Văn hóa - Văn nghệ

Bản quyền nghệ thuật - bảo vệ sự sáng tạo

TRẦN ĐỨC ANH SƠN 11/12/2024 13:13

(VHQN) - Xâm phạm bản quyền trong hoạt động văn hóa nghệ thuật trở thành vấn nạn ở Việt Nam lâu nay. Hệ lụy của nó là làm cho giá trị của hoạt động văn hóa nghệ thuật bị giảm sút, quyền lợi của tác giả bị thiệt hại, đánh mất niềm tin của công chúng và những người tham gia hoạt động văn hóa nghệ thuật.

cbq-04.jpg
Trích đoạn tranh động (Gif) Shuin-sen Kochi toko zukan trưng bày tại Công viên văn hóa Ấn tượng Hội An. Ảnh tư liệu của Hoàng Văn Minh.

Vài chuyện về bản quyền

Tại Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch ở Hội An có treo một bức tranh, vẽ lại từ tranh cuộn Shuin-sen Kochi toko zukan (Châu ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng đồ quyển) của Nhật Bản, miêu tả hải trình của “châu ấn thuyền” từ cảng Nagasaki vượt biển đến giao thương ở Hội An vào thế kỷ 17.

Bức tranh này cũng được trưng bày tại Công viên văn hóa Ấn tượng Hội An ở Cồn Bắp (TP.Hội An) dưới dạng tranh động (Gif) vào năm 2018, trong Tuần lễ văn hóa Việt - Nhật. Kích thước và màu sắc của hai phiên bản Shuin-sen Kochi toko zukan trưng bày ở hai địa điểm trên không hoàn toàn đúng với bản gốc đang trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Kyushu ở Fukuoka (Nhật Bản).

Lý do, khi những nhà nghiên cứu tặng phiên bản tranh cuộn này cho Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch ở Hội An, khi được phép tiếp cận, chụp ảnh bản gốc tranh cuộn này đều phải cam kết với Bảo tàng Quốc gia Kyushu là chỉ sử dụng cho việc nghiên cứu.

Trong trường hợp công bố bức tranh ở các ấn phẩm thương mại (sách, báo) hay trưng bày ở những nơi có bán vé tham quan thì phải xin phép Bảo tàng Quốc gia Kyushu, phải công bố xuất xứ bức tranh và không được thể hiện đúng y màu sắc và kích thước của tranh gốc.

Đó là vấn đề bản quyền. Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch và Công viên văn hóa Ấn tượng Hội An đã tuân thủ vấn đề bản quyền khi trưng bày bức tranh Shuin-sen Kochi toko zukan cho công chúng tham quan, thưởng lãm.

Trong khi đó, vào năm 2021, một sự kiện văn hóa nghệ thuật diễn ra tại Quảng trường Ngọ Môn (Huế), trên màn hình led phía sau sân khấu có trình chiếu nhiều hình ảnh về Huế để minh họa cho tiết mục múa rất đẹp mắt. Một số hình ảnh trình chiếu này đã sử dụng ảnh của nhiếp ảnh gia Lê Huy Hoàng Hải ở Huế, đã được công bố trên các phương tiện truyền thông.

Tuy nhiên, chương trình không xin phép tác giả, không hiển thị tên tác giả và xuất xứ những ảnh này khi trình chiếu. Sau đó, Lê Huy Hoàng Hải đã đăng chuyện này lên Facebook và tuyên bố sẽ kiện đơn vị tổ chức sự kiện vì đã sử dụng trái phép những ảnh này của anh.

Luật chưa nghiêm hay “dân ta” nhờn luật?

Việc xâm phạm bản quyền trong hoạt động văn hóa nghệ thuật đã trở thành vấn nạn ở Việt Nam lâu nay. Thông tin từ báo chí cho biết: Việt Nam là một trong 10 nước vi phạm bản quyền đứng đầu thế giới.

cbq-05.jpg
Trích đoạn tranh động (Gif) Shuin-sen Kochi toko zukan trưng bày tại Công viên văn hóa Ấn tượng Hội An. Ảnh tư liệu của Hoàng Văn Minh.

Theo kết quả khảo sát của “Dự án tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam” công bố vào tháng 10/2023: có 43% chủ thể sáng tạo ở Việt Nam từng bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các vi phạm chủ yếu thuộc quyền phân phối tác phẩm, quyền sao chép tác phẩm và quyền đứng tên tác phẩm.

Việc này không chỉ gây thiệt hại cho tác giả có tác phẩm bị vi phạm, mà ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng công nghiệp văn hóa.

Kết quả khảo sát của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, đóng góp của các ngành kinh tế dựa vào bản quyền ở Mỹ chiếm khoảng 12% GDP, ở Hàn Quốc là 10% GDP, ở Trung Quốc là 7,35% GDP, còn ở Việt Nam chưa tới 4% GDP. Nguyên do, tình trạng vi phạm bản quyền trong hoạt động văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam bị xem nhẹ, không được xử lý đúng mức.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 16/6/2022, đã quy định cụ thể về quyền tác giả. Hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến việc xử lý hành vi xâm phạm bản quyền cũng quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250 triệu đồng, đối với tổ chức là 500 triệu đồng, thậm chí, việc xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan sẽ có khung hình phạt cao nhất lên đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm…

Tuy nhiên, có vẻ những chế tài như trên chưa đủ mạnh và việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, nên “dân ta”, từ tổ chức đến cá nhân, vẫn cứ vô tư vi phạm quyền tác giả trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Làm sao bây giờ?

Vi phạm bản quyền là vấn nạn “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Để khắc phục, không chỉ nhà nước mà cả tác giả và đối tượng thụ hưởng đều phải tham gia vào quá trình này.

Trước tiên, nhà nước cần sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật phù hợp hơn với xu thế hiện tại, nhất là trong bối cảnh công nghệ phát triển (như sự “tham gia của AI” vào hành vi vi phạm bản quyền), đưa ra các hình phạt có tính răn đe cao hơn ở cả 3 mảng: hành chính, dân sự và hình sự.

Cần các thiết chế thích hợp nhằm chống hành vi vi phạm các quyền này, nhất là trên môi trường số, nhằm tăng cường bảo vệ quyền tác giả và các quyền liên quan.

Cạnh đó, thông qua các biện pháp phổ cập, tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau để nâng cao sự hiểu biết về quyền tác giả và các quyền liên quan cho cộng đồng, người thụ hưởng và cả tác giả, để họ cùng tham gia quá trình bảo vệ bản quyền, chống lại các hành vi vi phạm.

Các cơ quan có chức năng cấp phép hoạt động văn hóa nghệ thuật phải siết chặt việc kiểm tra bản quyền của các tác phẩm, tiết mục… ngay từ khi thẩm định để cấp phép biểu diễn, trưng bày, triển lãm, xuất bản… với những chứng lý và cam kết rõ ràng.

Nhà xuất bản yêu cầu nghiêm ngặt về bản quyền

v.jpg
Một bức ảnh được sử dụng để minh họa bài viết trong sách Unpacking Heritage in Contemporary Vietnam. Ảnh: Phan Phùng​

“Tôi có một bài nghiên cứu được chọn in trong cuốn sách Unpacking Heritage in Contemporary Vietnam, do Springer Nature xuất bản vào cuối năm nay. Trong bài viết, tôi có sử dụng 14 bức ảnh của 3 nhiếp ảnh gia khác nhau để minh họa nội dung nghiên cứu. Springer Nature yêu cầu tôi phải cung cấp giấy xác nhận cho phép sử dụng hình ảnh, với đầy đủ thông tin về nhân thân và chữ ký “tươi” của 3 nhiếp ảnh gia này, thì họ mới chấp thuận xuất bản 14 ảnh này trong bài viết của tôi”.(Trần Đức Anh Sơn)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bản quyền nghệ thuật - bảo vệ sự sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO