Văn hóa

Hoàng hậu Champa trong văn bia Chăm và sử Việt

VÕ VĂN THẮNG 12/11/2024 13:30

(VHQN) - Ngàn năm đã trôi qua, câu chuyện của những hoàng hậu, cung phi Chiêm Thành/Champa vẫn gợi nên nhiều cảm xúc và nhận được sự đồng cảm của nhiều thế hệ mỗi khi giở trang sử cũ và tham quan cổ tích.

d.jpg
Tượng Nữ thần Devi (Bảo vật quốc gia), tìm thấy ở Hương Quế (Quế Sơn, Quảng Nam), được cho là hình ảnh của Hoàng Hậu Haradevi. Ảnh:BTLS - TP.Hồ Chí Minh

Hoàng hậu trong văn khắc Chăm

Di tích Chăm ở Đồng Dương (Thăng Bình) nổi tiếng với quy mô kiến trúc, tượng thờ và tấm bia (ký hiệu C 66) có ghi niên đại năm 875 dưới thời vua Indravarman.

Văn khắc C 66 tôn vinh vua Indravarman là người đã có được ngôi vua bằng chính tài năng và đức hạnh của mình, chứ không phải nhận sự truyền ngôi từ cha ông.

Vua Indravarman quả thật đã mở ra một giai đoạn hưng thịnh của Champa. Chứng tích còn để lại đến nay ở nhiều di tích và văn bia không chỉ ở vùng Quảng Nam mà cả các địa phương phía bắc đèo Hải Vân.

Trong các văn bia của thời đại Indravarman, có một văn bia đặc biệt tôn vinh Hoàng hậu Haradevi (ký hiệu C 67). Nội dung văn khắc ngợi ca hoàng hậu với vẻ đẹp về dung nhan và đức hạnh.

“Bà tự hào vì được phụng sự người chồng yêu quý; bà luôn hướng đến chân lý cao cả; bà sử dụng sự giàu có của mình phục vụ ước vọng tâm linh và thể hiện đức hạnh bẩm sinh; bà thường xuyên gửi tặng vật cho các tu sĩ và tất cả những người đức hạnh… Bà được tất cả những người cao tuổi trong hoàng gia yêu thích và luôn cầu nguyện cho bà những điều tốt đẹp” (Louis Finot, BEFEO, 1904, trang 67).

Đây là một văn bản hiếm hoi cho ta biết về vai trò và đóng góp của người phụ nữ Champa, đặc biệt là khi họ có chồng là những nhân vật ở các vị trí quan trọng trong xã hội. Chúng ta không rõ họ tham gia chính sự ở mức độ nào, nhưng biết rằng những phụ nữ quý tộc Chăm là hình ảnh được cộng đồng tôn kính, với những tính cách mang tính chuẩn mực cho đạo đức chung.

Nữ trinh liệt

Rời khỏi văn khắc Chăm, chúng ta bắt gặp hình ảnh một hoàng hậu Mỵ Ê đã trở thành huyền thoại trong sử sách.

Năm 1044, vua Lý Thái Tông mang đại quân tấn công Chiêm Thành. Vua Chiêm là Sạ Đẩu tử trận ở chiến trường. Vua nhà Lý tiến vào kinh đô Phật Thệ, bắt hoàng hậu, cung phi, mỹ nữ của vua Chiêm; rồi dong thuyền quay về.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Khi đến hành điện Ly Nhân, (vua) sai nội nhân thị nữ gọi Mỵ Ê là phi của Sạ Đẩu sang hầu thuyền vua. Mỵ Ê phẫn uất khôn xiết, ngầm lấy chăn quấn vào mình nhảy xuống sông chết. Vua khen là trinh tiết, phong là Hiệp Chính Hựu Thiện phu nhân”.

Sách “Việt Điện U Linh”, “Lĩnh Nam Chích Quái”, chép những chuyện thần kỳ, truyền tụng trong dân gian từ thế kỷ 14, 15, đều có ghi chép câu chuyện Mỵ Ê.

Sử Đại Việt cho biết thêm rằng, cũng trong sự kiện năm 1044, vua nhà Lý đã đưa nhiều tù binh Chiêm Thành về bố trí định cư ở các làng xã thuộc nhiều địa phương từ Nghệ An, Thanh Hóa cho đến Yên Bái, Lào Cai; trong đó nơi đông nhất là vùng cửa sông Châu Giang (ngã ba Tuần Vường, làng Phúc Mãn, tỉnh Hà Nam) nơi hiện có ngôi mộ và miếu thờ Mỵ Ê.

Tinh thần trinh liệt, u uẩn của Mỵ Ê lắng đọng nơi câu đối dân làng khắc trên cổng miếu thờ: “Phách tại Châu Giang hoài Phật Thệ/ Hồn lưu Phúc Mãn vọng Chiêm bang” - tạm dịch: “Thể phách ở Châu Giang nhớ mãi thành Phật Thệ/ Hồn lưu lại với làng Phúc Mãn nhưng vẫn hướng về nước Chiêm”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hoàng hậu Champa trong văn bia Chăm và sử Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO