Thế giới

An toàn lao động trong điều kiện biến đổi khí hậu

NAM VIỆT 28/04/2024 16:56

(QNO) - Ngày Thế giới về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc (28/4) năm nay, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cảnh báo biến đổi khí hậu - mối đe dọa của người lao động trên toàn cầu.

lao-dong.jpg
Công nhân làm việc trong điều kiện thời tiết nắng nóng khốc liệt. Ảnh: AP

Những con số báo động

Báo cáo của ILO, khi biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, hơn 70% số lao động trên toàn cầu đối mặt với các mối nguy hiểm như nhiệt độ quá cao, bức xạ cực tím, ô nhiễm không khí, bệnh truyền nhiễm và hóa chất nông nghiệp.

Cụ thể, 1,6 tỷ người lao động toàn cầu tiếp xúc với bức xạ tia cực tím. Trong đó, khoảng 19 nghìn ca tử vong hằng năm liên quan đến bệnh ung thư da. 1,6 tỷ người có khả năng tiếp xúc với ô nhiễm không khí tại nơi làm việc, dẫn đến 860 nghìn ca tử vong mỗi năm, nhất là lao động ngoài trời.

Cạnh đó, hơn 870 triệu lao động trong ngành nông nghiệp có khả năng tiếp xúc với thuốc trừ sâu khiến hơn 300 nghìn ca tử vong hằng năm. 15 nghìn ca tử vong liên quan đến công việc mỗi năm do tiếp xúc với các bệnh do ký sinh trùng và vector truyền bệnh.

2(1).jpg
Công nhân làm việc tại công trình cao tầng ở quận Sen Sok của Campuchia. Ảnh: Post Staff

Từ lốc xoáy, lũ lụt đến hạn hán và cháy rừng, thiên tai làm gián đoạn hoạt động kinh doanh, gây nguy hiểm cho người lao động và thiệt hại kinh tế đáng kể.

Đơn cử như ngành may mặc, nghiên cứu gần đây của Viện Toàn cầu về lao động thuộc Đại học Cornell (Mỹ) cho thấy, nắng nóng và lũ lụt có thể khiến ngành này thiệt hại 65 tỷ USD xuất khẩu và 950 nghìn việc làm vào năm 2030.

Tạo môi trường làm việc an toàn

Ông Manal Azzi - chuyên gia cao cấp của ILO về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp cho biết: "Rõ ràng, biến đổi khí hậu tạo ra thêm nguy cơ đáng kể đối với sức khỏe người lao động. Chúng ta cần phải chú ý đến những cảnh báo trên. Những cân nhắc về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp phải trở thành một phần trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu - cả về chính sách lẫn hành động".

Vào năm 2022, hội nghị Lao động quốc tế nhất trí đưa vấn đề "môi trường làm việc an toàn và lành mạnh" vào khuôn khổ các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc của ILO. Điều này mang ý nghĩa sâu sắc đối với chính sách và thực tiễn.

Chính phủ các nước phải ban hành và thực thi các luật bắt buộc đối với biện pháp an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc, nghỉ ngơi đầy đủ và tiếp cận thiết bị bảo hộ cá nhân, đặc biệt trong các ngành có nguy cơ cao.

sohanews.sohacdn.com-160588918557773824-2024-4-27-_ba-chihoko-1714210815320593315582.jpg
Bà Chihoko Asada-Miyakawa, Giám đốc khu vực châu Á và Thái Bình Dương của ILO. Ảnh: ILO

Bà Chihoko Asada-Miyakawa - Giám đốc khu vực châu Á và Thái Bình Dương của ILO cho hay, một số quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã triển khai luật và hướng dẫn nhằm giải quyết tình trạng nóng quá mức tại nơi làm việc. Tuy nhiên, việc bảo vệ người lao động trước tác động khác của biến đổi khí hậu vẫn còn hạn chế.

Bà Chihoko Asada-Miyakawa kêu gọi thế giới hãy tái khẳng định cam kết trong việc bảo vệ an toàn và sức khỏe của người lao động trước tình trạng khí hậu thay đổi. Bằng cách thực hiện hành động quyết đoán và đầu tư vào nơi làm việc có khả năng chống chọi với khí hậu, chúng ta có thể xây dựng một tương lai nơi an toàn, sức khỏe và tính bền vững luôn song hành, không để ai bị bỏ lại phía sau trong nỗ lực theo đuổi một thế giới an toàn hơn, lành mạnh hơn cho tất cả mọi người.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
An toàn lao động trong điều kiện biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO