Tết ông chuồng

HOÀNG THỌ 26/02/2015 08:38

Sau tết, từ mùng 6 đến mùng 10 tháng Giêng, nông dân Thăng Bình lại sắm sửa lễ vật cho tết ông chuồng để tạ ơn thần linh đã bảo vệ vật nuôi trong suốt một năm an lành và cầu mong cho gia súc, gia cầm năm mới được nhanh lớn, không dịch bệnh…

Ở vùng tây Thăng Bình người dân sinh sống chủ yếu dựa vào nghề nông, vì thế mà hầu như gia đình nào cũng có chuồng trại để nuôi nhốt trâu, bò, heo, gà, vịt… Người dân nuôi con trâu, con bò để lấy phân, lấy sức kéo cày, nuôi thêm con heo, con gà để có đồng tiền lo cho con cái ăn học. Theo quan niệm từ thời xa xưa truyền lại, trong mỗi gia đình nông dân, ngoài vị thần giữ nhà thì còn có thần giữ chuồng vật nuôi. Mọi người vẫn thường gọi vị thần này là ông chuồng. Sau khi hết Tết Nguyên đán, các gia đình làm lễ đưa ông bà xong thì lại chuẩn bị hương, hoa, trà, quả để tết ông chuồng. Mâm cúng tết ông chuồng gồm có hương, hoa, trầu cau, bánh, rượu, một bát đường đen cùng vàng mã. Tất cả lễ vật sẽ được bày soạn trên một mâm cúng đặt trang nghiêm trước cổng của chuồng nuôi gia súc, gia cầm, thường thì đặt trước chuồng bò hoặc chuồng trâu. Chủ nhà sẽ thắp hương, châm rượu và vái lạy ông chuồng đã giúp bảo vệ vật nuôi được khỏe mạnh trong năm cũ, đồng thời cũng cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho vật nuôi trong năm mới. Có một điều rất khác biệt giữa tục cúng gia tiên đối với cúng ông chuồng là ở tục cúng ông bà, sau khi thực hiện xong nghi lễ thì giấy cúng, vàng mã sẽ được đốt cháy thành tro để gửi cho gia tiên mang theo, còn ở tục cúng ông chuồng thì giấy vàng mã sẽ được giữ lại và dán lên thanh gỗ trước cổng chuồng trại. Những tờ giấy cúng này được xem như “nồi hương” nơi ông chuồng ngự giá, sau một năm sẽ được thay mới vào ngày tết.

Tục tết ông chuồng ở vùng quê có từ rất lâu đời và được gìn giữ đến hôm nay. Đây là một nét văn hóa tâm linh, thể hiện sự coi trọng của người nông dân đối với đất trời trong việc cầu mong cho vật nuôi được sinh sôi, khỏe mạnh, đồng thời cũng thể hiện rõ sự quan tâm, chăm lo cho những loài vật mà mình nuôi dưỡng. Nhiều người lớn tuổi ở quê vẫn khẳng định, những gia đình nào tổ chức tết ông chuồng thì trong năm đó đàn vật nuôi luôn khỏe mạnh, lớn nhanh, còn những hộ nào không cúng thì vật nuôi chậm lớn, dịch bệnh, có khi trâu, bò bị “khùng” tấn công cả gia chủ. Cho nên dù là tổ chức tết cho vật nuôi nhưng phong tục này cũng rất trang nghiêm, đầy đủ sính lễ. Tục cúng tết ông chuồng chỉ có ở những hộ nông dân nuôi gia súc lấy sức kéo, nuôi gia cầm phục vụ cuộc sống gia đình, còn những hộ chăn nuôi thương phẩm thì không thấy tổ chức. Tuy nhiên, những năm gần đây, do sự phát triển của máy móc, cơ giới phục vụ nông nghiệp nên số lượng nông dân nuôi trâu, bò đã giảm. Vì thế mà tục cúng tết ông chuồng cũng ít được tổ chức. Nhưng với nhiều gia đình thì tục lệ này không thể bỏ qua mỗi độ tết đến, xuân về.

HOÀNG THỌ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tết ông chuồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO