Cuộc sống thường ngày

Bằng La, mùa mưa đang tới

Ký của TRUNG VIỆT 17/08/2024 08:31

Ba mùa mưa đã qua, những cây bằng lăng đã ra trái. Ở ngôi làng Bằng La (Trà Leng, Nam Trà My) - làng mới của những người M’ Nông được dựng lại sau biến cố lũ quét năm 2020, tôi lại nghĩ về một mùa mưa nữa đang tới...

NGƯỜI TA LO NGẠI SẠT LỞ TỪ NÚI SAU LƯNG LÀNG, NẾU KHÔNG CÓ BIỆN PHÁP BẢO VỆ
Người dân lo ngại sạt lở từ núi sau lưng làng, nếu không có biện pháp bảo vệ Ảnh: T.V

1. “Tôi tin rằng chính trong vô thức tôi đã chọn lựa cư dân nghèo khổ, sống nhọc nhằn trong những không gian xã hội hạn hẹp, nhưng gắn bó trực tiếp với tự nhiên và với những tài nguyên của nó.

Rời bỏ thế giới của những đặc quyền và thích nghi với lối sống của người M’Nông Gar để hiểu họ hơn không chỉ là một thử thách mà còn làm cho bản thân tôi phong phú thêm lên, bởi vì tôi đã được hưởng tình bằng hữu của họ.

Họ đã rèn luyện nhân cách của tôi và đã bắt tôi – dù họ không ý thức được điều đó – tìm một phương pháp nghiên cứu tôn trọng được tập tục và ngôn ngữ của họ. Ðúng là tôi nợ họ quá nhiều!…”. (Trích Diễn từ nhận giải Việt Nam học – Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh năm 2009 của Georges Condominas).

Tôi đi Bằng La mà nhớ đoạn văn trên. Ai nghiên cứu về Tây Nguyên hẳn biết tác phẩm “Chúng tôi ăn rừng” của ông, mà trong một nhận định của mình, nhà dân tộc học Claude-Lévi Strauss đã viết: “Chúng tôi ăn rừng đã đánh dấu sự đăng quang trong nền văn học dân tộc học của một thể loại hoàn toàn mới, nổi bật vì sự gắn bó và hiện thực bản địa, sâu sắc hơn tất cả những gì từng có trước nay”.

Dân ở Bằng La là người M’Nông. Tôi không biết những người sau này học được gì ở họ như lời thú nhận đầy ơn nghĩa của Georges Condominas hay không, còn tôi, bóng họ không thể lẫn vào nơi khác, tộc người khác được. Bởi sau biến cố ghê gớm cuối năm 2020, hình như đôi mắt vốn sinh ra sử thi từ tổ tiên họ được thay bằng nỗi lo khi nhìn núi rồi nhìn sông Leng khi mùa mưa tới.

Giới nghiên cứu đã chỉ ra, người M’Nông là một tộc người cư trú lâu đời nhất Đông Nam Á. Ở Tây Nguyên, họ hiện diện là những chiến binh trên các thớt voi dũng mãnh. Ở Nam Trà My, như các dân tộc anh em khác, họ sống lâu đời trên các triền núi.

Biến cố lũ quét khiến dân nóc Ông Đề tang thương, và họ về Bằng La lập làng. Mà nói như Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My là anh Trần Duy Dũng, rằng diện tích 6ha này là mặt bằng hy hữu hiếm có ở huyện này. Bằng La nghĩa là đất bằng trên đó mọc tre, tranh. Sự thay đổi địa chỉ cư trú ở miền núi, càng ngày càng có thể gọi tên bất kỳ ai, bởi sạt lở lũ quét ngày càng kinh hoàng.

2. Sáng sớm, cả làng đâu chừng chưa tới 5 nhà mở cửa. Họ về làng cũ rẫy cũ cách đó chừng 4km để làm bởi đang mùa lột quế. Tiếc quá, tôi muốn gặp ông già Hồ Văn Đề lần nữa mà ông cũng ở rẫy mất rồi.

HỌ KHỎI PHẢI ĐI CHỢ, VÌ XE HÀNG LƯU ĐỘNG TỚI TẬN NHÀ
Người làng khỏi phải đi chợ, vì xe hàng lưu động tới tận nhà. Ảnh: T.V

Với tôi, ông như người M’Nông cổ sơ còn sót lại bởi đôi mắt đầy mây mù. Lớp người đi sau, những hoài niệm không có bởi thời gian không biệt đãi họ.

Còn với ông, nỗi mất mát của 8 người dân là cú chém ngang lưng đã đành, nhưng có lẽ đất xưa làng cũ với bao nếp ăn nếp ở truyền đời như máu thịt, có lẽ đã “chôn sống” ông, dẫu rằng chỗ ở mới mát mẻ, bình yên.

Cả làng này, duy nhà ông là còn thờ ông bà tổ tiên được ở bếp; trên ba hòn đá làm ông táo, nếu có chuyện phải cúng, thì họ bày đồ cúng lên đó.

Tôi vào nhà bà Hồ Thị Chiên, thấy bàn thờ ngay gian đầu như người Kinh. Hỏi, thì bà nói thì thờ rứa thôi. Chỗ ở khác, nên sinh hoạt cũng khác. Ăn theo thuở ở theo thời, đành vậy. Mọi thứ trượt qua, đành vậy.

