Năm mươi năm, họ đã sống, đã chiến đấu và trở về từ nhà tù Phú Quốc. Một tấc lòng son, họ vẫn giữ, kiên trung với cách mạng, với đất nước cho đến tận bây giờ...
KÝ ỨC CỰU TÙ
Họ kể, về những đớn đau nhục hình mà mình và đồng đội đã trải, về bao khoảnh khắc sinh tử trong tù... Mọi thứ, dẫu có nhiều tình tiết “không thể tưởng”, nhưng cứ nhẹ như không.
Và hơn thế, lấp lánh trong những câu chuyện riêng chung, là niềm tự hào, là ý chí vững như sắt, như đồng của những cựu tù chínn trị trong suốt năm tháng miệt mài tranh đấu nơi ngục tối...
Không bao giờ quên
Di tích lịch sử Trại giam Phú Quốc (còn có tên gọi khác: Địa điểm Nhà tù Phú Quốc, Trại giam tù binh Phú Quốc, Nhà tù Phú Quốc, Nhà lao Cây Dừa,...) nằm trên địa bàn thị trấn An Thới (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). Trại giam Phú Quốc được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, là bằng chứng về tội ác dã man, tàn bạo với hơn 45 kiểu tra tấn dã man của Mỹ - ngụy.
Trong thời gian tồn tại, địch đã giam giữ 40.000 lượt tù binh, chủ yếu là cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng vũ trang, ngoài ra còn có cán bộ dân chính đảng và dân thường; có khoảng 4.000 tù binh bị giết hại, hàng chục nghìn người bị thương tật, tàn phế. Bộ máy điều hành, quản lý của địch ở Trại giam Phú Quốc có khoảng 2.000 nhân viên và sĩ quan, gồm cả hải quân, lục quân, không quân...
Ông Hoàng Ngọc Thanh (SN 1943) - Phó Chủ tịch Hội Tù yêu nước huyện Duy Xuyên nói, có nhiều thứ để quên, nhưng những ngày tù ngục ở nhà lao Cây Dừa thì không. Ông mang theo ký ức những ngày tù ngục đi theo suốt cuộc đời mình bằng nhiều cảm xúc, tự hào xen lẫn những thương cảm đớn đau về đồng chí, đồng đội...
Năm 1962, ông Hoàng Ngọc Thanh tham gia du kích xã. Năm 1965, cha ông hy sinh. Ông tạm biệt mẹ, gia nhập Sư đoàn 2. Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, đơn vị được lệnh lùi thời gian nổ súng, sau đó phải lui ra đánh chặn viện binh, ông được rút về làm thông tin liên lạc ở Hòn Tàu.
Tháng 2/1970, bị thương trong một trận càn, nhưng địch đổ quân càn quét liên tục, ông Thanh ẩn nấp trong một bụi dứa, sau đó đồng đội tìm thấy, cõng xuống Đại Cường điều trị.
Tối 21/2/1971, khi đang nấp trong hầm cùng các ông Nguyễn Cựu và Nguyễn Thỏa là cán bộ địa phương thì mục tiêu bị lộ, địch dùng lựu đạn M26, lựu đạn cay ném xuống hầm, nhưng đây là hầm chữ L nên các ông không hề hấn gì, cũng không bị ngạt do hơi cay. Không khuất phục được, địch chỉa súng bắt dân đào hầm, kéo các ông lên. Chúng ném cả ba lên máy bay, chở về Trung đoàn 1 để khai thác.
Nhà lao tù binh ở Non Nước (Đà Nẵng) là chốn lao ngục đầu tiên của ông Thanh, sau những ngày được trị thương ở bệnh viện của địch. Đón ông, như biết bao người tù yêu nước khác, là những đòn roi, thủ đoạn “chiêu hồi” của địch. Không lấy được thông tin gì giá trị từ ông, ngày 19/5/1971, ông Hoàng Ngọc Thanh bị địch đưa xuống tàu, mất 5 ngày đêm lênh đênh trên biển để ra Phú Quốc.
[VIDEO] - Ông Hoàng Ngọc Thanh kể lại tinh thần quật cường của người tù cộng sản:
“Chúng tôi bị đánh ngay từ lúc mới đặt chân xuống Phú Quốc. Đòn roi là thứ lúc nào cũng có, không chừa một ai. Tôi vào khu B11, được anh em phân công làm trưởng phòng thương binh.
Tôi cùng hai đồng chí là Huỳnh Quang Mãi, người Hiệp Đức và Thăng, đại diện khu B11 bị tên trung sĩ quân quản gọi lên, bắt truyền đạt việc in số tù binh lên áo. Việc này sẽ bất lợi cho tranh đấu, cả phòng không đồng ý. Vậy là chúng đánh, tay bật máu nhưng 3 anh em không ai mặc.
Chúng đưa áo in số cho Mãi bắt mặc, nhưng Mãi xé toang, ném vào mặt tên thượng sĩ. Lính ập vào còng tay Mãi đưa đi. Tối đó, chúng đánh Mãi đến chết trong phòng giam. Chúng tôi lập tức tranh đấu bằng tuyệt thực suốt 7 ngày” - ông Hoàng Ngọc Thanh kể.
Những năm tháng ngục tù là hành trình tranh đấu. Những cựu tù nâng niu từng viên B1 (dùng để khử gạo mốc), đục mái nhà hứng nước mưa để dành cho những ngày đấu tranh. Nhà tù không chỉ có đòn roi, địch dùng rất nhiều thủ đoạn để khuất phục ý chí người cộng sản.
Nhiều tài liệu còn lưu giữ cho thấy những nhục hình khủng khiếp mà tù nhân phải trải qua ở “địa ngục” Phú Quốc: dùng kim sắt, đinh sắt đóng vào xương, khớp, đỉnh đầu; phơi nắng, phơi sương tù nhân trong “chuồng cọp” kẽm gai, đục răng, bẻ răng, dùng lửa thiêu, thậm chí ném tù nhân vào chảo nước sôi cho đến chết. Hơn 4.000 tù nhân bị giết hại trong số hơn 40.000 lượt tù binh được ghi nhận đã bị giam giữ tại trại giam Phú Quốc.
Bất khuất đấu tranh
Ông Hoàng Ngọc Thanh nói, cuộc tranh đấu bằng tuyệt thực không thành, anh em trong tù đi đến quyết định mổ bụng tập thể. Trong số những người ở Quảng Nam, có đồng chí Vũ Đức Niên quê ở Đại Cường, là bộ đội quân giới Mặt trận 4, Huỳnh Nghiệp và Ngô Nghỉ (đều là người Đại Lộc) ghi danh. Ông Thanh là người được giao nhiệm vụ cung cấp dao cho anh em mổ bụng.
“Đồng chí Vũ Đức Niên bước ra sân, cởi áo, hô to đả đảo đế quốc Mỹ, đả đảo bè lũ tay sai rồi cầm dao rạch liên tiếp lên bụng mình. Ngô Nghỉ cũng dùng dao, rạch rất sâu vào bụng. Anh em tù ùa ra, xúm vào khiêng hai đồng chí vừa mổ bụng lên hội trường băng bó, hô vang đòi yêu sách.
Bọn quân quản phải gặp đại diện anh em trong phân khu, lắng nghe yêu sách. Phần lớn những yêu cầu của chúng tôi như ngưng cung cấp gạo mục, hôi cho tù binh, tăng rau xanh, tăng thêm nước. Tất cả nước cơm đãi gạo, nước rửa rau đều tận dụng để giặt trước khi xổ nước sạch lần cuối và chia nhau hai ngày mới tắm một lần” - ông Thanh kể lại.
Nắng tháng 3 gọi về bao niềm nhớ. Ông Trần Văn Minh (SN 1943) - Chủ tịch Hội Tù yêu nước huyện Duy Xuyên, hiện sống ở Nam Phước kể lại, sau trận đánh lớn nhất của cuộc đời mình vào xuân Mậu Thân năm 1968, ông bị địch bắt. Cũng trải qua đòn roi ở trại giam Non Nước suốt 23 ngày, ông Minh bị đưa ra Phú Quốc. Vừa vào trại, ông tập hợp anh em cùng ở Tiểu đoàn 20 ngày trước, hình thành Chi bộ Quân sự trong tù.
[VIDEO] - Ông Trần Văn Minh kể về quá trình đấu tranh trong nhà tù của mình và đồng đội:
“Năm 1971, sau đủ thủ đoạn để dụ dỗ chiêu hồi bất thành, địch đưa chúng tôi rời phân khu B6, đưa về phân khu B10 và tiếp tục đàn áp. Tôi bàn với anh em tổ chức bắt quân cảnh. Chúng tôi bắt một tên trung sĩ, sau đó đấu tranh, dùng loa kêu gọi địch không được đàn áp anh em, ra yêu sách với nhà tù.
Cả phân khu cùng chia nhau ra canh gác, bọn quân quản nhà tù buộc phải thỏa hiệp, đáp ứng yêu sách đưa ra. Sau vụ đó, tôi cùng anh Hiệp, anh Thiện ở Tiểu đoàn 20 bị địch nghi ngờ là người tổ chức, nên bị chúng đánh đập, dùng nhục hình. Tôi kiên quyết không khai, cuối cùng bị biệt giam gần một tháng trời. Dù nếm đủ khổ hình, nhưng anh em đã trung thành tuyệt đối với cách mạng, cho đến tận ngày trao trả” - ông Minh kể.
Những di chứng của tù ngục còn lại đến bây giờ. Cựu tù Phan Sô (SN 1942) - Chủ tịch Hội Tù yêu nước huyện Hiệp Đức nói, đối mặt với đòn roi của địch, nhiều người đã ngã xuống.
[VIDEO] - Ông Phan Sô kể về niềm vui của những cựu tù khi hay tin đất nước được hòa bình:
“Cái chết không còn quá đáng sợ với chúng tôi nữa. Chúng tôi nương nhau mà sống, giúp đỡ, chăm sóc cho nhau. Khổ cực, ăn uống thiếu thốn, nhiều người tưởng chừng không trụ nổi, nhưng vẫn kiên trung với cách mạng. Đủ thứ nhục hình, đủ cách để vừa tra tấn, vừa dụ dỗ, nhưng địch không khuất phục được ý chí của những người tù yêu nước.
Nghe tin sẽ được trao trả, anh em rất mừng. Chỉ tiếc, nhiều đồng đội, đồng chí của chúng tôi không chờ đợi được đến ngày trao trả để trở về” - ông Sô xúc động. Những di chứng của ngục tù vẫn còn lại đến giờ, thi thoảng lại tấy đau trong thân thể của người cựu tù binh già...
----------------------
Bài 2: Cuộc vượt ngục lịch sử
Một cuộc đào thoát đi vào lịch sử từ nhà tù Phú Quốc, trở thành huyền thoại tranh đấu của những người tù cộng sản yêu nước.