Chương trình Con người và sinh quyển (MAB) của UNESCO vừa ghi danh thêm 20 khu dự trữ sinh quyển của thế giới, trong đó, Việt Nam vinh dự có thêm 2 khu.
Đến nay thế giới có hơn 700 khu dự trữ sinh quyển ở 130 quốc gia, bao gồm 22 địa điểm xuyên biên giới được UNESCO công nhận. Các khu dự trữ sinh quyển này hiện bao phủ hơn 5% diện tích trái đất. Đó không chỉ là vinh dự của các địa điểm được UNESCO gọi tên mà qua đó là nỗ lực, trách nhiệm bảo tồn đa dạng sinh học, giáo dục môi trường, nghiên cứu và phát triển bền vững.
Bảo vệ các khu dự trữ sinh quyển nhằm gắn kết hài hòa con người và thiên nhiên, cân bằng giữa lợi ích kinh tế và môi trường, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19. Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay nói: “Nhiệm vụ của UNESCO là đảm bảo rằng môi trường trở thành một thành phần chính của giáo trình giảng dạy vào năm 2025”.
Việt Nam lần này được công nhận thêm 2 khu dự trữ sinh quyển thế giới là Núi Chúa và Kon Hà Nừng. Theo UNESCO, khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (Ninh Thuận) có giá trị đa dạng sinh học cao, với hệ sinh thái phong phú, đặc trưng của vùng Nam Trung Bộ, bao gồm thảm thực vật bán khô hạn độc đáo, các bãi làm tổ của rùa biển và các rạn san hô.
Tổng dân số sinh sống trong khu vực hơn 447.000 người, gồm các dân tộc Kinh, Chăm, Raglai, Hoa, Tày, Nùng và Mường, có nền văn hóa đa dạng, truyền thống nghệ thuật, tôn giáo và kiến trúc cũng như nhiều nghi lễ và các lễ hội. Còn khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng (Gia Lai) được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Dương”, nơi vẫn giữ vẹn nguyên hệ sinh thái đa dạng và phong phú.
Khu dự trữ sinh quyển cũng là nơi cư trú của các loài quý hiếm như voọc chà vá chân xám - một loài linh trưởng đặc hữu quý hiếm của Việt Nam được xếp vào loại cực kỳ nguy cấp, chỉ còn khoảng 1.000 cá thể trong tự nhiên.
Nhiều khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận vào trung tuần tháng 9 này thuộc các quốc gia châu Á. Khu dự trữ sinh quyển Wando (Hàn Quốc) gồm 265 hòn đảo, chỉ 55 trong số đó là nơi sinh sống của tổng số 50.000 người, đón 3 triệu du khách mỗi năm.
Khu sinh quyển bao phủ các sườn núi và trải dài dọc theo bờ biển của Wando với nhiều hệ sinh thái, nơi sinh sống của một lượng động vật hoang dã biển đa dạng và được ví dụ điển hình về thực hành quản lý đất đai truyền thống.
Chẳng hạn như Maeulsup (rừng làng và lùm cây bảo vệ cư dân và đất nông nghiệp khỏi gió mạnh) và Gudeuljangnon (ruộng lúa bậc thang). Cư dân nơi đây nhận ra rằng những hoạt động bền vững và môi trường trong lành này mang lại giá trị đáng kể cho hoạt động sản xuất hải sản và du lịch trên quần đảo của họ.
Khu dự trữ sinh quyển Penang Hill là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Malaysia, thu hút 1,6 triệu du khách mỗi năm. Nằm trên đảo Penang, trong một điểm nóng đa dạng sinh học toàn cầu, Penang Hill là sự kết hợp giữa cảnh quan đô thị, nông nghiệp và thiên nhiên, Những môi trường sống đa dạng này hình thành nhiều hệ thực vật và động vật, bao gồm các loài đặc hữu và có nguy cơ tuyệt chủng như cá heo Irrawaddy, tê tê Sunda và các loài chim di cư...
Tương tự, khu dự trữ sinh quyển Doi Chiang Dao của Thái Lan sở hữu nhiều loài quý hiếm, chẳng hạn như vượn tay trắng, voọc xám, sơn dương Hoa Nam... Đây là khu vực duy nhất tại Thái Lan được bao phủ bởi thảm thực vật dưới núi cao và là nơi sinh sống của hơn 300 loài chim, nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm...