Việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong mùa mưa bão đang được các ngành liên quan chuẩn bị kỹ càng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, sinh hoạt của người dân.
Còn nhiều điều lo lắng
Đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, vào mùa mưa bão, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) rất khó kiểm soát. Ngoài thực phẩm chế biến sẵn ở gia đình, các cửa hàng, nhà hàng, quán ăn thì còn có thực phẩm tươi sống, chưa chế biến được bán ở các chợ, điểm bán hàng. Nếu người mua, người bán không thận trọng trong việc cung ứng, lựa chọn thực phẩm an toàn thì dễ gây ra ngộ độc hay các vấn đề khác ảnh hưởng sức khỏe.
Ông Đinh Tiến Dũng - Trưởng khoa y tế dự phòng, Trung tâm Y tế huyện Đông Giang cho biết, trong và sau mưa bão, lũ lụt, sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh như tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết...
“Vì vậy, chúng tôi tuyên truyền, hướng dẫn bà con vệ sinh môi trường, chôn lấp xác súc vật chết. Tuy nhiên, vào mùa mưa lũ, địa hình đồi núi đi lại khó khăn, nhân lực ít lại đang tập trung cho tiêm vắc xin nên việc tuyên truyền còn nhiều khó khăn” - ông Dũng nói.
Với tâm lý sợ những ngày tới mưa lớn không đi chợ được, người tiêu dùng thường mua thực phẩm với số lượng lớn để trữ. Tuy nhiên, chỉ một hai ngày sau, nếu không bảo quản đúng cách, thực phẩm chưa ăn hết sẽ bị hư. Ngoài ra, việc đề phòng với thực phẩm mất an toàn không phụ thuộc nhiều vào cách lựa chọn của người mua mà tùy vào người bán và sự kiểm soát của ngành chức năng.
Tăng cường truyền thông
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, trước khi xảy ra bão, lũ, đơn vị yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng, đặc biệt là các vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão, lũ trong việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm. Bên cạnh đó, các địa phương cần có kế hoạch chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đóng chai, các loại vitamin, hóa chất sát khuẩn.
Ông Mai Văn Hoanh - cán bộ Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình cho biết, địa phương đã chủ động tuyên truyền về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ngay từ những ngày đầu mùa mưa.
“Chúng tôi tăng cường truyền thông trước, trong và sau bão lũ, tuyên truyền bà con sử dụng thực phẩm an toàn, ăn chín uống sôi, vệ sinh môi trường, lau nhà cửa bằng chất tẩy rửa, chôn lấp xác động vật... Cấp Chloramin B cho các địa phương và hướng dẫn người dân khử trùng giếng nước” - ông Mai Văn Hoanh nói.
Bà Lê Thị Hồng Cẩm - Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho hay, các địa phương cũng được yêu cầu phối hợp với cơ sở y tế dự phòng, cơ sở điều trị và đơn vị liên quan tăng cường công tác giám sát ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm tại cộng đồng.
Ngoài ra, địa phương phải xây dựng kế hoạch dự trữ hóa chất, phương tiện, nhân lực, phương án sẵn sàng phối hợp hoặc chủ động xử lý, khắc phục khi có ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh dịch liên quan đến thực phẩm xảy ra, không để lan rộng trong cộng đồng.
Sau khi bão, lũ rút, các địa phương cần chủ động hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, tu sửa, tổng vệ sinh nguồn nước dùng cho ăn uống; triển khai biện pháp kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh phù hợp để đảm bảo không xảy ra tình trạng thực phẩm không đảm bảo chất lượng ATTP lưu thông trên thị trường.