(VHQN) - PGS. Đặng Hoành Loan - nguyên Phó Viện trưởng viện Âm nhạc rất đề cao ca khúc trẻ Bắc Bling qua giọng ca của ca sĩ Hòa Minzy. Ông cho rằng, đây là một sáng tạo tuyệt vời cần khuyến khích để giới trẻ có thêm nhiều ca khúc hướng tới tinh hoa văn hóa dân tộc.
Phải thay đổi tư duy
* Thưa PGS. Đặng Hoành Loan, ông có thể chia sẻ về tầm quan trọng của âm nhạc dân gian?
Khi tôi bắt đầu công tác ở Viện Âm nhạc, tôi vỡ lẽ ra rằng: các nhà nghiên cứu chỉ nghiên cứu tới khí nhạc, hoặc âm nhạc có lời. Điều đó làm tôi băn khoăn, dường như họ đã quên, hoặc không hề để ý rằng, Việt Nam có một nền âm nhạc dân gian truyền thống có từ trước khi có chữ viết, tức là truyền khẩu. Đây là một vốn quý của văn hóa dân tộc.
Chính vì vậy, khi tôi lên làm quản lý, tôi quyết định mở ra hướng hoạt động rộng lớn mang tính chất toàn cầu. Có rất nhiều sinh viên làm luận án tiến sĩ, thạc sĩ, người nước ngoài tới trao đổi với chúng tôi về vấn đề âm nhạc và truyền thống. Họ đặt ra nhiều câu hỏi mà chính tôi không thể nào trả lời được, hay nói một cách khác là các nhà nghiên cứu âm nhạc cũng không trả lời được. Tại sao lại như vậy?
Tôi rất phục cách đặt tên “Bắc Bling”, một sự biểu đạt ngữ nghĩa đương đại, bởi nếu chỉ để Bắc Ninh thì lại không gây ấn tượng kết cấu, nhưng “Bắc Bling” tự nhiên thấy rõ âm điệu tiết tấu. Lớp trẻ giỏi quá. Âm nhạc truyền thống mà chúng ta bảo tồn, là nghệ thuật của quá khứ, và là báu vật, bởi nó tạo cho âm nhạc dân tộc Việt Nam một chỗ đứng riêng, một bóng dáng riêng. Âm nhạc truyền thống sinh ra từ đời sống của người Việt, nếu không có di sản ấy, không có báu vật ấy chúng ta không có điểm tựa để tạo ra một nền âm nhạc Việt Nam hiện đại tiếp nối. Hiện nay giới trẻ sử dụng âm nhạc truyền thống vào rất nhiều dự án khác nhau, trong đó có việc sáng tạo dựa trên nền âm nhạc truyền thống. Đó là những tín hiệu tuyệt vời, hứa hẹn những niềm tin vào một lớp trẻ hiện đại nhưng yêu truyền thống, và dùng trí tuệ để vận dụng lưu giữ những giá trị dân gian của Việt Nam.
(PGS. Đặng Hoành Loan)
Nguyên nhân là chúng ta một thời gian dài chỉ nghiên cứu âm nhạc có chữ viết nên ta không trả lời được hết các câu hỏi liên quan tới vấn đề về xã hội, phong tục, dân tộc, nên tôi chuyển sang nghiên cứu âm nhạc Việt từ nghiên cứu âm nhạc học, tức là nghiên cứu âm nhạc của các cộng đồng âm nhạc truyền thống. Làm như vậy là xoay hẳn một hướng đi, một cách suy nghĩ, một khối tiếp cận mới.
Nếu trước kia làm nghiên cứu âm nhạc dân gian, chỉ tập trung vào bài hát, tập trung vào điệu múa, còn tại sao sinh ra bài hát ấy, tại sao sinh ra điệu múa ấy, mục đích sinh ra bài hát ấy làm gì, nó phục vụ cái gì trong cộng đồng ấy, thì phải nghiên cứu sâu về vấn đề xung quanh gồm xã hội học, dân tộc học. Muốn “cứu” được cái gì, mình phải hiểu sâu về nó cái đã!
* Vậy ông có thấy sự thờ ơ của lớp trẻ đối với các loại hình âm nhạc dân gian truyền thống hay không?
Cũng không thể nói thế được. Đến các nhà nghiên cứu thực sự quan tâm, nghiên cứu, phát triển, còn mãi mới tổ chức được, thì đừng “lo lắng”, “ủ ê” rằng lớp trẻ có quan tâm đến nhạc truyền thống hay không.
Cái đầu tiên chúng ta làm, là làm lâu, làm dài, làm cho nhiều thế hệ đời sau hiểu được chính xác hoàn cảnh ra đời, nguyên nhân, và gốc rễ của các loại hình âm nhạc dân gian đó một cách chính xác.
Kho tàng âm nhạc dân gian của Việt Nam phong phú và đồ sộ vô cùng. Chúng ta phải diễn giải dần, phân tích dần. Ví dụ về “Bài chòi”, nếu như người Pháp nghiên cứu và viết rằng, “Bài chòi” bắt nguồn từ lối đánh chòi trên rẫy. Điều đó không chính xác. “Bài chòi” là một sinh hoạt, một trò chơi xuất hiện trong lễ hội văn hóa, hai cái đó khác nhau. Muốn hiểu tại sao, phải biết phân tích chữ viết trên quân bài. Nó mà chỉ là đánh chòi trên rẫy thì làm sao mà có chữ viết trên bài. Mà chữ viết của nó lại là chữ Nho. Thế nghĩa là “bài chòi” ra đời sau tổ tôm.
Vậy, công việc nghiên cứu của chúng tôi còn rất nhiều lĩnh vực cần làm sáng tỏ và chính xác. Văn hóa người Việt mà giới học thuật xứ Việt còn chưa nghiên cứu đủ hết, cặn kẽ, sâu xa nhất thì trách sao được lớp trẻ. Thế nên ta mong chờ tiếp vào thế hệ trẻ sẽ có cách nghiên cứu theo thời đại công nghệ mới thì đúng hơn!
Vinh danh những người bảo tồn thầm lặng
* Như vậy ta hãy tự tin rằng, lớp trẻ không hề quay lưng, và âm nhạc dân gian truyền thống sẽ không thể nào biến mất trong thời đại số?
Qua nhiều năm nghiên cứu âm nhạc di sản, tôi cho rằng, thế hệ trẻ ngày nay không hề quay lưng bởi nếu họ quay lưng thực sự, thì âm nhạc truyền thống đã lụi tàn lâu rồi.
Hiện nay vẫn còn nhiều thầy cô là những nghệ sĩ truyền tải âm nhạc truyền thống cho các bạn trẻ yêu thích và quan tâm tới những giá trị văn hóa truyền thống.
Và tôi nói rồi, không bao giờ âm nhạc dân tộc chết cả, chúng ta chỉ không thể đòi hỏi những gì cha ông truyền tải qua đường khẩu “miệng”, có từ thời chưa có chữ viết, phải được nhiều “fan” hâm mộ, nhiều người theo như các thể loại nhạc khác như Pop, Rock…
Ví dụ Hò sông Mã, vẫn có rất nhiều thầy cô đang truyền lửa lại cho lớp trẻ, ví như người miền núi, ở lễ hội họ không thể thiếu âm nhạc, và cả đời thường, họ lại càng không thiếu tiếng sáo, tiếng khèn, tiếng kèn môi như người Thái, người Tày, người Nùng… Đừng sợ mất, nhưng cũng đừng để lãng phí. Mình làm được cái gì thì làm cho lớp trẻ khỏi mất gốc mất gác, mình có trách nhiệm nghĩa vụ và quyền lợi phải làm những điều đó.
Sau này lớp trẻ kế thừa họ sẽ có cách phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, đem những tinh hoa đó vào tác phẩm của mình. Vậy thì tại sao mình cứ phải lo quá? Cái quan trọng là mình làm, mình hành động đúng cho lớp trẻ hiểu rằng còn có cả một kho tàng âm nhạc dân gian chờ các con, sẵn sàng để các con tìm hiểu, phát triển!
* Còn những người vẫn đang thầm lặng, khiêm tốn, và chẳng màng tới bất kỳ một “danh chức” hay tiền bạc nào, họ là những ông cụ bà cụ, những nghệ sĩ vàng son một thuở, vẫn đang lặng thầm lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống, ông nghĩ sao về điều này?
Tôi nói nhiều lần rồi, phải luôn quan tâm, động viên, tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, giao lưu, nhiều cuộc liên hoan âm nhạc truyền thống dân gian, để họ được gặp gỡ, giao lưu và có đất để thể hiện tài năng của mình.
Đối với họ, đó là những sự vinh danh đầy ý nghĩa, nó theo họ tới suốt cuộc đời. Tôi hiểu dù không có những sự quan tâm ấy, những nghệ sĩ vẫn âm thầm theo đuổi vì đó là đam mê bằng cả trái tim họ từ hàng ngàn đời nay rồi.
Tiếp theo, các nhà nghiên cứu sâu càng phải có thêm nhiều công trình tâm huyết thực sự để nghiên cứu, bảo tồn và tìm cách phát triển những vốn cổ khi xưa. Lớp trẻ ngày nay cũng dùng những kỹ thuật tân tiến, công nghệ và các nền tảng để đưa giá trị âm nhạc truyền thống được tiếp cận thật nhiều hơn với giới trẻ. Vậy thì ta hãy cứ vững tin!