(VHQN) - Khi những loài hoa nở khắp các thung lũng, ngọn núi phủ đầy sức sống mùa xuân, người dân tộc trên các rẻo cao cũng bắt đầu ăn tết theo kiểu của riêng mình.
Người già có các bữa rượu táo mèo, rượu ngô, rượu sắn thơm môi. Người trẻ có các trò chơi truyền thống tưng bừng, náo nhiệt. Trai gái qua lại trao tình cho nhau. Xuân vì thế bao giờ cũng vui và thắm tình!
Lễ hội của đồng bào Mông
Ở miền biên viễn có nhiều lễ hội độc đáo. Người Hà Giang thường tổ chức lễ hội Gầu Tào vào mùng 3 đến mùng 6 tháng Giêng. Mùa xuân rộn ràng tiếng khèn vang đỉnh núi: “người Mông ta bên nhau hát, ngựa ai đó xuống chợ. Hội Gầu Tào đông lắm đấy, nhiều trò chơi vui lắm nhé, những chiếc ô xòe hoa cho tiếng khèn rộn vang bay xa…”.
Hội Gầu Tào là lễ hội lớn nhất, đông đảo đồng bào Mông tham gia nhất. Lễ Gầu Tào nhằm cúng tạ trời đất, thần linh núi rừng phù hộ cho bản làng, cho người dân bản vượt qua khắc nghiệt của miền núi cao. Và nó cũng có nghĩa là hội hát tình yêu trên những ngọn núi.
Người ta chọn một quả đồi đẹp, thuận tiện về đường đi lối lại, có mặt phẳng đủ rộng cho toàn bộ cư dân trong vùng tập trung về đó. Cây nêu - biểu tượng cho sự trường tồn mạnh mẽ của đồng bào Mông trên cao nguyên đá cằn cỗi được dựng lên, lộng lẫy và linh thiêng.
Sau phần nghi lễ, người dự hội nô nức tham gia các trò diễn, đua tài, người múa khèn, người múa gậy. Nào ném còn, đánh quay, chọi gà, chọi chim họa mi, đua ngựa, bắn nỏ… tiếng hát, tiếng cổ vũ vang khắp núi rừng.
Xuân nẻo biên viễn
Trong hội xuân, đồng bào Mông ăn mặc thật đẹp. Lũ trẻ con tụ tập dưới những gốc mai gốc mận già quen thuộc. Ai đã từng phiêu du vùng miền núi phía Bắc sẽ thấy thấp thoáng trong các bản làng, bọn trẻ con ở bản chơi trò lấy que đẩy lốp xe chạy trên đường; hoặc chỉ cần một máng dẫn nước về ruộng, bọn trẻ đã chế thành trò chơi trượt ván trên nước.
Một buổi chiều xuân, khi đang lang thang thác Bản Giốc, tôi tình cờ nhìn thấy lũ trẻ đang chơi trò đẩy gậy. Rất giản dị, nhưng lại gây xúc động mạnh.
Nằm ở vành đai biên giới, thác Bản Giốc là một trong 10 thác nước kỳ vĩ nhất thế giới, lại ở vị trí quan trọng của biên giới nước ta. Trong khi phía bên kia phát triển đèn hoa rực rỡ, người qua lại tấp nập, thì bên này mình thong thả, bình dị bao đời, nơi mảnh đất mà cha ông đã gìn giữ.
Buổi chiều miền biên giới thường mang lại nhiều cảm xúc. Vài chiếc bè mảng đưa khách du ngoạn trên sông. Phía bờ, trên những thửa ruộng, lũ trẻ đang chơi trò đẩy gậy, tiếng cười rộn rã làm lòng người thấy xốn xang, yêu mến và bất giác thấy thương đất Việt.
Tôi tự nhủ, phải cảm ơn những đứa trẻ vô tư ấy, chúng sẽ là lớp trẻ để gìn giữ từng tấc đất này. Những miền biên viễn luôn cần người dân cần cù sống, những đứa trẻ hồn nhiên bám lấy núi đồi. Họ bám đất bám làng, giữ gìn biên cương cho Tổ quốc.
Những ngày rong ruổi trên chiếc xe máy, chúng tôi đi qua từng cột mốc, đếm từng phân hiệu khu vực biên giới. Đi giữa đất trời để thấy đất nước mình mùa xuân đẹp đến thế!
Trên những con đường quanh núi ấy, từng đôi trai gái đèo nhau dập dìu. Dường như mùa xuân luôn rực rỡ, hồn nhiên ở các núi đồi biên cương.
Tôi cũng đã trải qua những mùa xuân ở Lũng Cú. Chẳng gì xuyến xao hơn ở vùng địa đầu Tổ quốc ngày mùng Một Tết, nằm nghe tiếng gà gáy vang rộn ràng, phía xa là lá cờ đỏ phấp phới trên ngọn núi cao.
Quê hương mình, đất nước mình đẹp biết bao! Sự sống đó, là màu xuân xanh ở miền biên viễn với từng thời khắc, từng tấc đất bình yên, từng bông cải vàng mọc trên đá cằn khô, từng bông hoa đào căng màu hồng bích. Đi để thấy biết ơn những người đã gìn giữ cho quê hương thanh bình, để cùng hòa mình vào nhịp của mây trời...