Dấu ấn tái định cư

ĐĂNG NGUYÊN 20/03/2020 09:23

Hôm qua 18.3, Đảng bộ xã Za Hung (Đông Giang) tổ chức Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đảng bộ xã lần thứ VI, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, địa phương còn để lại dấu ấn trong công tác quy hoạch, bố trí và sắp xếp dân cư cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Khu tái định cư Axanh (thôn Kà Dâu) - một trong những dấu ấn của nhiệm kỳ lần thứ VI Đảng bộ xã Za Hung. Ảnh: Đ.N
Khu tái định cư Axanh (thôn Kà Dâu) - một trong những dấu ấn của nhiệm kỳ lần thứ VI Đảng bộ xã Za Hung. Ảnh: Đ.N

Chú trọng an cư

Là một trong những địa phương của huyện Đông Giang làm tốt công tác quy hoạch, bố trí và sắp xếp dân cư miền núi theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh, xã Za Hung cơ bản đã hoàn thiện việc bố trí định cư, đảm bảo an toàn chỗ ở cho đồng bào trước hiểm họa của thiên tai, bão lũ. Đây được xem là dấu ấn của Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ trước, thực hiện theo chủ trương đồng bộ hóa việc sắp xếp dân cư miền núi gắn với quy hoạch đất sản xuất.

Ông Bh’nướch Bíp - Chủ tịch UBND xã Za Hung cho hay, do địa hình đồi núi phức tạp, sông suối dày đặc nên nhiều năm qua tình trạng sạt lở đất thường xuyên xảy ra, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, ăn ở của người dân địa phương.

Năm 2018, từ chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh, xã Za Hung đã thực hiện việc bố trí, sắp xếp chỗ ở ổn định cho hàng trăm hộ dân tại 2 khu tái định cư Xà Nghìr và Axanh (thôn Ka Dâu). Đồng thời sắp xếp tại chỗ nhiều ngôi nhà, đảm bảo theo các tiêu chí về xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, giúp người dân yên tâm sinh sống.

Để triển khai hoàn chỉnh mặt bằng dân cư tại Xà Nghìr và Axanh, bên cạnh hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương còn trực tiếp vận động người dân hiến hơn 4,76ha đất, đảm bảo các điều kiện bố trí đất ở, đất để xây dựng trường học, các công trình giao thông, nước sinh hoạt…

“Bây giờ, người dân đã chuyển về sinh sống ổn định tại khu định cư mới. Nhà cửa, vườn tược, khu sản xuất, chăn nuôi đều đảm bảo nên bà con rất an tâm. Nhiều hộ gia đình cũng đã bắt đầu chuyển đổi mô hình làm ăn, mở tiệm tạp hóa, thu mua hàng nông sản của bà con trong vùng, thu nhập khá ổn định” - ông Bíp chia sẻ.

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, xã Za Hung đã đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho 25 cán bộ xã (trong đó 24 đại học và 1 cao đẳng); 1 cán bộ có trình độ chính trị cao cấp, 6 trình độ trung cấp và 3 sơ cấp. Ngoài ra, công tác phát triển đảng viên luôn được chú trọng, nhiệm kỳ qua đã phát triển 26 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ lên 128 đồng chí. 

Cũng theo ông Bíp, bên cạnh triển khai đồng bộ các khu tái định cư, ổn định chỗ ở cho đồng bào địa phương, chính quyền xã còn chú trọng đến việc xây dựng hạ tầng cơ sở, góp phần hoàn thiện nhiều hạng mục công trình dân sinh ý nghĩa, tạo bước chuyển mới trong diện mạo nông thôn miền núi.

Năm năm qua, cùng với sửa chữa, xây mới 22 công trình thủy lợi và nước sinh hoạt, xã Za Hung còn hoàn thiện tuyến đường bê tông và nâng cấp trạm y tế xã cùng một số điểm trường liên thôn, liên xã.

Nâng chất lượng cuộc sống

Bí thư Đảng ủy xã Za Hung - ông Alăng Cung cho rằng, song hành với chủ trương tái định cư và nâng cấp các hạng mục công trình hạ tầng cơ sở, dấu ấn của nhiệm kỳ cũ còn được thể hiện bởi diện mạo nông thôn, cũng như chất lượng cuộc sống của đồng bào địa phương. Trong đó, việc thực hiện 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 không chỉ giúp hoàn thiện các mục tiêu phát triển, mà còn định hướng việc quy hoạch lộ trình mới phù hợp với điều kiện thực tế.

“Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã tập trung lãnh đạo, triển khai cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch, các biện pháp tổ chức thực hiện và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Từ các nguồn vốn hỗ trợ lồng ghép, chúng tôi đã hỗ trợ 74 con bò sinh sản, gần 153 nghìn cây keo, 60 nghìn cây quế và hơn 27 nghìn cây sâm ba kích tím giúp người dân cải thiện sinh kế, mở hướng thoát nghèo. Sau vài năm triển khai, đến nay, nhiều hộ gia đình như Avô Crứt, Alăng Ngâu, Bh’nướch Mau, Bh’nướch Mích… đã trở thành tấm gương điển hình trong lao động sản xuất, góp phần vào công cuộc giảm nghèo hiệu quả tại địa phương” - ông Cung nói.

Sau chủ trương sáp nhập thôn được triển khai, để đảm bảo công việc quản lý, điều hành, bên cạnh bố trí chức danh cán bộ thôn đảm bảo theo tiêu chuẩn về năng lực và có uy tín trong cộng đồng, Ban Thường vụ Đảng ủy xã còn phân công trực tiếp các đồng chí trong cấp ủy phụ trách theo dõi công việc ở thôn và chi bộ.

Sự xông xáo, nêu gương của cán bộ thôn trong cộng đồng dân cư đã giúp giải quyết được nhiều sự việc nội bộ quan trọng, cũng như khuyến khích được nhiều hộ gia đình mạnh dạn làm ăn, mở hướng thoát nghèo bền vững với tỷ lệ bình quân mỗi năm khoảng 6%.

“Trong nhiệm kỳ qua, toàn xã có 82 hộ thoát nghèo và 5 hộ thoát cận nghèo. Điều đáng mừng, là trong nhiều năm cả xã không có hộ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 33,23%, giảm 29,53% so với đầu nhiệm kỳ và đạt 86,77% so với chỉ tiêu đại hội đề ra. Thu nhập bình quân ước đạt 25,4 triệu đồng/người/năm và 100% người dân địa phương tham gia bảo hiểm y tế” - ông Cung cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu ấn tái định cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO