Văn hóa

Bảo quản văn khắc trên đá

HÀ SƯƠNG 08/12/2024 09:15

Từ đầu thế kỷ 20, các học giả Pháp đã phát hiện bia ký khắc trên đá tự nhiên, trên những khối văn bia, trên những cấu kiện kiến trúc tại các khu đền tháp, tượng hay phù điêu, trên những đồ vật kim loại và gốm… Đây là nguồn tư liệu lịch sử quan trọng trong việc nghiên cứu di sản văn hóa Chăm.

453-202411201350589.jpg
Bia ký Lạc Thành hiện được trưng bày tại tháp Bằng An.

Những bia ký Champa trên đất Quảng Nam được chạm khắc trong thời gian khá lâu. Trải qua những thăng trầm và tác động từ thiên nhiên, con người, nhiều nét chữ Chăm đã bị phong hóa, bào mòn, hư hại khá nhiều, có cả những văn bia bị đục khoét, lấy cắp... Việc bảo vệ các bản văn khắc góp phần vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của Việt Nam.

Chống rêu mốc

Các văn khắc trên đá phát hiện ở Quảng Nam có thể phân thành các văn khắc trên đá tự nhiên ở các địa điểm khảo cổ, các văn khắc trên những tảng đá được đục đẽo đặt trước các ngôi đền, văn khắc trên cửa chính, bậc thang, văn khắc phía sau các bức phù điêu…

Dù đá là vật liệu thiên nhiên, chịu lực, chịu mài mòn và tác động sinh học tốt nhưng khi ở ngoài trời dễ bị nứt, bị phong hóa do nắng, mưa và các vi sinh vật xâm hại. Nếu lâu ngày, có thể gây ra tổn thất lớn cho các văn bản. Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã đề xuất nhiều phương pháp để bảo quản, bảo tồn các văn khắc trên đá.

Theo đó, trước hết cần điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng, mức độ hư hại cụ thể đối với các văn khắc đã phát hiện và lưu giữ trên địa bàn toàn tỉnh.

Ngày nay, tất cả chuyên gia đều đồng ý rằng chẩn đoán mức độ hư hại chính xác là điều kiện tiên quyết để hiểu được nguyên nhân, quá trình và đặc điểm của hư hại đá và để bảo tồn di tích bền vững. Trong vài thập kỷ qua, nghiên cứu liên ngành và các công nghệ mới đã được đưa vào chẩn đoán hư hại, phong hóa của đá để lên phương án bảo tồn, hiện vật.

Đối với các bia đá tự nhiên như các bia ký Hòn Cụp, Hố Nhi, Samo, Thạch Bích, cơ quan quản lý văn hóa ở địa phương cần khoanh vùng bảo vệ địa điểm khảo cổ. Ngoài ra cần vệ sinh bề mặt di tích, bảo vệ tránh khỏi sự xâm nhập của các vi sinh vật, động vật sinh sống. Ngăn chặn quá trình ăn mòn bề mặt đá bằng cách trung tính hàm lượng các khoáng chất đã xâm nhập vào trong bề mặt chất liệu đá.

Ưu tiên hàng đầu trong bảo quản văn khắc bằng đá là thực hiện các quy trình chống rêu, mốc cho đá, từ vệ sinh bên ngoài, diệt rễ trong lớp mặt, tẩm chất diệt rêu trong vật liệu và tạo màng siêu kỵ nước lên bề mặt.

Phủ bề mặt bằng công nghệ mới

Hiện nay, nhiều công trình và di tích trên thế giới sử dụng công nghệ bảo vệ vật liệu tự làm sạch với thời gian sử dụng lâu dài và nhiều ưu điểm.

453-202411201350587.jpg
Bia ký Samo (xã Lăng, huyện Tây Giang, Quảng Nam)

Tại Việt Nam, có thể nghiên cứu bảo tồn bằng công nghệ nano. Đây là công nghệ còn mới mẻ, mới đưa vào ứng dụng mang tính thể nghiệm tại vài di tích của nước ta.

Tạo ra các bản sao số chính xác của các di vật, địa điểm và cảnh quan khảo cổ mà không làm hại đến chúng cũng là giải pháp tận dụng khoa học công nghệ hiện nay.

Trước đây, hầu hết bản văn khắc ở Quảng Nam đã được các nhà khảo cổ học người Pháp hỗ trợ trong việc dập, dịch và giải mã (trừ các bản khắc mới như văn khắc trên đá ở Hố Nhi). Tuy nhiên, do cấu tạo của đá tự nhiên, nhiều loại không bằng phẳng, nhiều chữ khắc trên đá đã bị mài mòn nên có nhiều bản dịch chưa chuyển tải được hết các thông tin.

Trên thế giới, nhiều phần mềm xử lý hình ảnh kỹ thuật số đã được các nhà nghiên cứu ngôn ngữ áp dụng. Điều này nhằm làm cho các văn khắc trên đá bị mờ nét dễ đọc hơn và sử dụng các công nghệ kỹ thuật số tạo ra bản sao cho các hiện vật.

Cạnh đó, nhiều công nghệ scan 3D phát triển không chỉ đem lại sự chính xác và chi tiết, mà còn mở ra cánh cửa mới cho việc nghiên cứu và bảo tồn loại hình di tích đặc biệt này.

Bằng cách sử dụng máy quét 3D, các nhà khảo cổ có thể lưu giữ những chi tiết tinh xảo và phức tạp một cách chính xác. Điều này không chỉ giúp bảo tồn di sản vật lý mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, phân tích và hiểu biết sâu hơn về lịch sử và văn hóa của nhân loại.

*
* *

Theo các nhà nghiên cứu Tây phương, người Chăm đã sử dụng một loại chữ viết khá sớm để tạc khắc chữ trên các bia đá. Nội dung trên một số bia ký ở Champa cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin có giá trị khoa học về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, lễ nghi và cương vực lãnh thổ của Champa. Đây là nguồn tài liệu vô cùng quan trọng trong nghiên cứu văn hóa Champa.

Quảng Nam là vùng đất trọng yếu nhất trong lịch sử vương quốc Champa. Với may mắn đó, ở Quảng Nam có rất nhiều di sản văn hóa Champa, đặc biệt di sản văn khắc trên đá còn được lưu giữ lại cho tới hiện nay. Lưu giữ kho tàng tri thức này là một điều may mắn đồng thời cũng là thách thức đối với những người làm công tác bảo tồn di sản ở Quảng Nam.

Từ những công nghệ hiện đại vừa được đề cập và những công nghệ khoa học tiên tiến đang được phát minh, đổi mới hằng ngày, cần thiết có sự quan tâm hơn nữa của chính quyền địa phương, giới nghiên cứu, bảo tồn di sản cả nước cùng chung tay bảo vệ những di sản quý báu này.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo quản văn khắc trên đá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO