Bàn giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số

TÂM ĐAN 31/08/2023 12:10

(QNO) - Ngày 30/8, Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số tổ chức phiên họp chuyên đề lần thứ 2 với chủ đề “Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực”. Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số chủ trì phiên họp.

 
 Tại điểm cầu Quảng Nam, Giám đốc Sở TT-TT Phạm Hồng Quảng cùng đại diện các đơn vị dự hội nghị. Ảnh: PV

Phiên họp được kết nối trực tuyến với điểm cầu của 63 địa phương nhằm thảo luận các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc mà các bộ, ngành, địa phương gặp phải trong quá trình phát triển kinh tế số; đồng thời chỉ ra các nhiệm vụ cần tập trung triển khai nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực, địa phương đi vào thực chất, hiệu quả.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh tế số là một trong ba trụ cột của chuyển đổi số, là công cụ giúp bình ổn và tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% vào năm 2025 như Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra, ước tính kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3 - 4 lần tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20 - 25%/năm. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, thách thức, cần có giải pháp đột phá mới có thể đạt được.

Tại phiên họp, đại diện các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp đã trình bày các tham luận, chia sẻ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế số. Phiên họp đã thảo luận về không gian phát triển kinh tế số trong một số ngành, lĩnh vực được coi là mũi nhọn của kinh tế Việt Nam, đó là công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch; nông nghiệp; logistics và dệt may. 

Ngoài ra, các ý kiến nhấn mạnh, nền tảng số là cách tiếp cận đột phá để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Đồng thời cho rằng cách tiếp cận 4 bên hợp tác chặt chẽ để phát triển và thúc đẩy sử dụng các nền tảng số dùng chung quốc gia.

 
Các nền tảng thanh toán số được phát triển mạnh hiện nay. Ảnh: PV

Trong đó, bộ chủ quản xây dựng tính năng, đặt hàng doanh nghiệp công nghệ nòng cốt phát triển nền tảng; Bộ TT-TT là cầu nối chia sẻ để doanh nghiệp tiếp cận được tới các bài toán; doanh nghiệp nền tảng (doanh nghiệp nòng cốt) tìm ra bài toán của Việt Nam, giải bài toán Việt Nam bằng công nghệ và sự thấu hiểu bối cảnh và văn hóa Việt Nam.

Và thứ tư là địa phương trở thành nơi tiên phong triển khai thí điểm các mô hình mới, sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới, tạo thị trường cho doanh nghiệp phát triển dựa trên định hướng, chiến lược phát triển, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh để phát huy thế mạnh của địa phương, giải quyết các vấn đề nan giải của địa phương nhờ công nghệ số. 

Ngoài ra, cần thúc đẩy tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh tại các địa phương; hình thành ít nhất một trung tâm dữ liệu lớn vùng và một trung tâm chuyển đổi số tại mỗi vùng kinh tế trọng điểm. Qua đó tập trung các doanh nghiệp số, phát triển, thí điểm các giải pháp số, sản phẩm số, bồi dưỡng nguồn nhân lực số của vùng…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bàn giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO