Ngày 25/8 tới, Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Quế Sơn) kỷ niệm 40 năm thành lập (1984 - 2024). Trải qua chặng đường xây dựng và phát triển, ngôi trường vinh dự mang tên Tổng Bí thư trẻ nhất của Đảng đã đóng góp rất lớn trong nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước.
Hành trình vượt khó
Trong ký ức của các thế hệ thầy cô giáo và học trò giai đoạn Trường THPT Nguyễn Văn Cừ mới thành lập, ấn tượng đến giờ vẫn còn nhắc mãi mỗi khi gặp nhau là câu chuyện “vừa học, vừa làm” và những chuyến thầy trò dắt nhau lên núi trồng cây hay vào lò vác gạch.
Theo lời kể của thầy Lê Duy Phát - Hiệu trưởng đầu tiên của trường (giai đoạn 1984 - 1993), không thể nào quên những chuyến lao động trồng cây gây rừng trong mùa mưa gió, cả trường hành quân lên núi trong khí thế hừng hực lửa nhiệt tình. Đêm xuống, thầy trò căng bạt ngủ giữa những đồi trọc lạnh giá…
Khai giảng khóa đầu tiên vào tháng 9/1983 với 166 học sinh (HS) lớp 10 nhưng đến tháng 1/1984 trường mới được UBND tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng (cũ) ký quyết định thành lập với tên gọi Trường PTTH vừa học vừa làm Nguyễn Văn Cừ.
Năm nay đã 95 tuổi, ông Trần Ngọc Du (ở xã Quế Phú ) kể thời điểm đó, con em vùng Đông của huyện Quế Sơn gồm các xã Quế Xuân, Quế Phú, Quế Mỹ, Quế Cường muốn học cấp 3 phải khăn gói đi xa, như ra Trường THPT Sào Nam (Duy Xuyên), vào Trường THPT Tiểu La (Thăng Bình) hay lên Trường THPT Quế Sơn nên khi có quyết định thành lập trường, người dân rất vui mừng.
“Tôi hồi đó làm Giám đốc Xí nghiệp gạch ngói Nam Sơn - một trong những xí nghiệp gạch ngói nổi tiếng nhất cả tỉnh. Với mong muốn góp chút ít sức mình cho ngôi trường cấp 3 đầu tiên của địa phương, tôi quyết định cho người chở gạch ngói hỗ trợ cho trường, không chờ kế hoạch, tiền nong chi hết mà trường hồi đó cũng chẳng có tiền để trả” - ông Du kể.
Còn anh Lê Văn Duy - cựu HS khóa 2 (niên khóa 1984 -1987) nhớ lại: “Thời ấy hàng năm mỗi học trò phải nộp cho trường kẹp gai tre (chiều ngang tầm 1,2m, cao tầm 1,5m) dùng để làm hàng rào chung quanh ngôi trường.
Rất vất vả cho các bạn ở xa, kéo được kẹp gai tre từ nhà đến trường bằng xe đạp là cả một vấn đề không đơn giản. Ngoài ra, chúng tôi còn vào bãi cát Hương An chở cát về cho trường để xây dựng phòng học. Đó là những kỷ niệm khó quên!”.
Không chỉ bước khởi đầu khó nhọc, hành trình phát triển của trường cũng trải qua không ít thăng trầm, nhập - tách rồi “thay tên đổi họ”.
Giai đoạn 1990 - 1997, trường đổi tên thành Trường cấp II - III Nguyễn Văn Cừ do yêu cầu đảm bảo quy mô trường lớp nên sáp nhập với Trường THCS Quế Phú (thời điểm đó trường chỉ còn 6 lớp với chưa đến 200 HS).
Từ năm học 1997 - 1998, số lượng HS tăng lên nên khối lớp THCS được tách ra, tên Trường THPT Nguyễn Văn Cừ quay trở lại và duy trì cho đến hiện nay.
Dấu ấn
Từ một ngôi trường thiếu thốn và tạm bợ, như cảm nhận của cô giáo Hoàng Thị Ngọc Trà khi về công tác vào tháng 9/1984 “trường học gì mà giống cái kho của hợp tác xã”, đến nay Trường THPT Nguyễn Văn Cừ đã có được cơ ngơi khang trang, quy mô gần 1.000 HS với 66 cán bộ, giáo viên.
Thầy Hiệu trưởng Đinh Văn Nhân cho biết, khu dạy học, khu thực hành Lý, Hóa, Sinh, Tin học, khu giáo dục thể chất cơ bản đáp ứng yêu cầu chương trình dạy học mới, nâng cao chất lượng.
Đặc biệt, nhà trường rất tự hào khi có thư viện được đầu tư đầy đủ tiện nghi, số đầu sách đa dạng, phong phú, phục vụ tốt nhu cầu học tập, nghiên cứu của thầy cô và học trò.
Cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của nhà trường rất tâm huyết, có trình độ chuyên môn cao, là một trong những trường sở hữu số lượng nhà giáo có trình độ thạc sĩ nhiều nhất tỉnh với 11 người.
Hiệu trưởng Đinh Văn Nhân chia sẻ, 40 năm nhìn lại, qua nhiều giai đoạn phát triển, tuy có những bước thăng trầm, nhưng với sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, huyện, nỗ lực của các thế hệ thầy và trò đã giúp cho Trường THPT Nguyễn Văn Cừ để lại nhiều dấu ấn trong công tác dạy và học.
Những năm qua, chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng nâng lên, tỷ lệ tốt nghiệp THPT vươn lên tốp đầu cả tỉnh, kết quả thi HS giỏi tỉnh tăng nhanh về số lượng và chất lượng.
Nhà trường đón nhận nhiều phần thưởng của các cấp, đáng chú ý trong 3 năm gần đây như UBND tỉnh tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua khối THPT năm học 2021 - 2022, Bằng khen năm học 2022 - 2023; năm học 2023 – 2024 được Sở GD-ĐT công nhận tập thể lao động xuất sắc 3 năm liền và đang đề nghị Bộ GD-ĐT tặng bằng khen.
“Hiện nay trường vẫn còn thiếu một số tiêu chí về cơ sở vật chất như nhà đa năng để xây dựng trường đạt chuẩn. Sau sự kiện kỷ niệm 40 năm thành lập, nhà trường bước sang giai đoạn mới với nhiệm vụ mới. Toàn thể thầy và trò quyết tâm phấn đấu để xây dựng nhà trường phát triển hơn, xứng đáng với ngôi trường mang tên cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ” - thầy Nhân nói.
Trải qua chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển, Trường THPT Nguyễn Văn Cừ đã có nhiều đóng góp tích cực vào đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương.
Từ mái trường này, nhiều thế hệ học trò đã bước tiếp vào giảng đường đại học, trở thành bác sĩ, kỹ sư, cử nhân, giáo viên, hiện công tác trên mọi miền của cả nước.
Trong đó, có thể kể đến một số gương mặt tiêu biểu như Lê Ngọc Hải - Thiếu tướng, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 5; PGS-TS.Huỳnh Công Pháp - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Hàn; Phạm Như Ánh - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân Đội…
Cũng ngay tại ngôi trường thân thương này, hiện có 20 cựu HS giờ trở thành giáo viên đang tiếp tục sứ mệnh dìu dắt đàn em như thầy giáo Văn Tấn Binh, Trần Ngọc Tám...