Ngày 29.3.1975 - ngày cuối cùng của chiến tranh, ngày đầu tiên của hòa bình - với người Đà Nẵng là trang ký ức không thể nào quên. Bao cuộc đời, bao số phận đã vĩnh viễn đổi thay từ đó. Chứng kiến những giờ khắc lịch sử ấy, nhiều người dân bình thường vẫn còn mang một ký ức sống động.
Từ việc ghi chép lại những ký ức của nhiều người dân thành phố, chúng tôi cảm nhận nỗi buồn xen lẫn với niềm vui, hạnh phúc đoàn tụ xen lẫn chia ly mất mát. Đã 46 năm, mọi thứ qua đi hết để sau tất cả chỉ còn lại những cảm xúc thật con người.
1. NHÀ BÁO TRẦN TRUNG SÁNG, NĂM 1975 LÀ SINH VIÊN VĂN KHOA. GIA ĐÌNH ANH SỐNG NGAY NGÃ TƯ HÙNG VƯƠNG - PHAN CHÂU TRINH, TỪ NƠI ĐÂY ANH ĐÃ CHỨNG KIẾN NGÀY CHIẾN TRANH CHẤM DỨT.
Đầu tháng 3 tôi từ Đại học Đà Lạt trở về với gia đình ở Đà Nẵng. Lúc đó thành phố vô cùng chộn rộn, sinh viên học sinh bỏ học ngồi la liệt trong quán xá, và lính nữa, lính mặc đồ sơ vin từ các đơn vị xa về ngồi uống cà phê bàn tán xôn xao chuyện chiến tranh. Bắt đầu vang lên những ca khúc da vàng của Trịnh Công Sơn: “Huế - Sài Gòn - Hà Nội quê hương ơi sao vẫn còn xa? Huế - Sài Gòn - Hà Nội bao nhiêu năm sao vẫn thờ ơ?…”.
Bạn thân của ba tôi là hiệu buôn Sanh Lợi phía nhà đối diện dự định nếu thấy dấu hiệu quá căng thẳng thì gia đình ông sẽ chạy hết qua nhà tôi, sẽ ở trong đó và đóng cửa lại. Lính tráng đã bỏ ngũ về thành phố, càng cận ngày càng hỗn loạn. Điện thoại còn liên lạc được chút ít thì người ta gọi cho nhà cầm quyền kêu cứu, không thấy ai trả lời.
Ngày 28.3, một chiếc quân xa của quân cảnh còn xuất hiện trên đường phố Đà Nẵng, ló lên tầng trên cùng là một ông trung tá quân cảnh, giữa những người lính chĩa súng ra xung quanh, ông cầm loa phóng thanh kêu gọi tất cả binh lính của chế độ Việt Nam cộng hòa bỏ súng xuống, ai còn mang súng là bắn tại chỗ. Xe chạy cả ngày ngang qua đường Hùng Vương, nhờ vậy mà giảm bớt tình trạng hỗn loạn.
Gia đình tôi đóng cửa. Nhiều nhà lớn đã bỏ đi Sài Gòn. Lúc đó nghe tin ngoài Huế giải phóng rồi. Người ta đoán là Đà Nẵng cũng sắp rồi...
Buổi sáng ngày 29.3…
Không khí quá sức căng thẳng. Khoảng 11 giờ có một chiếc xe máy đi ngang qua: “Quân Giải phóng sắp vô rồi”. Người dân nôn nao muốn chấm dứt chiến tranh, một số ra đường nhìn, sự chờ đợi ngột ngạt căng thẳng...
Rồi lần lượt các lá cờ Phật giáo đi trước, họ đi một vòng và nói sắp hòa bình rồi, đề nghị bà con bình tĩnh. Họ đi qua và bất cứ ai mặc đồ gì, kể cả mặc đồ lính rằn ri của chế độ cũ, ngồi trên xe jeep mà cắm lá cờ Phật giáo thì dân họ cũng hoan hô…
Và những chiếc xe bộ đội bắt đầu vô. Nối đuôi xe bộ đội là xe lính Việt Nam cộng hòa cắm cờ Phật giáo. Xen lẫn cờ Phật giáo là cờ Giải phóng, cờ Mặt trận miền Nam, cờ đỏ sao vàng lần lượt đi vô thì lúc đó tôi cảm thấy đúng là hòa giải rồi, hòa hợp rồi, và hòa bình đã đến...
Một cảnh tượng mà trong đời mình chưa bao giờ thấy, như tiểu thuyết của Erich Maria Remarque (được cho là nhà văn viết về chiến tranh hay nhất trong nền văn học thế giới), thật hưng phấn lạ lùng: “Ta đã thấy gì trong đêm nay/ Cờ bay trăm ngọn cờ bay/ Sông núi loan tin đến mọi miền/ Gió hòa bình bay về muôn hướng...”.
2. ANH VÕ NHẬT NAM - TỪ LÀNG QUÊ Ở THĂNG BÌNH ANH CHẠY RA ĐÀ NẴNG TRÁNH CẢNH CHIẾN TRANH KHỐC LIỆT. NĂM 1975, ANH ĐANG PHẢI KHAI GIAN TUỔI ĐỂ TRỐN QUÂN DỊCH.
Tháng 3, tin đồn từ Nha Trang trở vô là của Nguyễn Văn Thiệu còn từ Nha Trang trở ra là của cộng sản, từ đó người ta rùng rùng chạy.
Ở kho gạo ở trên ngã ba Cai Lang người ta bắn súng giành giật phá kho gạo đem về nhà. Mình cứ nghĩ như hồi xưa ở trong quê, giải phóng rồi là máy bay sẽ ném bom ca nông bắn tới nên cũng cần dự trữ lương thực. Tôi chạy ra kiếm bao gạo để mà thủ. Khi đến nơi thì hỗn loạn, người ta mạnh ai nấy rinh. Những bao gạo chất cao quá thì đâu có ai trèo lên được, thế là lấy súng bắn cái bao dưới, đổ gạo xuống thì người ta chạy vô khiêng ra.
Lúc đó khoảng 9, 10 giờ sáng, người ta nói với nhau, quân Giải phóng sắp vô rồi. Tôi chạy qua chùa Tân Hòa, lính nó bỏ súng đầy ở đó. Tôi lấy một khẩu súng. Tôi nghe bộ đội vô tới Nam Ô, tôi lấy xe cadi chạy lên trên đó. Tay tôi đeo băng đỏ, tôi dẫn bộ đội vào thành phố.
Hai bên đường người dân vẫy tay chào, nhất là xuống ngay chỗ Dũng Sĩ Thanh Khê, người ta đứng hết ra đường vẫy tay chào quân Giải phóng và quân Giải phóng ngồi trên cũng vẫy tay chào đồng bào mình. Cái xe Zinc 54 chở đầy lính, trên thùng cũng có trên mui cũng có trên trần cũng có...
Không còn sợ bắt lính nữa, chiến tranh đã kết thúc rồi. Năm 1977 tôi nhập ngũ, cuối năm sau tôi đi chiến trường K.
3. BÁC SĨ NGUYỄN VĂN VÂN NĂM 1975 MỚI NHẬP HỌC ĐẠI HỌC Y KHOA HUẾ ĐƯỢC 2 TUẦN. ANH LÀ CON TRAI ÔNG CHỦ HÃNG DẦU NHỚT SHELL CHUYÊN CUNG CẤP DẦU CHO PHI TRƯỜNG ĐÀ NẴNG. NGÀY 27.3 ANH CÙNG GIA ĐÌNH RA SÂN BAY DI TẢN VÀO SÀI GÒN NHƯNG KHÔNG ĐI ĐƯỢC.
Nói chạy vì sợ cộng sản thì không đúng. Tôi nghe đài Hà Nội từ lúc học đệ tam đệ tứ, nghe để biết, quan tâm đến chính trị. Hàng năm Bác Hồ đọc thư chúc tết, bố nghe, tôi nghe. Vì vậy không có khái niệm sợ cộng sản, chạy là để thoát ra khỏi vùng máu lửa thôi.
Chúng tôi nghe ngóng tiếng phi cơ lên xuống như những tia hy vọng của người sắp chết đuối. Khi phi cơ dần hạ cánh xuống phi đạo, người ta ùa ra hỗn loạn, phi cơ không dừng lại mà quay đầu ra bay thẳng, hai chiếc. Đêm hôm đó có một người mặc đồ lính không quân chạy chiếc 67 ngang qua: “Bà con ơi, chuẩn bị có pháo kích đó nghe, cứ 10 phút một quả, 10 phút một quả.”
Ai cũng tưởng anh này nói giỡn, không ngờ chừng 15 phút sau thì y như rằng, đạn hỏa tiễn 130 ly xé gió nổ vang sáng cả vùng trời. Tiếng phi cơ phản lực gầm ré, ai cũng tưởng rằng họ bay lên để oanh tạc các ổ pháo kích nhưng tất cả đều sai lầm. Các phi công và bộ chỉ huy không quân đã tháo chạy với mọi loại phi cơ ngay trong đêm. Sáng hôm sau thì hết hy vọng.
Ba tôi quyết định cả nhà phải ra về. Chúng tôi như một đoàn quân chiến bại, dơ bẩn, nhếch nhác đi bộ rời khỏi phi trường. Trên đường ra nhiều xác chết của người lớn lẫn trẻ con nằm hai bên vệ đường, hành lý đồ đạc tung tóe ngổn ngang.
Hai đêm một ngày chờ đợi di tản thì lo lắng hoảng loạn, lúc không đi được trở về nhà, lại thấy bình yên. Còn sống, con cái còn đầy đủ, OK, bình yên. Cuộc chiến đã chấm dứt và con người không còn bị đe dọa bởi chiến tranh nữa. Hòa bình đã đến như vậy đó…
Nhà tôi vẫn ở Đà Nẵng, là quán cà phê mang tên “Những ngày đã cũ”, bây giờ thì đúng là “Những ngày đủ cả” vì cái gì cũng có.
4. NGHỆ NHÂN LÊ NGUYÊN VỸ - NĂM 1975 LÀ LÍNH VIỆT NAM CỘNG HÒA.
Khi quân đội miền Nam từ các nơi túa về Đà Nẵng trong những ngày cuối thì bà con hoang mang, người ta chạy. Tôi móc ví ra lấy toàn bộ giấy tờ vứt xuống lỗ cống. Không muốn rời Đà Nẵng, tôi muốn chứng kiến ngày kết thúc cuộc chiến như thế nào.
Tôi nhìn thấy một người lính địa phương quân đeo một khẩu súng Carbine M2. Không nói một lời, anh tới ngay bờ sông, bắn từng viên đạn xuống dưới sông, bắn chậm rãi, mặt lạnh tanh vô hồn. Bắn hết đạn thì cởi hết đồ đạc ra vứt xuống sông và anh quay lưng đi, một cách giã từ vũ khí triệt để. Sự kết thúc của cuộc chiến nó dồn về người lính đó. Người ta coi đó là một giai đoạn đến lúc phải kết thúc và muốn buông hết tất cả mọi cái không muốn dính líu gì nữa cả...
Sau khi quân Giải phóng vào thì tối ngày 29, cái nhà mà tôi tạm trú đó là điểm dừng của một đơn vị bộ đội trên đường vào Nam. Đêm đó bên chiếc bàn hình chữ nhật, tôi là người lính miền Nam, một người bạn tôi là lính không quân, một người bạn nữa là lính địa phương quân, bên kia là 3 anh bộ đội Giải phóng.
Người mà chúng tôi trao đổi nhiều - anh xưng tên là Thanh - phóng viên đài Giải phóng. Trên bàn có mấy gói thuốc, bọn tôi hút quân tiếp vụ, captan, thuốc bên kia là Điện Biên, Phù Đổng. Đêm đó tôi nói rằng anh em mình trước đây gặp nhau là phải bắn nhau thôi, nhưng bây giờ nó qua rồi…
Chúng tôi nói chuyện rất vui. Anh chàng đó hát cái bài “Thuyền hạnh phúc” vừa hát vừa đệm guitar. Hát và nói cho nhau nghe những điều bình thường, về những vụn vặt trong đời sống cá nhân, về âm nhạc về thi ca, và tôi cho rằng cái ngày đó đối với tôi, với một số bạn bè có mặt hôm đó, là một khoảng thời gian đáng nhớ nhất, dễ thương nhất, khi người lính miền Nam và người lính miền Bắc ngồi lại với nhau, và chúng tôi “trần truồng” nói chuyện với nhau không qua một lớp áo lớp quần nào cả.