Bà Năm, bước qua lằn ranh sinh tử trong cuộc chiến khốc liệt, khi trở về với cuộc sống đời thường dẫu mang trên mình nhiều thương tật nhưng phẩm chất người lính Cụ Hồ vẫn ngời sáng trong tâm.
Dáng người nhỏ nhắn trong vai một người mẹ diễn minh họa cho tiết mục văn nghệ dự thi của Hội Cựu chiến binh (CCB) phường Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn, bà Năm di chuyển nhẹ nhàng với những động tác khó, biểu cảm xúc động khi tiễn con ra trận và khi hay tin con hy sinh trên chiến trường thì quặn nỗi đau mất con…
Người phụ nữ 74 tuổi, một diễn viên không chuyên mà diễn như thật, góp phần cho tiết mục của đơn vị đạt giải Nhất hội thi Tiếng hát CCB thị xã Điện Bàn năm 2024.
Ấn tượng đó thôi thúc tôi tìm đến nhà bà. Ẩn trong kiệt nhỏ, hiện lên ngôi nhà khang trang, sạch sẽ. Bên ấm trà chiều, câu chuyện đời bà được chia sẻ.
Nữ chiến sĩ kiên trung
Bà Năm tên đầy đủ là Phan Thị Năm, người làng Cẩm Sa (khối phố Cẩm Sa, phường Điện Nam Bắc). Bà Năm kể, 16 tuổi bà tham gia du kích địa phương. Năm 18 tuổi, thoát ly gia đình, làm giao liên thuộc biên chế Tiểu đoàn 577 pháo binh, Mặt trận 4 Quảng Đà.
Trải qua bao gian nan, ác liệt của cuộc chiến, từ một cô giao liên được bồi dưỡng nghiệp vụ trở thành cô y tá. Cùng với đơn vị tham gia chống nhiều trận càn quét của Mỹ ngụy trên chiến trường Khu 5 lúc bấy giờ.
Bà nhớ như in trận đánh của đơn vị 577 chặn quân địch tiếp viện cho chiến trường Thượng Đức (Đại Lộc). Năm đó bà suýt chết ở Điện Xuân (nay là Điện Hồng, Điện Bàn).
Rằng, đơn vị được phân công đánh chặn quân Sư đoàn 3 tiếp viện, địch hành quân từ Điện Hòa qua Điện Hồng, để hỗ trợ cho bộ binh, điều máy bay cường kích và pháo binh yểm trợ.
Máy bay ném bom, đơn vị bị bom quét hy sinh một người, bà bị bom nổ lấp trong đất. Cả đơn vị cứ nghĩ bà hy sinh, anh em làm dấu để đó rồi vừa đánh địch vừa tránh bom, chờ cho máy bay địch hết công kích sẽ quay lại đưa thi thể bà và đồng đội về.
Tầm hơn nửa giờ sau, địch hết ném bom bà tỉnh dậy, cả người ê ẩm, tê buốt, cố gắng lần đào cát lấp để bò ra. Lúc đó tầm 7 giờ tối, ngồi định thần rồi định hướng, bà bò ra phía hầm tránh bom, may mắn gặp anh em đơn vị. Ai nấy đều sửng sốt khi biết bà còn sống. Bà Năm theo đơn vị hành quân về Hòn Tàu và tiếp tục tham gia chiến đấu.
Sau ngày hòa bình lập lại, bà phục viên chuyển sang làm thương nghiệp rồi nghỉ hưu theo chế độ. Về gia đình, bà kết hôn với ông Phạm Đức Thăng người cùng quê, ông cũng từng “nếm mật nằm gai” ở nhà lao Phú Quốc trở về.
Có 2 con gái, 1 con trai, con trai đầu sinh năm 1978 bị nhiễm chất độc da cam nên đau ốm và qua đời năm 30 tuổi. Hiện hai cô con gái có cuộc sống ổn định.
“Tôi thấy mình được như hôm nay cũng may mắn hơn nhiều đồng đội rồi, chỉ mong khỏe mạnh góp sức cho quê hương” - bà Năm bộc bạch.
Có lẽ cùng vì suy nghĩ “may mắn hơn nhiều đồng đội”, mà từ khi được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội CCB khối phố Cẩm Sa (năm 2012), Ủy viên Thường vụ Hội CCB phường Điện Nam Bắc, bà Phan Thị Năm luôn hết mình cho hoạt động phong trào, vì nghĩa tình đồng đội.
Cựu chiến binh gương mẫu
Chi hội CCB khối phố Cẩm Sa có 55 hội viên. Để chi hội có nguồn kinh phí hoạt động, ngoài việc vận động hội viên đóng góp quỹ hội hằng năm 12-15 triệu đồng, bà Năm còn đứng ra hợp đồng với địa phương đảm nhiệm việc khơi thông các tuyến kênh mương thoát nước trong khu dân cư, lấy quỹ xây dựng phong trào. Đến nay nguồn quỹ chi hội có được hơn 30 triệu đồng.
Bà xác định, khi đời sống hội viên được nâng cao thì hội viên sẽ gắn bó với tổ chức hội và tham gia sinh hoạt đầy đủ. Bằng các mối quan hệ và hiểu biết của mình, bà Năm tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển kinh tế hỗ trợ cho hội viên. Lập và duy trì nguồn quỹ góp vốn quay vòng không tính lãi tại chi hội.
Nhờ chủ động về nguồn vốn, kết hợp việc chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, đời sống kinh tế hội viên trong chi hội từng bước ổn định, nhiều hội viên đã vươn lên làm giàu. Chi hội CCB khối phố Cẩm Sa không có hội viên nghèo.
Bà Năm phối hợp với Ban công tác Mặt trận, Chi hội Phụ nữ, Nông dân, Đoàn thanh niên của khối phố tổ chức các hoạt động nhân dịp 27/7, 22/12, ngày lễ tết như: thăm hỏi gia đình chính sách, nấu bữa cơm tri ân tại nhà Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thăm gia đình có con đang thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Bà chủ trì vận động con cháu, người thân trong gia đình, tộc họ cùng nhau đóng góp an sinh xã hội, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Mỗi năm bà vận động xã hội hóa 20-30 suất quà tặng hội viên CCB khối phố, hội viên CCB xã Đắc Pring (Nam Giang). Đặc biệt, bà dành toàn bộ tiền phụ cấp chi hội trưởng hàng tháng nhận đỡ đầu con cựu chiến binh, cựu quân nhân có hoàn cảnh khó khăn. Bà luôn nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác hội.
Công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, gia đình văn hóa, hiến đất mở đường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị được bà Năm phối hợp tuyên truyền vận động trong hội viên và nhân dân thực hiện đạt 100%. Chi hội CCB khối phố Cẩm Sa là “lá cờ đầu” trong hoạt động hội trên địa bàn thị xã.
Việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ được bà chú trọng. Thường xuyên phối hợp với chi đoàn thanh niên tổ chức các buổi nói chuyện truyền thống cho thanh thiếu niên tại nhà bia ghi danh 7 Anh hùng liệt sĩ Điện Nam. Tổ chức hành trình tham quan các địa chỉ đỏ trong và ngoài tỉnh.
Năm 2021, bằng nguồn xã hội hóa và hội cấp trên hỗ trợ, Chi hội CCB Cẩm Sa trồng 700 cây xanh, gồm sao đen, cau, dừa, bằng lăng, bàng Nhật thông qua mô hình “Hàng cây xanh CCB”. Bà nhớ lại hồi mới trồng cây, thời tiết nắng nóng, từ 4 giờ sáng vợ chồng bà cùng thành viên chi hội đã phải dậy gánh nước tưới cây. Miệt mài chăm sóc nên tỷ lệ cây sống nhiều và hiện phát triển tốt.
Ông Nguyễn Phước Sáu - Chủ tịch Hội CCB thị xã Điện Bàn nhận xét: “Gương mẫu, nhiệt tình, trách nhiệm, hết lòng với công tác hội và phong trào địa phương, đồng chí Phan Thị Năm là nữ “thủ lĩnh” CCB tiêu biểu của thị xã nhiều năm liền. Với tinh thần trách nhiệm và nỗ lực trong công tác hội, Phan Thị Năm vinh dự là nữ CCB tiêu biểu tham dự Đại hội CCB gương mẫu tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019 - 2024”.