Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Quảng Nam luôn tiên phong, đổi mới truyền thông đem lại nhiều kết quả tích cực. Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Danh - Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết:
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Quảng Nam đã xây dựng được 36 “Điểm sáng tuyên truyền” tại 36 thôn, khối phố của 12 địa phương, với nhiều hoạt động truyền thông, triển khai hơn 500 panô tuyên truyền, thiết kế và sản xuất 18.000 áp phích QR tra cứu chính sách BHXH, BHYT thông qua việc quét mã QR được dán tại mỗi nhà dân và các địa điểm công cộng.
Định kỳ BHXH tổ chức tuyên truyền lưu động tại các địa điểm đông dân, chợ, hội chợ thương mại... BHXH tỉnh còn phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT trên xe buýt công cộng...
* Kết quả đạt được trong công tác truyền thông của BHXH Quảng Nam thật ấn tượng và có lẽ hiệu quả đem lại cũng rất xứng đáng, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Danh: Thực hiện Nghị quyết số 96 của Ban cán sự đảng BHXH Việt Nam về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông trong tình hình mới, BHXH Quảng Nam xác định công tác truyền thông là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), phải được tiến hành một cách chủ động, thường xuyên, liên tục.
Bám sát tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 96 của Ban cán sự đảng BHXH Việt Nam, trong điều kiện Quảng Nam là một tỉnh có lượng dân số đông, dân số trong độ tuổi lao động khá dồi dào, số lượng đầu mối đơn vị hành chính và chủ sử dụng lao động khá lớn…, trong gần 7 năm qua, BHXH tỉnh đã luôn quyết liệt trong tổ chức thực hiện công tác truyền thông để hướng đến BHYT toàn dân và BHXH cho mọi người lao động.
Truyền thông đã tác động tích cực đến việc thực hiện các chính sách. Kết quả tính đến hết năm 2023, số người tham gia BHXH (bắt buộc và tự nguyện) là 227.007 người (tăng 37,71% so với năm 2017); số người tham gia BHYT hơn 1,47 triệu người (tăng 6.09%% so với năm 2017), đạt độ bao phủ 96,8% (cao hơn bình quân toàn quốc); số thu BHXH, BHYT đạt 5.206 tỷ đồng (tăng 58,76% so với năm 2017).
* Ông nêu một số cách làm được BHXH Việt Nam đánh giá cao, mang lại tác động tích cực đến việc thực hiện chính sách?
Ông Nguyễn Thanh Danh: Khi Nghị quyết số 96 được triển khai, một số giải pháp cụ thể được thực hiện ngay, như nhanh chóng kiện toàn đội ngũ làm công tác tuyên truyền từ BHXH tỉnh đến BHXH huyện, thị xã, thành phố và đưa ra mục tiêu phấn đấu “Mỗi công chức, viên chức và người lao động sớm là một tuyên truyền viên giỏi”; “Lựa chọn phương pháp và các hình thức tuyên truyền phù hợp, hiệu quả đối với từng nhóm đối tượng”; “Nhân rộng gương người tốt, việc tốt trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT và phê phán những tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật BHXH, BHYT”…
Tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT qua nghệ thuật hô hát bài chòi về tận cơ sở, chuyển tải các thông điệp đến người dân như “Tham gia BHXH là đầu tư cho tương lai”; “BHXH giúp bạn giảm bớt khó khăn về tài chính khi gặp rủi ro trong cuộc sống”, “Tham gia BHXH là bảo vệ cuộc sống của mỗi gia đình”, “Hướng tới mục tiêu thực hiện BHXH toàn dân là góp phần xây dựng sự nghiệp an sinh bền vững”…
Nhạc chờ tuyên truyền BHXH tự nguyện triển khai được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân và người lao động đánh giá rất cao. “Nhạc chờ trên điện thoại di động” có nội dung về BHXH tự nguyện, BHYT trên điện thoại di động đã được Cục bản quyền tác giả (Bộ VH-TT&DL) cấp chứng nhận đăng ký quyền liên quan của BHXH tỉnh và sản phẩm truyền thông “Nhạc chờ trên điện thoại di động” đã được BHXH Việt Nam công nhận là sáng kiến cấp ngành. Đến nay đã có hàng chục BHXH tỉnh, thành phố trong cả nước đã triển khai, cài đặt nhạc chờ tuyên truyền BHXH tự nguyện của BHXH Quảng Nam.
* Ngoài các hoạt động tích cực như trên, còn có “điểm nhấn” nào ấn tượng trong hoạt động truyền thông không, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Danh: “Điểm nhấn” khá nổi bật của BHXH Quảng Nam là đã phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh tổ chức Giải báo chí tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT. Trong 7 năm thực hiện Nghị quyết số 96 thì giải báo chí đã đi được chặng đường 5 năm.
Đồng hành với giải Báo chí Huỳnh Thúc Kháng thực hiện vào dịp kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6) hàng năm nên sức lan tỏa của giải rất lớn, được đông đảo các cơ quan báo chí, truyền thông, nhà báo, phóng viên quan tâm tham gia. Số lượng tác phẩm tham gia dự thi tăng dần qua các năm.
Đến nay đã có hơn 150 tác phẩm của 89 tác giả, nhóm tác giả tham gia giải gồm có các loại hình báo in, báo hình, báo nói và báo điện tử từ đông đảo cơ quan thông tấn, báo chí trung ương, khu vực và địa phương.
Trong đó, nhiều cơ quan báo chí có nhà báo, phóng viên tham gia dự giải thường xuyên gồm, như Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam, VTV8, các đài truyền thanh - truyền hình huyện, Tạp chí BHXH, Tạp chí Lao động và Công đoàn, Thông tấn xã Việt Nam, Báo tin tức, Báo Công an nhân dân, Báo Nhân dân, Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam... Các tác phẩm viết về BHXH, BHYT đã góp phần rất quan trọng đồng hành đưa chính sách đến với người lao động, nhân dân.
* Xin cảm ơn ông!
Chuyển cơ quan điều tra đơn vị không hợp tác đóng bảo hiểm xã hội
UBND tỉnh vừa có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu thực hiện các giải pháp để hạn chế tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ và phối hợp với các cấp, các ngành, nhất là BHXH tỉnh thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động và nhân dân trên địa bàn.
Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Đó là việc chậm đóng, chây ỳ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động theo quy định định của pháp luật vẫn còn diễn ra và ở mức cao, số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp của khối doanh nghiệp hơn 246,7 tỷ đồng.
Một số đơn vị còn chậm khắc phục, chậm đóng sau khi có kết luận thanh tra chuyên ngành; một số đơn vị có quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cấp có thẩm quyền nhưng vẫn không thực hiện nghĩa vụ.
Để khắc phục tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến, UBND tỉnh yêu cầu cần tiếp tục làm tốt hơn công tác tuyên truyền, đối thoại với doanh nghiệp và người đứng đầu doanh nghiệp một cách thường xuyên, ngay từ đầu (thời gian đầu doanh nghiệp mới thành lập; đầu tháng, đầu quý, đầu năm…).
Từ đó phân loại, phân nhóm đơn vị để có những giải pháp phù hợp trong công tác đôn đốc thu, thu hồi tiền chậm đóng BHXH, BHYT. Đối với nhóm đơn vị thật sự khó khăn, gặp nhiều nguyên nhân bất khả kháng nhưng có tinh thần hợp tác, cầu thị thì phải động viên, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, cam kết lộ trình thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, làm tốt trách nhiệm của mình.
Với nhóm đơn vị có khả năng trả nợ nhưng chây ỳ, thiếu hợp tác, cố tình trốn tránh thì phải kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật, cùng phối hợp củng cố hồ sơ, thực hiện quy trình để chuyển cơ quan điều tra đưa ra xử lý hình sự một số đơn vị chây ỳ, lẩn tránh, không hợp tác.
UBND tỉnh cũng yêu cầu BHXH tỉnh rà soát, thống kê số tiền mà các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng, đặc biệt là tiền lương của người lao động đã được chủ sử dụng lao động trích lại (10,5%) để đóng BHXH, BHYT nhưng chiếm dụng làm việc khác, báo cáo số liệu trên với các cơ quan, đơn vị liên quan có biện pháp xử lý tương ứng, phù hợp.
LÊ DIỄM