Trong 2 ngày 25 & 26/3 cuối tuần này, những cựu tù yêu nước từng bị giam cầm ở Phú Quốc lại hẹn nhau trở về. Cuộc trùng phùng sau 50 năm được chờ đợi đến nghẹn lòng, mang theo ký ức của ngày chiến thắng.
Trở về
Ông Lê Văn Kiệm, nhân chứng trong cuộc đào thoát của 27 cựu tù yêu nước bị giam ở Phú Quốc vào năm 1971 không giấu được nỗi bồi hồi cho ngày trở lại. Trước đó, ông đã từng có 3 lần về thăm Phú Quốc. Bộn bề những xúc cảm dậy lên trong lòng ông Kiệm, dẫu thời gian đã xóa sổ khu nhà tù năm xưa, chỉ còn một khoảnh nhỏ được phục dựng làm địa điểm tham quan, giáo dục truyền thống.
“Quay lại Phú Quốc, chúng tôi chỉ muốn kể về niềm tự hào và lòng trung thành, để thế hệ hôm nay biết và nhớ. Để cháu con noi gương thế hệ chúng tôi, vững vàng lập trường, đương đầu với những thách thức hiện tại. Thời nào cũng có những khó khăn, phức tạp, cuộc trường chinh giữ vững độc lập, tự do vẫn còn tiếp diễn. Phải vững chí để giữ lấy tự do, giữ lấy độc lập, những giá trị mà chúng tôi và bao thế hệ đi trước đã phải trả bằng máu”.
(Ông Hoàng Ngọc Thanh - Phó Chủ tịch Hội Tù yêu nước huyện Duy Xuyên)
Ông Kiệm nói, năm 1973, có đến gần 35.000 tù binh Phú Quốc được trao trả. Rất nhiều trong số đó là đồng đội, là những người đã sát cánh cùng chiến đấu với ông trong lao ngục, nhường cho ông và những người khác xuống hầm trong cuộc đào thoát lịch sử năm ấy. Nhiều đêm ông không ngủ được, nhớ bạn bè Nam Bắc đã cùng mình sống trong những tháng ngày gian khổ ấy.
Ông vẫn thuộc nằm lòng những câu thơ mình viết khi về già, sau khi đã cống hiến cả thanh xuân của mình cho đất nước: “Mỗi lát cuốc bổ xuống/ Bâng khuâng nhớ chiến trường/ Bao nhiêu đồng đội cũ/ Không về lại quê hương/ Nằm lại nơi Phú Quốc/ Đón gió mùa bốn phương”. Biết bao người bạn, người tù đã nằm lại nơi đảo vắng, hy sinh trong hiên ngang bất khuất, giữ vẹn tròn khí tiết của người cộng sản trước đòn roi kẻ thù.
Năm mươi năm, đủ dài để những hạt mầm của yêu thương mọc lên thay cho lòng thù hận. Những “nhân chứng sống” của một thời đều nhắc về ký ức bằng niềm trân trọng và biết ơn. Họ nói, đó là một “ngôi trường” đào tạo bản lĩnh cách mạng, nuôi dưỡng ý chí và lòng trung thành của những người cộng sản chân chính.
[VIDEO] - Cựu tù Hoàng Ngọc Thanh chia sẻ về niềm mong mỏi đối với thế hệ trẻ:
Ông Hoàng Ngọc Thanh - Phó Chủ tịch Hội Tù yêu nước huyện Duy Xuyên nói, trong số những lần trở lại Phú Quốc trước đó, có một lần ông vào thẳng nhà “Bảy Nhu”, tức Trần Nhuất Nhu, người cai tù nổi tiếng tàn ác trong ngục. Họ không nói về quá khứ. Mọi hận thù gác lại.
“Tròn 50 năm rồi. Đó là điều vinh dự cho tôi, cho những đồng đội của tôi khi đã ở đó, đã đấu tranh miệt mài cho đến ngày tự do. Quay lại đó, chúng tôi chỉ muốn kể về niềm tự hào và lòng trung thành, để thế hệ hôm nay biết và nhớ. Để cháu con noi gương thế hệ chúng tôi, vững vàng lập trường, đương đầu với những thách thức hiện tại.
Thời thế nào cũng có những khó khăn, phức tạp, cuộc trường chinh giữ vững độc lập, tự do vẫn còn tiếp diễn. Phải vững chí, để giữ lấy tự do, giữ lấy độc lập, những giá trị mà chúng tôi và bao thế hệ đi trước đã phải trả bằng máu” - ông Thanh chia sẻ.
Những bức ảnh từ nhà lao Phú Quốc được ông Nguyễn Thái Hùng (cựu tù binh, hiện ở tại phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) gìn giữ cẩn thận mười lăm năm qua, kể từ năm 2008.
Ông Hùng kể, năm tháng trong tù, ông được kết nạp đoàn, được tổ chức giao cho việc lấy thư từ giấu trong các bao gạo, lấy cơm cháy từ nhà bếp giã nhỏ cất giữ, để dành cho anh em trong những ngày tranh đấu. Mỗi lần tranh đấu kéo dài suốt 7 đến 10 ngày, tổ chức đảng trong nhà tù sẽ phát cho mỗi người một nắm nhỏ để ngâm vào trong nước, ăn lấy sức.
