Để bảo vệ hàng nghìn héc ta rừng tự nhiên trên địa bàn, UBND huyện Bắc Trà My tiếp tục đề ra nhiều giải pháp mạnh, nhất là sau khi đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy về quản lý, bảo vệ rừng.
Các bên ký cam kết
UBND huyện Bắc Trà My cho biết, tình hình vi phạm về khai thác rừng lấy gỗ, mua bán, vận chuyển gỗ trái pháp luật vẫn còn tiếp diễn ở một số nơi, nhất là tại các khu vực giáp ranh với các huyện trong tỉnh và tỉnh Quảng Ngãi.
Trong khi đó, sự phối hợp giữa các ngành chức năng với chính quyền địa phương đôi lúc chưa chặt chẽ, đồng bộ. Một số địa bàn chưa chủ động, kịp thời nắm thông tin. Công tác phối hợp giữa các huyện giáp ranh chưa thực hiện đúng theo quy chế phối hợp, chưa thực hiện giao ban theo quy ước đã ký kết để nắm thông tin và rút ra những kinh nghiệm, từ đó có giải pháp hoạt động tốt hơn.
Theo thống kê, từ năm 2016 - 2020 ngành chức năng huyện Bắc Trà My tổ chức 447 đợt kiểm tra, truy quét, phát hiện và lập biên bản 536 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Tạm giữ hơn 700m3 gỗ xẻ và gỗ tròn, 39kg thịt động vật rừng. Đã xử lý 486 vụ; trong đó, xử lý hành chính 449 vụ và khởi tố 37 vụ án hình sự.
Ông Trần Toại - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, để công tác bảo vệ rừng thời gian tới đạt kết quả, Hạt Kiểm lâm đã ký bản cam kết với UBND huyện trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn; ở các xã, kiểm lâm địa bàn tham mưu đảng ủy, UBND cấp xã tổ chức ký cam kết với bí thư chi bộ, trưởng thôn và quân dân chính các thôn. Đối với các hộ dân sống gần và ven rừng, các hộ kinh doanh mặt hàng lâm sản, xưởng cưa xẻ, Hạt Kiểm lâm tổ chức ký cam kết về các nội dung liên quan. Đồng thời UBND huyện giao Hạt kiểm lâm tổ chức họp quán triệt nội dung các văn bản chỉ đạo trên đến từng bộ phận, cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị.
Phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tổ chức ký cam kết trong công tác quản lý, bảo vệ rừng giữa lãnh đạo đơn vị với Chi cục Kiểm lâm; giữa cán bộ, công chức, viên chức với lãnh đạo Chi cục và lãnh đạo Hạt kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, quán triệt cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị nêu cao tinh thần, trách nhiệm của người kiểm lâm trong quá trình tham mưu, xử lý thực thi công vụ trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách.
Nâng cao giá trị rừng
Ngoài cam kết, một trong nhiều giải pháp được UBND huyện đưa ra là giao Hạt Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện rà soát diện tích sản xuất ổn định, lâu dài của người dân trong vùng quy hoạch rừng phòng hộ thuộc lâm phận Ban quản lý Rừng phòng hộ. Qua đó có cơ sở đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng cho phù hợp tình hình thực tế tại địa phương.
Đối với những vùng quy hoạch rừng sản xuất, tập trung, UBND huyện giao các cơ quan, ban ngành chú trọng nâng cao giá trị rừng thông qua nâng cao năng suất và chất lượng rừng; xây dựng kế hoạch, quy hoạch cụ thể diện tích để trồng rừng gỗ lớn, theo hướng chuyển đổi từ trồng rừng bán dăm gỗ cho các nhà máy sang trồng rừng gỗ lớn phục vụ chế biến; đầu tư các dự án về trồng cây lâm sản ngoài gỗ trong rừng tự nhiên cho người dân… để nâng cao thu nhập cho người dân từ rừng tự nhiên, góp phần giảm thiểu áp lực vào rừng.
“UBND huyện chỉ đạo ngành chức năng rà soát các điểm nóng, thường xuyên xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra, truy quét ngăn chặn tình hình vi phạm ở những vùng trọng điểm. Đồng thời tiếp tục tổ chức kiểm tra hoạt động của các xưởng cưa xẻ trên địa bàn, truy xuất nguồn gốc lâm sản đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực chế biến lâm sản. Xử lý dứt điểm đối với các vụ việc, đặc biệt là các vụ vượt khung xử lý hành chính, không để bỏ lọt tội phạm; đôn đốc việc thi hành quyết định xử phạt hành chính đối với các vụ việc đã ban hành quyết định xử lý để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật” - ông Trần Toại khẳng định.