàng tham gia vào dự án. Từ tháng 2.2017 dự án Trường Sơn Xanh bắt đầu triển khai trên địa bàn hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, mục tiêu nhằm hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng, giảm áp lực lên các tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học.

Tại Cù Lao Chàm, dự án Trường Sơn Xanh đã hỗ trợ khảo sát về đa dạng sinh học, chuẩn bị dự liệu cho những người ra quyết định có đủ cơ sở về khoa học và thông tin cho các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đặc biệt, dự án đã hỗ trợ thành lập các nhóm cộng đồng nhỏ gắn với nâng cao năng lực cho các nhóm cộng đồng này tiến hành những cuộc tuần tra về bảo vệ đa dạng sinh học cũng như diện tích rừng Cù Lao Chàm.

“Chúng tôi chọn Cù Lao Chàm, ngoài những giá trị cần được bảo tồn thì đây là nơi hiện phát triển rất nhanh. Do đó, khi thông tin về đa dạng sinh học Cù Lao Chàm được số liệu hóa, tư liệu hóa sẽ là nền tảng rất tốt về mặt khoa học để áp dụng vào công tác bảo tồn và phát triển của địa phương” - ông Daniel Lopez nói.

Hợp tác quốc tế giúp Cù Lao Chàm được bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị. Ảnh: KHÁNH LINH
Hợp tác quốc tế giúp Cù Lao Chàm được bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị. Ảnh: KHÁNH LINH

Theo PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi (Đại học Quốc gia Hà Nội), những thành tựu Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm đạt được hôm nay không thể thiếu sự đồng hành của các tổ chức quốc tế. Điều đó thể hiện xuyên suốt từ quá trình tham gia, phát hiện ra những giá trị đến việc xây dựng bộ hồ sơ hoàn chỉnh để vinh danh toàn cầu Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An, kể cả hỗ trợ quản lý sau khi được công nhận danh hiệu này. Tất cả đều có dấu ấn của sự hợp tác quốc tế.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định, trong điều kiện ngân sách của tỉnh, thành phố còn eo hẹp thì sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế rất quan trọng, nhất là những hỗ trợ về nguồn lực tri thức. Thông qua sự giúp đỡ, tư vấn, khuyến nghị của các nhà khoa học trong và ngoài nước đã giúp đội ngũ cán bộ, kỹ thuật địa phương tiếp cận tri thức, nâng cao kỹ năng và phương pháp làm việc, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn biển.

“Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An rất may mắn khi có được sự quan tâm giúp đỡ của nhiều tổ chức quốc tế. Thời gian đến, chắc chắn đây cũng là kênh quan trọng trong tổ chức thực hiện những nhiệm vụ của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm” - ông Hùng chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hợp tác quốc tế trong bảo tồn Khu sinh quyển Cù Lao Chàm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO