Theo gương Bác

Gương sáng người đứng đầu ở vùng cao

HỒ QUÂN (hotranminhquanbc@gmail.com) 16/05/2025 08:20

Với phương châm “lấy dân làm gốc”, ông Lê Trung Thực - Chủ tịch UBND xã Trà Don (Nam Trà My) không chỉ là cán bộ gần dân, sát cơ sở mà còn là hạt nhân tạo nên những chuyển biến rõ nét trong công cuộc ổn định dân cư và giảm nghèo bền vững ở địa phương.

LE TRUNG THUC
Ông Lê Trung Thực - Chủ tịch UBND xã Trà Don (Nam Trà My). Ảnh: HỒ QUÂN

Linh hoạt thực hiện chính sách an cư

Về nhận nhiệm vụ tại xã Trà Don từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 sau thời gian công tác tại Phòng Tài chính - kế hoạch huyện Nam Trà My, ông Lê Trung Thực bắt tay ngay vào việc then chốt: sắp xếp, ổn định dân cư. Một trong những dấu ấn đầu tiên là việc di dời khẩn cấp các hộ dân nóc Tắk Tố (thôn 3) sau khi phát hiện dấu hiệu sạt lở cuối năm 2021.

Với tinh thần quyết liệt, không chờ đợi, ông Thực chủ động đề xuất huyện sắp xếp dân cư theo Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh và trực tiếp khảo sát, chọn vị trí thuận lợi để bố trí dân cư lâu dài, đảm bảo điều kiện đầu tư hạ tầng thiết yếu.

Phát huy kinh nghiệm công tác tài chính, ông Thực chi tiết hóa từng hạng mục đầu tư để hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở kiên cố, đầy đủ điện, nước sinh hoạt. Đồng thời vận động người dân góp công, giúp nhau dựng nhà, san nền, vận chuyển vật liệu… vừa tiết kiệm chi phí, vừa tăng sự gắn kết cộng đồng.

“Khi sắp xếp dân cư, chúng tôi tạo điều kiện để bà con có căn nhà ưng ý nhất, phù hợp điều kiện kinh tế và văn hóa bản địa, song phải có sự giám sát, kiểm tra của cán bộ xã về chất lượng. Đây là cách để người dân trân quý, gìn giữ tài sản mà Nhà nước hỗ trợ, các hộ giúp nhau thực hiện, thay vì xây nhà kiên cố rồi di dời bà con vào ở” - ông Thực nói.

Xã Trà Don là một trong những điểm sáng xóa nhà tạm ở Nam Trà My. Ảnh: HỒ QUÂN

Không chỉ thực hiện tốt chủ trương sắp xếp dân cư từ các Nghị quyết 12/2017 và Nghị quyết 23/2021 của HĐND tỉnh, dưới sự điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chủ tịch UBND xã Lê Trung Thực, Trà Don còn là điểm sáng trong xóa nhà tạm. UBND xã Trà Don đã phân công trách nhiệm cho từng thành viên UBND xã đứng điểm, phụ trách từng thôn, từng khu dân cư nắm bắt kịp thời những vấn đề khó khăn vướng mắc để tập trung tháo gỡ.

Cùng với đó, mở các lớp đào tạo nghề mộc, nghề thợ xây và thành lập các nhóm thợ để vừa đẩy nhanh tiến độ làm nhà, vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương. Đồng thời huy động được gần 3.000 ngày công lao động để giúp các hộ xóa nhà tạm tiết kiệm chi phí vận chuyển vật liệu, đào đắp, gia cố nền móng nhà ở...

Ngoài ra, địa phương cũng huy động hơn 1,1 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa và vận động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn hỗ trợ máy móc, thiết bị, một phần vật tư vật liệu để làm mới hoặc sửa chữa nhà ở. Huy động 360 triệu đồng nguồn vốn cho vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Trà My để cho các hộ gia đình có nhu cầu vay vốn cải thiện chất lượng nhà ở.

“Đến hết năm 2024, xã Trà Don đã hoàn thành việc hỗ trợ sửa chữa hoặc làm mới nhà ở cho 283 hộ gia đình. Về cơ bản hiện nay trên địa bàn xã không còn nhà tạm, nhà ở dột nát. Các mô hình nhà ở hỗ trợ được triển khai phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đảm bảo bền vững, tiết kiệm, thân thiện môi trường” - ông Thực cho biết.

Gieo niềm tin, dựng ý chí vươn lên

Từ một địa bàn khó khăn, xã Trà Don đang vươn mình mạnh mẽ từ sự kiên trì thực hiện phương châm “lấy dân làm gốc” theo gương Bác Hồ vĩ đại của đội ngũ lãnh đạo xã. Trong đó, phát huy tinh thần nêu gương của người đứng đầu, ông Thực tích cực gặp gỡ, lắng nghe, giải đáp tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

LE TRUNG THUC 2
Ông Lê Trung Thực (thứ 2 bên trái) vận động di dời người dân nóc Tu Hon (thôn 2, xã Trà Don) ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở. Ảnh: HỒ QUÂN

Theo ông Thực, gần dân là cách nhanh nhất hiểu rõ về đời sống, văn hóa của địa bàn dân cư và những vướng mắc về chính sách trong thực tiễn. Từ đó, lãnh đạo địa phương điều chỉnh phù hợp và linh hoạt trong hình thức dân vận để người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm.

Đơn cử như việc rà soát hộ nghèo, có một thời gian cán bộ xã gặp khó trong việc đánh giá chính xác điều kiện từng hộ theo tiêu chí giảm nghèo đa chiều. Bởi nhiều hộ dân vẫn còn trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo nên khai báo thông tin chưa đúng với thực tế.

“Cán bộ phải gần gũi, kiên trì vận động. Khi đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu, làm việc dân chủ, công tâm và không vụ lợi cá nhân thì sẽ tạo đồng thuận cao. Nhờ vậy, những năm qua, việc rà soát, công nhận hộ nghèo trên địa bàn xã luôn đảm bảo khách quan, chính xác và không có trường hợp khiếu nại, khiếu kiện về kết quả công nhận hộ nghèo” - ông Thực nói.

Qua rà soát, xã Trà Don cơ bản đạt 16/19 tiêu chí, các thôn đều đạt trên 5 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm, từ 414 hộ (tỷ lệ 66,35%) năm 2021 đã giảm xuống còn 107 hộ nghèo (16,88%) vào năm 2024. Đây là kết quả đáng mừng, song với ông Thực, niềm vui thực sự của người đứng đầu chính quyền xã ở vùng cao là tạo dựng được tinh thần đoàn kết, tự lực vươn lên của người dân.

Rõ nhất, khi UBND xã Trà Don triển khai các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo nhóm hộ, đã có có gần 400 hộ tham gia. Làm ăn chung, các hộ tích cực phát huy tinh thần trách nhiệm, tạo động lực cho nhau để xây dựng mô hình hiệu quả. Đây là tiền đề để giảm nghèo bền vững ở vùng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gương sáng người đứng đầu ở vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO