Phòng tránh kiến ba khoang

CHÂU NỮ 27/05/2020 11:47

Gần đây kiến ba khoang xuất hiện tương đối nhiều ở Quảng Nam. Tuy nhiên, do xuất hiện trái mùa (kiến ba khoang thường xuất hiện vào mùa mưa) nên nhiều người chủ quan và không điều trị kịp thời khi bị kiến đốt, dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

Thương tổn do độc tố của kiến ba khoang. Ảnh: YTDP
Thương tổn do độc tố của kiến ba khoang. Ảnh: YTDP

Mới đây, bà P.T.N. (ở Quế Xuân 2, Quế Sơn) bị kiến ba khoang đốt nhưng không biết, nhầm tưởng là kiến thường, không điều trị kịp thời, dẫn đến viêm da. Bác sĩ Mai Xuân Sơn  - Khoa ngoại Laser - Chăm sóc da thẩm mỹ (Bệnh viện Da liễu Quảng Nam) cho biết, kiến ba khoang (còn gọi là kiến khoang, kiến kim, kiến gạo, cằm cặp,  kiến nhốt, kiến cong…) có các khoang đen - vàng cam xen kẽ, dài khoảng 1cm. Kiến ba khoang có chứa độc tố pederin, độc tính mạnh. Kiến ba khoang thường xuất hiện vào mùa mưa hoặc thời điểm giao mùa. Tuy nhiên do môi trường sống bị ảnh hưởng, Quảng Nam đang bước vào vụ gặt, kiến ba khoang không có nơi ẩn náu nên thường xuất hiện trong các khu dân cư, khu chung cư.

Bác sĩ Mai Xuân Sơn nói, biểu hiện khi bị kiến ba khoang đốt khá giống với bệnh zona thần kinh nên nhiều lầm tưởng và điều trị bệnh zona, đến khi bị biến chứng mới đến bệnh viện. Độc tố của kiến ba khoang khiến da bị phồng rộp, nổi mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti. Người bệnh có cảm giác bỏng rát ở vùng da nơi kiến ba khoang đốt; có người bị sốt nhẹ, hoặc bị biến chứng, gây viêm da toàn thân. Vùng da bị kiến ba khoang đốt để lại vết thâm lâu ngày. Trong khi đó, bệnh zona thường có dấu hiệu báo trước như đau nhức dọc theo dây thần kinh hoặc nơi vùng da sắp nổi thương tổn, tổn thương cơ bản là các mụn nước, mọc thành chùm ở một bên cơ thể.

Để phòng tránh kiến ba khoang, bác sĩ Sơn khuyến cáo: “Người dân cần vệ sinh phòng ở sạch sẽ, thoáng mát; hạn chế mở cửa. Kiến ba khoang thích ánh sáng điện nên hạn chế hoặc tắt các bóng điện vào ban đêm. Đồng thời kiểm tra và giũ sạch khăn mặt, quần áo trước khi dùng, giũ sạch chăn chiếu trước khi ngủ. Người làm đồng cần trang bị phương tiện bảo hộ lao động”. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng khuyến cáo biện pháp xử trí khi kiến ba khoang tiếp xúc với cơ thể: Nếu đã tiếp xúc (hoặc nghi ngờ tiếp xúc) với kiến ba khoang, không dùng tay trần để bắt, giết, miết kiến ba khoang. Bắt kiến ba khoang ra khỏi da bằng cách thổi hoặc đặt một tờ giấy cho kiến bò lên và lấy ra khỏi người. Khi tiếp xúc với kiến ba khoang, đeo găng tay hoặc dùng giấy mềm lót. Nếu lỡ lấy tay đập hoặc chà xát kiến ba khoang trên da, phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý; tránh đưa tay đã tiếp xúc với kiến chạm vào các vùng da khác. Khi bắt đầu thấy rát ở một vùng da có thể rửa vùng đó bằng nước muối loãng, xà phòng... chú ý các biểu hiện để khám bác sĩ da liễu khi cần thiết. Khi phát hiện có kiến ba khoang ở khu vực làm việc, sinh sống, nên liên hệ với đơn vị y tế chuyên trách (các viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng, các trung tâm y tế dự phòng địa phương) để được hướng dẫn và phối hợp xử lý.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng tránh kiến ba khoang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO