(QNO) - Thuốc giả đang hoành hành trên toàn cầu, trong đó có khu vực Đông Nam Á (ASEAN), gây ra nhiều thiệt hại nặng nề.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho hay, mỗi năm trên thế giới có hàng triệu người chết, bệnh nhân điêu đứng vì liên quan đến việc sử dụng các loại thuốc giả trong điều trị bệnh. WHO từng cảnh báo có đến 1/10 loại thuốc bán ra trên thế giới là thuốc giả, tập trung nhiều nhất là khu vực châu Phi.
WHO định nghĩa, thuốc giả là sản phẩm được sản xuất với ý đồ cố tình gian lận trong việc nhận dạng và/hoặc nguồn gốc thuốc. Một sản phẩm là thuốc giả có thể chứa thành phần dược chất khác với thông tin trong hồ sơ đăng ký, hoặc thậm chí là không có dược chất.
Trường hợp khác có thể chứa đúng thành phần hoạt chất nhưng với hàm lượng/nồng độ không đúng hoặc sản phẩm được đóng gói trong bao bì giả mạo về nguồn gốc, tính xác thực của sản phẩm.
WHO đánh giá hơn 50% thuốc giả có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ. Những loại thuốc giả này bao gồm từ các phương pháp điều trị chống ung thư giả cho đến các loại thuốc điều trị vô sinh và giảm cân…
Đặc biệt, thuốc giả là mối đe dọa lớn hơn ở các vùng sâu vùng xa, nơi các hệ thống y tế nghèo nàn và có thể khiến bệnh nhân phải phụ thuộc vào các nhà cung cấp thuốc không được kiểm soát. Bởi vậy, nạn nhân đầu tiên của thuốc giả chính là cư dân các quốc gia nghèo nhất.
Những năm qua, chính phủ các nước khu vực ASEAN đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, kiểm soát và ngăn chặn các hành vi sản xuất, buôn bán và lưu hành thuốc giả trên thị trường.
Tại hội nghị tư vấn “Tăng cường hợp tác khu vực nhằm chống lại thuốc không đạt chuẩn và thuốc giả” diễn ra tại Campuchia vào tháng 8 vừa qua, quan chức y tế các nước thành viên ASEAN thống nhất sẽ hành động cùng nhau nhằm chống lại nạn phân phối và buôn bán thuốc giả, bao gồm cả việc bán thuốc giả trực tuyến.
Bên cạnh thuốc giả, các chuyên gia y tế khu vực cảnh báo đến sự xuất hiện tràn lan trên thị trường các loại thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Người tiêu dùng dĩ nhiên rất khó nhận biết.
Tại ASEAN, buôn bán hàng giả và thuốc giả, kém chất lượng là một trong số 4 tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia quy mô lớn nhất, cùng với buôn bán ma túy, buôn người và tội phạm môi trường như buôn bán động vật hoang dã, gỗ.
Văn phòng Liên hiệp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC) thống kê, số tiền mà người tiêu dùng ở Đông Nam Á chi cho thuốc giả lên đến hàng tỷ USD mỗi năm.
Ông Bernard Leroy - Giám đốc Viện Nghiên cứu biện pháp chống thuốc giả (Iracm) cho rằng, chúng ta đang phải đối mặt với những kẻ sản xuất và buôn bán vô đạo đức, bên cạnh đó là lỗ hổng về pháp lý. ASEAN có thể làm tốt hơn để giải quyết vấn đề này thông qua việc tăng cường khung pháp lý và cơ chế quản trị tốt.