Nguyễn Hoàng Thọ đang làm ở Sở TT-TT vốn là thổ địa vùng này. Anh nói, chính khu này anh nghe người ta kể trận lụt năm Thìn 1964 đã quét sạch cả một làng, may còn một bà có chồng ở Bắc Trà My nên sống sót. Nó hình thành một con suối, lâu ngày bao biến động, suối bị lấp. Đã 60 năm, bây giờ là Bằng La đó.

Tôi ngó làng tựa vào núi lớn, trên đó là cây keo xanh um. Tôi hỏi anh Hồ Văn Thủ: “Núi ni có cho bà con làm không?”. Anh nói: “Núi của Trà Dơn đó, họ cho mình đất lập làng thôi”.

Năm ngoái, người ta mở đường lên núi để xe chở keo đi. Nói thiệt tôi ớn lạnh khi nhìn con đường lớn kéo lên tới lưng chừng núi. Mở đường là đào núi, hình thành dòng chảy.

Bằng La là đất Trà Dơn nhưng thuộc thôn 2 Trà Leng. Bên kia cầu là Trà Leng, ngay gần mố cầu, người ta đang kè lớn, bởi sạt lở rất dữ. Giữ đất không cho sông lở đã đành, nhưng làm sao ngăn được lở núi, đất chảy?

Vẫn bà Hồ Thị Chiên trả lời tôi, là ở đây yên, không sợ. Người M’Nông có truyện cổ họ không sợ sấm sét bởi tổ tiên họ đánh thắng thần sét, nhưng sự lở núi lũ quét thì chẳng thấy nói, có lẽ lúc đó nạn vùi quét không như bây giờ. Không sợ, ít ra trong lúc này. Còn chuyện gần 4 năm trước? “Sợ lắm, mất hết, chết hết”, bà nói.

Chúng ta phải nói thẳng với nhau rằng, dòng chảy trên núi là phân thủy tự nhiên, được… lập trình tự nhiên, mọi sự cưỡng cầu chỉ có giá trị thời gian nào đó, rồi đúng chu kỳ của nó, sẽ “trả lại tên cho em”. Cho nên mọi tác động hiện tại phải hết sức cân nhắc để sau này đừng hối tiếc.

3. Họ về rẫy cũ để làm, dựng chòi ở để canh con heo rừng, bắt con nhím, con cá, kiếm rau mà ăn, trồng cây quế, cây keo để thu nhập. Ở đó còn là nơi cư trú của những giấc mơ ngày cũ, cả nỗi đau mất mát.

NHỮNG ĐỨA TRẺ NÀY CÙNG GIA ĐÌNH ĐÃ ĐI QUA 3 MÙA MƯA LŨ BÌNH YÊN
Những đứa trẻ này cùng gia đình đã đi qua 3 mùa mưa lũ bình yên. Ảnh: T.V

Còn Bằng La - đây chỉ là chỗ ở. Một chỗ ở cho bao thế hệ. Mùa mưa đang tới mà sông Leng trơ đá. Con sông của con cá con tôm, và đã chôn vùi thân xác bao người thân của họ - là nơi trú ngụ của những linh hồn xấu số.

Với người M’Nông, như Georges Condominas thuật lại tường tận, rằng với họ luôn kèm khái niệm trung tâm cùng với các phương của không gian, căn cứ vào điều kiện tự nhiên nơi họ cư ngụ là đầu sông, cuối sông, bên kia/bên này suối…

Tôi đứng trên cầu nhìn đá như bày ra thạch trận. Tự hỏi, đâu là chỗ cụ thể để linh hồn người mất không còn bay mỏi, khi lũ cuồng nộ trận đó, và bây giờ họ ở đâu? Người chết cũng đã chết rồi, nỗi đau sẽ nguôi dần theo tháng năm. Nhắc lại để thấy mà sợ.

Tôi lên đây, khi động đất ở Kon Tum đang tạm yên. “Động đất sợ không?”, tôi hỏi cháu Lê Thị Hiếu đang đứng bán quầy tạp hóa ở làng, Hiếu đáp sợ chứ chú, nghe rùng rùng, chạy ra ngoài hết. Bạn tôi ở Tăk Pỏ nói vợ em bồng con chạy mà chân quýnh lên. Trăm sự do thủy điện mà ra. Nước nổi giận đấy. Người ta đã đối xử không đàng hoàng với nước, và nó trả đũa.

Trường Mẫu giáo Trà Leng nằm ở trung tâm khu Bằng La, đang mùa hè nên chỉ có mấy cô giáo vẫn lu bu với công việc. Cô Trần Thị Diệu Ni cho hay ở đây có 77 cháu trong tổng số hơn 130 cháu cả xã.

Ba mùa mưa đã đi qua, những cây bằng lăng ở đây đã ra trái. Mười lăm năm nữa, những công dân bé nhỏ nơi này sẽ là chủ nhân mới của làng. Không biết có ai sẽ kể cho chúng nghe chuyện cũ đau thương?

Nếu như theo Georges Condominas đã khái quát, làm sao giữ chúng sống tốt trong mối quan hệ gắn bó với tự nhiên và tài nguyên vốn có trong không gian không còn hạn hẹp nữa, là một câu chuyện không dễ dàng.

Đừng nghĩ rằng đây là đòi hỏi xa vời. Khi mùa mưa đang tới, và sẽ có bao nhiêu mùa mưa nữa trải trên đời chúng, giữ được sự gắn bó như chính khởi thủy tổ tiên, mà chúng ta hay nói là bản sắc, nào có dễ gì, khi ngọn núi này con sông kia có thể biến mất…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bằng La, mùa mưa đang tới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO