(QNO) - Những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông Thu Bồn, Vu Gia trên địa bàn huyện Đại Lộc diễn ra nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân.
Khoảng 3 năm trước, 2 sào đất sát mép sông Thu Bồn của gia đình bà Lương Thị Hằng (thôn Thuận Hòa, xã Đại Thắng, Đại Lộc) vẫn có thể canh tác rau màu 2 vụ/năm. Nhưng gần đây, do dòng chảy thay đổi, bờ sông liên tục sạt lở khiến diện tích đất này giờ đã bị nước sông nhấn chìm.
Bà Hằng cho biết, khoảng 300m2 đất vườn dọc theo bờ sông cũng đang sạt lở nghiêm trọng. Đất trong vườn thì trượt lở xuống sông mỗi khi nước dâng cao. Nhiều vị trí trượt lở đã hình thành những vệt đứt gãy, kéo dài khiến cây cối trong vườn ngã đổ, nguy cơ ảnh hưởng đến móng nhà.
Theo quan sát của bà Hằng, chỉ 2 năm gần đây, bờ sông đã sạt lở vào phía vườn nhà bà hơn 2m và chưa có dấu hiệu dừng lại. Để chủ động phòng chống sạt lở, gia đình bà mua gạch, đá, xi măng xây bờ bè khoảng 5m ngăn đất trượt lở.
“May mắn, trước đây gia đình tôi có trồng tre dọc bờ sông nên một số khu vực đất còn giữ lại, nếu không đã trôi hết xuống sông. Đáng lo là những trận mưa lớn vừa qua, nước sông dâng cao khiến nhiều bụi tre to cũng bị nước cuốn trôi. Với mức độ sạt lở nghiêm trọng hiện nay, không biết bờ kè và tre dọc sông sẽ giữ đất được bao lâu” – bà Hằng cho biết.
Theo ông Trần Công Phụng - Chủ tịch UBND xã Đại Thắng, hiện gần 1km bờ sông Thu Bồn thuộc địa bàn 2 thôn Thuận Hòa và Phú Xuân của xã bị sạt lở nghiêm trọng. Ngay khi xuất hiện sạt lở, địa phương đã cắm biển cảnh báo, có giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân mùa mưa lũ. Ở một số khu vực xung yếu, người dân chủ động đan mành tre kè chắn bờ sông để ngăn sạt lở.
“Tình trạng sạt lở diễn biến nhanh, phức tạp trong vài năm gần đây nên người dân rất lo lắng. Trong buổi tiếp xúc với đại biểu Quốc hội mới đây, cử tri liên tục kiến nghị về vấn đề này. Các đoàn kiểm tra của tỉnh, huyện đã khảo sát thực tế, song việc đầu tư kè kiên cố vượt quá thẩm quyền nên đã tổng hợp, đề xuất trung ương xem xét” – ông Phụng cho biết.
[VIDEO] - Một vị trí sạt lở bờ sông nghiêm trọng tại xã Đại Thắng:
Tại xã Đại Cường, nhiều tuyến kè sông Vu Gia, Quảng Huế liên tục sạt lở khiến người dân rất bất an. Hiện toàn xã đang có 4 vị trí sạt lở kè nghiêm trọng, với tổng chiều dài thiệt hại khoảng 885m, trong đó sạt lở 785m, bong tróc 100m.
Theo cán bộ địa chính – xây dựng xã Đại Cường, có khoảng 600m chiều dài kè bị sạt lở trong những năm trước. Còn mới đây, có 185m kè sông Vu Gia (thuộc thôn Khương Mỹ) bị sạt lở, vị trí sạt lở gần nhất chỉ cách đường ĐX3 khoảng 3m. Nếu tình trạng sạt lở tiếp tục diễn biến phức tạp và không có biện pháp tu bổ, sửa chữa kè kịp thời, thì hơn 210 hộ thôn Khương Mỹ sẽ đối mặt với nguy cơ bị chia cắt.
[VIDEO] - Một vị trí kè sông Vu Gia bị sạt lở nghiêm trọng:
Còn tại tuyến kè sông Quảng Huế (thôn Quảng Đại), vệt sạt lở kéo dài 215m đang tiếp tục trượt lở đất và ngày càng mở rộng. Theo ghi nhận, nhiều vị trí kè bị sạt lở, hở hàm ếch, ăn sâu vào các đường giao thông nông thôn gây ra các đoạn gãy nứt.
Ông Phan Phước Mơ – Chủ tịch UBND xã Đại Cường kiến nghị: "Phần lớn các tuyến kè trên địa bàn xã đã đầu tư, xây dựng hơn 15 năm. Do những năm gần đây, áp lực dòng chảy thay đổi, mức chênh cao giữa 2 sông chính Vu Gia - Thu Bồn khiến nhiều vị trí bị sạt lở nặng. Chúng tôi đề nghị các ngành hữu quan khẩn trương khảo sát, có biện pháp gia cố kịp thời các vị trí xung yếu để giảm thiểu thiệt hại do sạt lở gây ra, giúp người dân an tâm sinh sống, sản xuất”.
Toàn huyện Đại Lộc hiện có 30 vị trí sạt lở bờ sông, trong đó có khoảng 10 điểm sạt lở nghiêm trọng ven sông Vu Gia, Thu Bồn, Quảng Huế. Hiện nay địa phương đang thi công dự án kè chống sạt lở gần 300m bờ sông Quảng Huế (đoạn qua thôn Phú Nghĩa, xã Đại An). Còn các điểm còn lại chưa thể triển khai xây dựng, sửa chữa do thiếu kinh phí đầu tư hoặc vượt thẩm quyền.