“Suốt 3 năm, tôi đã làm tròn nhiệm vụ cho đến tận ngày trao trả. Chúng tôi một lòng vì nhiệm vụ, thậm chí sẵn sàng cho cái chết. Chỉ đến khi máy bay từ Phú Quốc đưa chúng tôi vào đến sân bay Rạch Giá, rồi lại được chuyển đến Tây Ninh, nhìn từ máy bay xuống đất thấy lá cờ Mặt trận mới tin rằng mình còn sống.
Xuống sân bay, chúng tôi được phát quần áo, ba lô, như một chiến binh thực thụ trở về sau cuộc chiến. Trước đó, ai cũng giấu trong người một lá cờ Mặt trận tự may trong tù. Tất cả thay bỏ hết quần áo tù binh, cầm cờ Mặt trận mà hô vang: Đả đảo đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước! Hồ Chí Minh muôn năm!” - ông Hùng bồi hồi.
Chờ ngày hạnh ngộ
Dự kiến, sẽ có khoảng 1.200 cựu tù binh cộng sản có mặt tham dự lễ kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng trở về” của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Khu di tích Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc vào 2 ngày 25 & 26/3 cuối tuần này.
Dịp kỷ niệm 40 năm trước đó, nhiều cựu tù yêu nước đã có dịp về thăm, dành thời gian thắp hương tưởng nhớ những đồng đội còn nằm lại nơi Nghĩa trang Phú Quốc. Trong số đó, có mộ liệt sĩ Huỳnh Quang Mãi, người tù đã nằm lại nơi đảo nhỏ sau cuộc thẩm tra cùng với ông Hoàng Ngọc Thanh trong tù. Và nhiều người khác nữa.
Ông Nguyễn Thái Hùng cùng đồng đội đã có dịp trở lại thắp hương mộ liệt sĩ Huỳnh Quang Mãi. Sau chuyến đi đó, ông còn lên tận nhà của gia đình liệt sĩ Mãi ở Hiệp Đức để thăm thân nhân, viếng hương bàn thờ liệt sĩ.
“Hai lần được trở lại Phú Quốc, tôi đều mang theo nhiều cảm xúc. Đó là nơi tôi đã ở, đã cùng anh em chiến đấu đến ngày được tự do. Từ năm ngoái, khi biết tin sắp tổ chức ngày kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng trở về”, tôi đã bàn với những cựu tù về việc cố gắng thu xếp để được trở lại. Lần này là lần cuối, vì đã 50 năm rồi, chỉ còn 21 người trong tổng số 32 cựu tù Phú Quốc ở TP.Tam Kỳ còn sống.
Chúng tôi đã già, nhiều người sức khỏe suy giảm, có lẽ đây là chuyến đi cuối cùng của đời người để được ôn lại ký ức của mình, được viếng hương đồng đội. Mình may mắn được còn sống, được hạnh phúc đoàn tụ, nhưng cũng rất thương tiếc cho những chiến sĩ, bạn bè đã ngã xuống. Không thể nói hết những xúc động, bùi ngùi” - ông Hùng tâm sự.
Ông Trần Văn Minh - Chủ tịch Hội Tù yêu nước huyện Duy Xuyên kể, mãi sau gần 45 năm, ông mới tìm gặp lại được người bạn tù của mình là Trần Văn Thu. Ông Thu là trinh sát của Huyện đội Hoài Nhơn (Bình Định), người từng cùng ông Minh bị quân cảnh thẩm vấn, đánh đập rồi đưa đi biệt giam sau đợt vượt ngục bất thành trong nhà giam Phú Quốc.
“Dò hỏi khắp nơi, năm 2017 tôi mới hay tin và bắt liên lạc được với Trần Văn Thu. Thu cùng gia đình hiện ở Gia Lai. Không thể tả được niềm vui, niềm xúc động ngày hai anh em gặp lại nhau sau hơn hai phần ba đời người. Tôi vẫn giữ bài thơ Thu tặng, vẫn mong mỏi và trân trọng từng dịp được gặp lại nhau” - ông Minh nói.
[VIDEO] - Ông Trần Văn Minh chia sẻ những tâm tư dịp kỷ niệm 50 năm Ngày chiến thắng trở về:
Người cựu tù yêu nước chia sẻ thêm, đã 80 tuổi đời, 55 năm tuổi Đảng, sẽ không còn nhiều dịp để được trở về thăm chiến trường xưa, nên chuyến đi sắp tới sẽ là niềm vui, niềm động viên cho ông trong những năm tháng còn lại của cuộc đời mình.
“Tôi bị thương hai lần. Trong cả hai lần đó, đồng đội, những người y tá, dân công tải thương đều đã chăm lo tôi chu toàn. Tình đồng đội, tình quân dân không thể kể hết được.
Nhiều người, tôi đã cất công đi tìm kiếm nhưng không gặp, không biết hiện còn sống hay đã mất. Nhưng những ân tình ngày đó, tôi mãi mãi không quên. Bao đồng chí, đồng đội đã ngã xuống, có người hy sinh ngay trước mặt tôi, có người mất đi vì sức khỏe suy kiệt lúc về già.
Tôi may mắn còn sống, còn có khả năng phục vụ cho phong trào, cho quê hương, đó là điều may mắn. Mong muốn của tôi, là lớp trẻ bây giờ phải đặt niềm tin, giữ ý chí, rèn luyện lập trường tư tưởng để gìn giữ đất nước, gìn giữ độc lập” - ông Minh xúc động chia sẻ.