Những công bộc của dân...

PHƯƠNG GIANG 03/02/2021 06:58

Đã tươi lại những gương mặt người. Vết lũ, dù còn ngổn ngang khắp chốn, nhưng những bếp lửa đủ ấm trong căn nhà tạm, toan lo chuyện cái ăn, cái mặc đã thôi không còn ám ảnh. 

Ông Lưu Huyền Thoại (trái) khảo sát địa điểm bố trí tái định cư cho người dân tại thôn 6 xã Phước Lộc. Ảnh: T.C
Ông Lưu Huyền Thoại (trái) khảo sát địa điểm bố trí tái định cư cho người dân tại thôn 6 xã Phước Lộc. Ảnh: T.C

Nỗi lo lắng đã yên, nhưng những cuộc đi về làng thì chưa dừng lại với họ, những người cán bộ cơ sở tận tụy trong thầm lặng. Trước, trong và sau lũ, họ đã ở đó, cùng với bà con. Và giờ, vẫn là họ, với tinh thần đảng viên, như điểm tựa của niềm tin để đi qua gian khó.

Luôn có mặt với bà con

Mình là công bộc của dân, phải lo cho dân trước... Việc chọn hay không chọn lúc đó không còn quan trọng nữa, vì bà con đã quá khổ rồi, mình không thể vì chuyện riêng tư mà gác lại nỗi lo chung. Chẳng ông bố nào muốn vắng mặt khi đứa con mình chào đời, nhưng mình tin gia đình hiểu. Vậy là đủ rồi!”. (Ông Lưu Huyền Thoại - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, Phước Sơn)

Ông Lưu Huyền Thoại - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc (Phước Sơn) bước phăm phăm qua đống sình lầy sạt lở, đi về phía thôn 6. Bóng tối đổ xuống nhanh, chúng tôi bám theo cái bóng trắng nhờ nhờ của ông Thoại, thở hụt hơi. Ánh lửa hắt ra từ phía căn nhà tạm, ba tiếng đồng hồ đi liên tục, cuối cùng, chúng tôi cũng đặt chân đến làng.

Đó đã là chuyến đi thứ mười một của ông Thoại, kể từ cuối tháng 10, sau bão số 9. Đủ chuyện để lo, khi thì chỉ đạo công tác tìm kiếm người mất tích, khi thì mang vác lương thực, thực phẩm cho dân, rồi chỉ đạo dựng nhà tạm, khảo sát mặt bằng. Vào, rồi trở ra lo chuyện tiếp nhận hàng cứu trợ, khắc phục sạt lở ở các thôn khác, rồi họp, báo cáo… Mười tám năm thành lập xã, mọi nỗ lực gầy dựng bị bão lũ xóa sổ, đưa Phước Lộc quay về điểm xuất phát. Đội ngũ cán bộ xã quay cuồng trong mớ công việc, hầu như không có khoảng nghỉ.

“Tám năm gắn bó với vùng đất này, chưa bao giờ tôi trải qua khoảng thời gian tồi tệ như mùa mưa bão năm vừa rồi. Mọi thứ diễn tiến quá bất ngờ. Suốt tháng ròng tôi ở lại với bà con. Mừng vì mình kịp có mặt ở nơi khốn khó kiệt cùng nhất, trong thời điểm căng thẳng nhất, là thôn 6. Ngay khi nhận thông tin, tôi họp cán bộ xã, nói rằng mình sẽ đi vào đó, và đề nghị anh em nào tình nguyện đi, thì theo. Trong 10 ngày đầu tiên, tôi ở luôn đó, cùng với ba cán bộ xã. Cũng không nhớ hết mình đã nói gì, đã tâm sự gì với bà con, nhưng quyết định lúc đó là đúng. Bà con sau này nói lại, hoang mang quá, may mà có anh em cán bộ xã mà họ bình tâm, gắng gượng sống và làm lại” - ông Thoại kể.

Anh Hồ Văn Đoàn, người dân thôn 6, nói với chúng tôi rằng ông Thoại đã thức trắng nhiều đêm khi lần đầu tiên vào với bà con sau vụ sạt lở. Ban ngày, ông chỉ huy lực lượng an táng người đã mất, rồi quay sang tìm kiếm người mất tích. Nhờ có điện thoại vệ tinh, ông gọi ra xã, điều động anh em mang gạo, thức ăn khô, cả bạt che để làm lều tạm, nấu ăn cho dân.

“Sau đêm đầu tiên, ông trả tiền mua một con heo còn sót lại, mổ thịt, cơm nấu từ đống gạo vớt lên từ nước lũ, rau ráu sạn, chia cho từng nhà. Ông gặp từng người, từ già đến trẻ, hỏi thăm bà con cần gì, lo gì. Sau đó thì gọi về để cán bộ xã mang lên, cấp cho từng nhà. Lúc đó hỗn loạn quá, nhờ có ông, có anh em cán bộ mà chúng tôi làm từng việc, từng thứ, có được cái nhà tạm để ở cho đến giờ” - anh Đoàn thuật lại.

Chuyện bây giờ mới kể

Bốn mươi ngày kể từ bão số 9 đổ bộ, Bùi Dương Quốc Anh, cán bộ văn phòng xã Phước Lộc mới trở ra thị trấn Khâm Đức sau thời gian dài “chinh chiến” cùng bà con. Trước bão, vợ anh đang mang thai tháng thứ 8, bỏ lại nồi cơm đã nấu, hai vợ chồng gói ghém vài bộ quần áo và mấy gói mì tôm, đi bộ một tiếng rưỡi đồng hồ lên trung tâm xã sơ tán. Rồi bão đến. Máy bay trực thăng sau đó tiếp cận Phước Lộc để tiếp tế lương thực, vợ anh được đưa lên máy bay về Đà Nẵng.

“Mình không biết diễn tả cảm xúc lúc đó như thế nào. Vợ khóc, mình mừng vì vợ được đưa ra vùng an toàn, nhưng nước mắt cũng chảy. Không đủ thời gian để nghĩ ngợi, mình quay lại với công việc. Sau đó mình lên thôn 6, thay cho anh Thoại ra lại xã để chỉ đạo việc ổn định nơi ở tạm cho hơn 200 người, tiếp nhận và phân bổ nguồn hàng tiếp tế cho các thôn. Việc thì nhiều lắm, cũng đành phó thác chuyện gia đình cho ông bà, người thân, thi thoảng tranh thủ gọi về cho vợ” - Quốc Anh kể.

Ông bố trẻ Quốc Anh kịp có mặt trong khoảnh khắc vợ hạ sinh đứa con đầu lòng, khi mọi việc đã tạm ổn nơi vùng sạt lở. Riêng ông Thoại, phải mất hai tuần sau khi vợ sinh mới được trực tiếp thấy mặt con. Gác lại niềm nhung nhớ, ông đã bám trụ với bà con trong xã, với chính quyền.

“Mình là công bộc của dân, phải lo cho dân trước. Vợ đã buồn, nhưng cũng hiểu và thông cảm cho công việc của mình. Việc chọn hay không chọn lúc đó không còn quan trọng nữa, vì bà con đã quá khổ rồi, mình không thể vì chuyện riêng tư mà gác lại nỗi lo chung. Chẳng ông bố nào muốn vắng mặt khi đứa con mình chào đời, nhưng mình tin gia đình hiểu. Vậy là đủ rồi!” - ông Thoại nói với tôi bên bếp lửa trong căn nhà tạm, khi sương đã giăng đặc, lạnh buốt giữa núi rừng thôn 6.

Bà con đều đã về làng. Bốn mươi ba căn nhà bị xóa sổ, song không ai trong số bà con phải sống màn trời chiếu đất, thiếu ăn, thiếu mặc. Những giấc ngủ ấm trong căn nhà tạm, không còn phải lo lắng về cái tết đang đến gần, khi lương thực, thực phẩm và nhiều hàng quà được phân phát tận tay cho từng người. Phải kể đến những nỗ lực thầm lặng của đội ngũ cán bộ xã, các cấp chính quyền, trong đó có ông Thoại, có Quốc Anh. Cuộc tái thiết vẫn đang tiếp tục. Vẫn là bộn bề công việc phía trước, đang chờ, song trong lòng họ, và cả người dân nơi góc núi Phước Lộc, đã sáng lên những niềm tin.

Họ vẫn đang ở lại, cùng bà con bước qua những khốn khó cực cùng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những công bộc của dân...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO